25/07/2020 - 08:02

Một thập kỷ đồng hành cùng các cặp vợ chồng hiếm muộn 

770 em bé chào đời là niềm hạnh phúc vô bờ của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Đó cũng là thành quả nỗ lực phấn đấu và phát triển của tập thể Khoa hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ trong chặng đường một thập kỷ qua, thắp sáng niềm tin và hy vọng cho các cặp vợ chồng trong hành trình đi tìm những thiên thần bé nhỏ.

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Phan Vinh, Phó Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản (thứ hai, bên trái), đến thăm gia đình cặp vợ chồng thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thành công tại BV Phụ sản TP Cần Thơ. Ảnh: Quỳnh Anh

Ngày 14-7-2010, Khoa Hiếm muộn Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ, nay là Khoa Hỗ trợ sinh sản - BV Phụ sản TP Cần Thơ, được thành lập và được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là trung tâm đầu tiên của vùng ĐBSCL và cũng là đơn vị thứ 13 của cả nước thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Giai đoạn đầu, Khoa Hiếm muộn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Tuy nhiên, BV nhận được sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, Sở Y tế thành phố, cũng như sự chủ động của BV đưa nguồn nhân lực lên tuyến trên đào tạo, nên chỉ trong thời gian ngắn, tỷ lệ điều trị hiếm muộn của BV ngày càng nâng cao. Đến năm 2014, đã có 50 em bé chào đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, đạt tỷ lệ thành công 22,2%, tăng gấp đôi so với năm 2010. Tỷ lệ này tương đương với các trung tâm trong cả nước.

Tháng 9-2014, BV Phụ sản TP Cần Thơ được thành lập trên cơ sở chia tách từ BV Đa khoa TP Cần Thơ, cơ hội thuận lợi để BV phát triển lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Khoa Hỗ trợ sinh sản được đầu tư hệ thống thiết bị triển khai kỹ thuật phôi thoát màng bằng laser trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm. Từ đây, nhiều cặp vợ chồng “khát con” tìm được “trái ngọt”.

Vợ chồng anh Ng.Th.Ph. và chị Ng.Ng.M. cưới nhau năm 2010, suốt 7 năm đi điều trị khắp nơi mà trong nhà chưa có tiếng khóc trẻ thơ. Năm 2017, họ tìm đến Khoa Hỗ trợ sinh sản BV Phụ sản TP Cần Thơ điều trị. Sau hai lần chuyển phôi thất bại, lần chuyển thứ 3 với 2 phôi cuối cùng lại bị bóc tách 50%, thấy rõ khả năng thất bại và đó cũng là dấu chấm hết. Nhưng kỳ tích đã đến, cuối cùng thai phát triển tốt. Đầu năm 2019, bé Nguyễn Quang Vinh cất tiếng khóc chào đời sau 9 năm cha mẹ mỏi mòn mong đợi. 

Kỹ thuật viên Khoa Hỗ trợ sinh sản làm việc trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Quỳnh Anh

Năm 2017, BV Phụ sản TP Cần Thơ là đơn vị đầu tiên của ngành y tế Cần Thơ thực hiện tự chủ tài chính. Với lợi thế này, năm 2018, BV đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hiện đại cho Khoa Hỗ trợ sinh sản như tủ nuôi cấy phôi thế hệ mới, bình trữ phôi, bơm tiêm điện, máy lọc khí di động. Năm 2020, đầu tư thêm máy siêu âm GE Volusion phục vụ cho việc khám hiếm muộn, đặc biệt là phát triển lĩnh vực nam khoa và nhiều kỹ thuật - dịch vụ xét nghiệm như thụ tinh trong ống nghiệm hiện đại với các trường hợp: tự thân, cho - nhận noãn, ngân hàng tinh trùng, tinh trùng từ phẫu thuật, mẹ đơn thân, giảm thai trong đa thai.

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Phan Vinh, Phó Trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản, cũng được đào tạo tại BV Washington (Hoa Kỳ) về các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Nhiều bác sĩ, chuyên viên phôi học được tập huấn từ BV Từ Dũ, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và một số Trung tâm IVF trong cả nước. Nguồn nhân lực vững vàng về chuyên môn, với thiết bị hiện đại, Khoa Hỗ trợ sinh sản đã mạnh dạn triển khai kỹ thuật mới mà các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng trong thụ tinh ống nghiệm, trong đó có kỹ thuật nuôi phôi ngày 5, góp phần tăng tỷ lệ thành công điều trị hiếm muộn từ 50% - 70%.

Nhờ thực hiện các kỹ thuật mới, tỷ lệ thành công điều trị hiếm muộn ngày càng tăng. So với năm 2010, đến nay tỷ lệ này tăng gấp 5 lần (từ 11,1% tăng lên 50,7%). Cùng với sự liên kết giữa các khoa như Khoa Sanh, Khoa Phụ, Khoa Nhi - Sơ sinh đã góp phần vào sự thành công trong thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc BV Phụ sản TP Cần Thơ, chia sẻ: “Kết quả đạt được 10 năm qua là nền tảng vững chắc để Khoa Hỗ trợ sinh sản tiếp tục triển khai nhiều kỹ thuật mới như: trưởng thành trứng non trong ống nghiệm, sàng lọc và chẩn đoán di truyền tiền làm tổ, mang thai hộ và nâng tỷ lệ thành công điều trị hiếm muộn đạt khoảng 70%. Đó cũng là cơ sở để khoa trở thành Trung tâm IVF ĐBSCL, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật để người dân trong vùng được hưởng thụ những tiến bộ kỹ thuật của y học trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản”.

Bác sĩ CKII Cao Minh Chu, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cũng ghi nhận những thành tựu mà Khoa Hỗ trợ sinh sản BV Phụ sản TP Cần Thơ đã đạt được, đồng thời đặt nhiều kỳ vọng đơn vị trở thành Trung tâm IVF của vùng ĐBSCL, góp phần vào sự phát triển chung của ngành y tế thành phố, củng cố vai trò Trung tâm Y tế vùng ĐBSCL”.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết