20/07/2010 - 14:01

Một số trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang Cần Thơ giai đoạn 1945-1975

Bài 1: HÙNG THAY TẦM VU

Được thành lập vào ngày 30-7-1945, trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng vũ trang (LLVT) Cần Thơ đã lập được nhiều chiến công vang đội, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng miền Nam. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống LLVT thành phố Cần Thơ, Báo Cần Thơ sẽ lần lượt giới thiệu một số trận đánh tiêu biểu, đánh dấu sự trưởng thành của LLVT Cần Thơ trong giai đoạn 1945 - 1975. Tiêu biểu trong kháng chiến chống Pháp là 4 trận Tầm Vu do quân dân Cần Thơ phối hợp với bộ đội chủ lực đánh bất ngờ, làm tiêu hao sinh lực địch, vang danh khắp cả nước. Đặc biệt, trận Tầm Vu IV được xem là một trong những trận đánh điển hình, khẳng định sức mạnh, khả năng chiến đấu và chiến thắng của quân, dân Cần Thơ nói riêng, Nam bộ nói chung lúc bấy giờ...

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công vào Sài Gòn - Gia Định, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Một tuần sau, thực dân Pháp đánh chiếm Cần Thơ. Cùng với quân dân Nam bộ, LLVT Cần Thơ cùng nhân dân đã phối hợp với các lực lượng anh dũng chiến đấu, bao vây, kềm chân địch trong thị xã Cần Thơ nhiều ngày. Sau tiếng vang của trận đánh vào Ban Chỉ huy Pháp ở Cái Răng của đội cảm tử Lê Bình vào ngày 12-11-1945, làm chết và bị thương hơn 20 tên địch, trong đó có Đại úy Rousan (Chỉ huy trưởng đồn Cái Răng) bị thương nặng khiến binh lính Pháp kinh hoàng, thì không lâu sau, thắng lợi vang dội của trận Tầm Vu I, vào ngày 20-1-1946, khiến thực dân Pháp phải tổ chức rút kinh nghiệm toàn quân Pháp ở Đông Dương.

Quân dân Cần Thơ chở pháo 105 ly thu được của giặc pháp trong trận Tầm Vu IV, về vùng căn cứ. (Nguồn: Cần Thơ 30 năm vũ trang chống Thực dân Pháp - Đế quốc Mỹ 1945-1975 tập I). 

Sau khi quân Pháp từ mặt trận Cái Răng đánh chiếm Cái Tắc nhằm phá vỡ phòng tuyến và vật cản của ta trên tuyến đường huyết mạch, dọn đường cho quân của chúng tiến công về Long Mỹ, Vị Thanh, Rạch Giá, vùng phía bắc U Minh Thượng, các đơn vị Cộng hòa Vệ binh Rạch Giá, Cần Thơ cùng đội du kích Tân Phú Thạnh đã chặn đánh địch ở nhiều nơi trên đoạn đường chưa đầy 7 km từ Cái Tắc đi Rạch Gòi. Nghe trinh sát báo cáo về quy luật các xe cơ giới của địch chở quân và thực phẩm thường lưu thông trên đoạn đường này, đồng chí Nguyễn Đăng, lúc bấy giờ là Chỉ huy trưởng Mặt trận Tham Tướng - Phong Điền - Bình Thủy, nhận thấy có nhiều thuận lợi về địa hình, địa vật và thời cơ nên đồng ý tổ chức phục kích đánh địch ngay đầu cầu Tầm Vu. Khoảng 8 giờ sáng ngày 20-1 -1946, sau khi gom ghép nhiều đơn vị thành một đội xung kích gần 1 trung đội, đồng chí Nguyễn Đăng chia lực lượng làm 3 tiểu đội bố trí chặn đánh địch. Chờ cho đoàn xe của địch (gồm 1 xe con đi trước và 2 xe chở đầy lính theo sau bảo vệ) lọt vào trận phục kích, các tiểu đội bất ngờ tấn công. Bọn lính hốt hoảng nhảy khỏi xe, bắn xối xả hai bên đường để bảo vệ xe con. Trước hỏa lực của địch, quân ta men theo mé sông rút nhanh. Trận này, địch chết và bị thương hơn 10 tên, trong đó có Đại tá Dessert, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại miền Tây - một trong 5 sĩ quan cao cấp của Pháp trên chiến trường Đông Dương. Về phía ta có 3 chiến sĩ bị thương nhẹ. Trận Tầm Vu I có ý nghĩa rất quan trọng, là trận thắng đầu tiên của LLVT ta đánh vào xe cơ giới địch, mở màn cho những trận tiếp theo trên chiến trường Cần Thơ, cũng là lần đầu tiên 1 sĩ quan cao cấp của địch bị chết trong chiến tranh Đông Dương. Địch cho đây là trận phục kích điển hình của Việt Minh, dùng lực lượng nhỏ, đánh bất ngờ, gây thiệt hại lớn cho chúng.

Hơn 10 tháng sau, cũng trên đoạn đường này, vào ngày 12-11-1946, Đại đội 68 của ta kết hợp với đội công tác thành, công an xung phong và trung đội du kích Phụng Hiệp, do đồng chí Ngô Hồng Giỏi (nguyên chi đội trưởng Chi đội 22 - lúc bấy giờ tương đương tiểu đoàn) chỉ huy chung, đã phục kích đánh đoàn xe quân sự của địch. Trong khoảng 15 phút chiến đấu, ta đã phá hủy 3 xe, diệt 60 lính Pháp và thu 60 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng. Trận đánh này góp phần nâng thêm kinh nghiệm tổ chức phục kích, phục kích vận động đánh địch của quân ta. Trong trận này, đồng chí Dương Văn Thuận đã anh dũng hy sinh, từ đó nhân dân còn gọi cầu Tầm Vu là cầu Dương Văn Thuận. Sau thắng lợi của trận Tầm Vu II, dân quân và du kích xin theo Đại đội 68 khá đông.

Khoảng nửa năm sau, ngày 3-5-1947, lực lượng của Khu và các LLVT Cần Thơ do Khu Bộ trưởng Huỳnh Phan Hộ chỉ huy chung (đồng chí Ngô Hồng Giỏi chỉ huy LLVT Cần Thơ) đã lập nên chiến công lớn ở trận Tầm Vu III. Trận này, quân số, vũ khí của ta nhiều hơn trận Tầm Vu II. Công binh xưởng của Khu đã sản xuất được mìn, lựu đạn, cộng với vũ khí thu gom được từ các trận đánh, ta còn có thêm một trung đội trợ chiến được trang bị đại liên, súng cối. Ta bố trí lực lượng phục kích cách cầu Tầm Vu 500 mét về hướng Rạch Gòi, bất ngờ chặn đánh đoàn xe của địch từ Cần Thơ đi tiếp tế cho đồn Kinh Cùng. Trong trận này ta phá hủy 6/8 xe quân sự của địch, làm chết và bị thương gần 200 lính Pháp, thu được 8 đại liên, nhiều súng đạn các loại. Về phía ta có 6 chiến sĩ bị thương.

Gần 1 năm sau, vào ngày 19-4-1948, trận Tầm Vu IV do Khu Bộ trưởng Trần Văn Giàu và Tham mưu trưởng Võ Quang Anh chỉ huy, với sự phối hợp chặt chẽ của 3 thứ quân (chủ lực, địa phương quân và dân quân du kích) đã lập nên chiến công vang dội. Theo lời kể của đồng chí Ngô Hồng Giỏi (lúc bấy giờ là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 122) tại Hội thảo khoa học Chiến thắng Tầm Vu năm 1988, được in lại trong quyển “Chiến thắng Tầm vu” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cần Thơ xuất bản năm 1993, thì đến năm 1948, được sự đồng ý của Bộ Tư lệnh Quân khu, LLVT Cần Thơ được biên chế thành Trung đoàn 122. Tham gia đánh trận Tầm Vu IV có nhiều đơn vị của Khu và Trung đoàn 123, 124 (mỗi trung đoàn 1 đại đội) được trang bị hơn chục khẩu đại liên, hai khẩu trọng liên và hai cối 81. LLVT Cần Thơ ngoài Trung đoàn 122 tham chiến còn có các lực lượng Công an vũ trang biệt động đội, 1 trung đội của tỉnh, du kích địa phương, dân quân làm dân công hỏa tuyến... Trận đánh này được điều nghiên, lên kế hoạch rất kỹ từ hơn một tháng trước và cách đánh cũng mưu trí, sáng tạo, vừa phối hợp bố trí lực lượng chặt chẽ, vừa dùng chiến thuật dụ địch rơi vào trận phục kích của ta. Trước trận đánh một tuần, ta bắn pháo 81 ly vào đồn điền Bảy Ngàn liên tiếp 2 đêm, làm xáo trộn hậu cần của địch; đồng thời trong 3 ngày kế tiếp, quân ta kéo về đóng tại Láng Hầm (trên một đoạn khoảng 2-3 km), chuẩn bị đào công sự, chôn địa lôi trên lộ... Đợi suốt 3 ngày địch không vô, ta liền phá hết hầm, thổi kèn rút quân để đánh lừa địch. Đến chiều ngày 18-4-1948, các đơn vị của ta trở lại rất êm, vào vị trí sẵn sàng đón địch. Lúc 15 giờ ngày 19-4, chờ cho đoàn xe của địch từ hướng Rạch Gòi về Cần Thơ lọt vào trận địa phục kích, quân ta đồng loạt nổ súng tiêu diệt địch. Trận này, quân ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 100 tên địch (trong đó có một tên quan ba) bắt sống 80 tên, phá hủy 12/14 xe cơ giới của địch, thu hơn 200 súng, vũ khí các loại và nhiều quân trang, quân dụng. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên ta lấy được khẩu trọng pháo 105 ly của địch, tạo tiếng vang lớn trên chiến trường Đông Dương. Nhờ nhân dân đưa đôi trâu đến góp sức cùng bộ đội kéo pháo, vận chuyển xuống ghe chở về căn cứ an toàn. Chiến thắng Tầm Vu lẫy lừng đã khơi nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Đắc Nhẫn và ca sĩ Quốc Hương sáng tác bài “Tầm Vu” bất hữu...

Chiến thắng Tầm Vu IV là sự phối hợp chặt chẽ giữa chiến trường Tây Nam bộ với chiến trường chính chiến dịch Thu Đông (1947 - 1948) làm suy yếu, căng kéo lực lượng địch, khiến chúng không thể chi viện cho chiến trường chính. Đây cũng là trận đánh có sự chỉ đạo, hợp đồng tác chiến linh hoạt, phát huy sức mạnh của 3 thứ quân trên trận địa giao thông. Theo lời đồng chí Trần Nhật Quang, nguyên là Tham mưu phó, Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 9 (khi tham gia trận Tầm Vu IV, ông là Trưởng ban Tình báo Cần Thơ), phát biểu tại Hội thảo nêu trên, chiến thắng Tầm Vu IV là một bước khẳng định sự trưởng thành của LLVT của ta về nghệ thuật quân sự, sự chỉ huy tập trung và sự trưởng thành về việc xây dựng lực lượng, giúp ta có thêm kinh nghiệm tổ chức những trận đánh lớn, các chiến dịch lớn sau này. Đồng thời, chiến thắng Tầm Vu IV còn khẳng định sức mạnh đoàn kết của quân dân ta. Chính vì biết dựa vào dân, phát huy sức mạnh, lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân mà cuộc kháng chiến trường kỳ của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đi đến thắng lợi hoàn toàn.

K.C (Tổng hợp)

Bài 2: LẪY LỪNG CHIẾN THẮNG ÔNG HÀO

Chia sẻ bài viết