21/03/2019 - 11:49

Một số khó khăn, vướng mắc trong thi hành án dân sự 

Thời gian qua, trên địa bàn TP Cần Thơ án phát sinh ngày càng nhiều, tính chất, mức độ vụ việc ngày càng phức tạp, giá trị tài sản phải thi hành lớn. Cục Thi hành án Dân sự (THADS) TP Cần Thơ đã nỗ lực tìm giải pháp thi hành án nhằm rút ngắn thời gian giải quyết, kéo giảm lượng án tồn cả về việc và giá trị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cần tiếp tục được khắc phục. Trong các nguyên nhân của tồn tại, có nguyên nhân là việc áp dụng pháp luật vào quá trình THADS còn nhiều vướng mắc…

Một buổi đấu giá tài sản tại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

Một buổi đấu giá tài sản tại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

 

Khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc chưa giao tài sản bán đấu giá thành cho người mua trúng đấu giá

Trường hợp này xuất phát từ những thay đổi trong Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, đặc biệt là nguyên tắc “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Bên cạnh đó, Điều 48 Luật THADS năm 2014 quy định về hoãn thi hành án thì cũng không xác định rõ hoãn trong giai đoạn nào cũng gây không ít khó khăn cho cơ quan thi hành án.

Cụ thể, trong quá trình kê biên, định giá, giảm giá, bán đấu giá, không xảy ra tranh chấp về tài sản bán đấu giá. Nhưng ngay sau khi tổ chức bán đấu giá thành, người phải thi hành án lại gởi đơn khởi kiện ra Tòa án. Tòa án thụ lý vụ việc, dẫn đến tài sản không thể giao được cho người mua trúng đấu giá. Theo điểm d Khoản 1 Điều 48 Luật THADS năm 2014 quy định “Tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật này; tài sản được kê biên theo Điều 90 của Luật này nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm” là thuộc một trong những trường hợp hoãn.

Hiện tại, trên địa bàn TP Cần Thơ có quan điểm còn khác nhau giữa các cơ quan:

- Quan điểm thứ nhất: tài sản thi hành án đã được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật THADS năm 2014 thì áp dụng trong tất cả các quá trình thi hành án, ngay cả việc tài sản bán đấu giá thành nhưng xảy ra tranh chấp và được Tòa án thụ lý giải quyết thì cơ quan thi hành án phải hoãn việc thi hành án. Tức là khi có thông báo thụ lý của tòa án với bất kỳ lý do, nguyên nhân gì thì cơ quan THADS phải hoãn.

- Quan điểm thứ 2: khi kê biên tài sản, quá trình bán, giảm giá… không có tranh chấp mà khi bán đấu giá thành lại xảy ra tranh chấp, cơ quan thi hành án không có cơ sở để hoãn việc thi hành án vì không đúng theo tinh thần của các Điều 74, Điều 75 của Luật THADS năm 2014. Cụ thể, Điều 74 quy định về xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án; Điều 75 quy định về giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án, không quy định đến việc bán đấu giá tài sản thành. Hoặc theo Điều 103 quy định về bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án, Điều 5 bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì cũng còn nhiều vướng mắc.

Do đó, về vấn đề này hiện nay rất cần có hướng dẫn thống nhất, cụ thể.

Về quy định tại Điều 81 Luật THADS hiện hành

Điều 81 về thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ, được hướng dẫn chi tiết tại Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: “Khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản làm việc hoặc có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản giao nộp cho cơ quan THADS để thi hành án. Tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc giao nộp số tiền, tài sản đó thì bị áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án...”.

Tuy nhiên, trong thực tế cũng có nhiều vướng mắc, một số cơ quan (là người thứ 3) lại không đồng tình đưa tiền vào quá trình THADS vì nhiều lý do: việc bàn giao mặt bằng dự án sẽ bị ảnh hưởng, công tác cưỡng chế di dời các hộ dân gặp khó khăn, đương sự trình bày gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế và cũng có thể vì né tránh trách nhiệm, ngán ngại va chạm với tổ chức cá nhân có liên quan.    

Trước những khó khăn vướng mắc trên, đề xuất các cơ quan chức năng ở Trung ương tiếp tục hoàn thiện pháp luật về THADS theo hướng khi kê biên, xử lý tài sản để thi hành án thì giao luôn tài sản cho bên thứ ba trực tiếp quản lý, trông coi; bên thứ ba có thể là một tổ chức có chức năng về quản lý, xử lý tài sản, nhằm hạn chế tối đa những khiếu nại, tranh chấp phát sinh sau khi tài sản bán đấu giá thành, đặc biệt là việc có làm thay đổi về đặc điểm tài sản. Bên cạnh đó, trên cơ sở những khó khăn thực tế đang xảy ra theo đặc thù, tập quán của từng địa phương, đề nghị Tổng cục THADS phải quan tâm hơn nữa các Cục THADS các tỉnh, thành trong công tác phối hợp với các ban ngành hữu quan có liên quan trong việc giao tài sản đã bán đấu giá thành cho người mua trúng giá (các quy chế phối hợp, thông tư liên ngành…); có ý kiến với Trưởng Ban Chỉ đạo THADS để tháo gỡ các vấn đề liên quan, đặc biệt là những ý kiến, quan điểm chưa thống nhất trong việc giao tài sản bán đấu giá thành (trường hợp huy động lực lượng liên ngành)…

Ths. NGUYỄN DUY QUỐC

Chia sẻ bài viết