30/08/2011 - 09:41

Mong ước của Bình được thắp sáng!

Nguyễn Công Bình có gương mặt sáng nhưng đôi mắt không giấu được nỗi buồn. Mỗi khi nhắc về mẹ, em cố nén nỗi đau để không rơi nước mắt. Mùa thi, bạn bè trang lứa được cha mẹ chăm sóc chu đáo hơn, Bình lại đối mặt với nỗi đau ngày ngày chứng kiến mẹ bị bệnh tâm thần hành hạ. Đau đớn hơn khi Bình vừa xong kỳ thi đại học thì mẹ lên cơn bệnh, bỏ nhà đi biệt, đến nay vẫn chưa tin tức gì. Nhận giấy báo trúng tuyển vào ngành Thú y của Trường đại học Cần Thơ, Bình vừa vui mừng, vừa ngổn ngang bao nỗi lo…

 Nguyễn Công Bình.

Năm 1993, khi con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thùy Trang vừa lên 4 tuổi, con trai Nguyễn Công Bình chưa đầy 2 tháng tuổi, cô Nguyễn Kim Nương (trước là giáo viên dạy tiểu học ở xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) bắt đầu mắc bệnh tâm thần. Theo lời chú Nguyễn Công Năng, ba của Bình, được mấy anh chị đưa lên Biên Hòa trị bệnh 5-6 tháng, cô về nhà, sau đó đề nghị ly hôn. Năm đó, Trang 8 tuổi, Bình mới lên 4. Trang ở lại với ba (ở ấp Vĩnh Sơn, xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn), Bình còn quá nhỏ nên theo mẹ về sống bên ngoại ở xã Thới Hòa.

Bình vẫn nhớ: “Hồi em còn nhỏ, má thức dậy rất sớm để đổ bánh bò, rồi bưng đi bán trong xã (lúc đó hai má con ở xã Long Phú, huyện Tam Bình). Lỗ vốn, má chuyển qua bán vé số, lúc đầu đi bộ, rồi được cậu em cho chiếc xe đạp, má chạy đi bán xa hơn”. Năm Bình lên lớp 9, hai má con dời nhà về ấp Mỹ Phú 1, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình. Được người anh thứ Chín cho đất, cô Nương bán căn nhà nhỏ ở xã Long Phú, rồi vay mượn tiền cất nhà. Cô cho thuê nhà để có tiền trả vốn vay và dự tính dành dụm lo cho con trai ăn học đến nơi đến chốn như cô hằng mong ước. Cô và Bình đi ở trọ nhà người quen với giá rẻ, hằng ngày vẫn đi bán vé số. Không bao lâu, cô gởi Bình ở lại để lên TP Hồ Chí Minh làm công nhân cắt chỉ tại một công ty may, thường xuyên tăng ca, gửi tiền lương về lo cho 2 con.

Khi Bình nghỉ hè năm lớp 10, bệnh của cô Nương tái phát. Đến khi cô không kiểm soát được mình nữa, ăn ít hơn, khóc nhiều hơn, phá bỏ đồ đạc, chạy ra đường nhiều hơn, thì người nhà quyết định đưa cô Nương trở lại Bệnh viện Biên Hòa. Mỗi cuối tuần, Bình chạy xe đạp về nhà ba, tiếp làm cỏ vườn, thu hoạch lúa, được mẹ kế cho ăn uống, cho gạo và một ít tiền. Sau 2 tháng điều trị bệnh, cô Nương được các anh chị đón về. Sau đó, cô đi Vĩnh Long giúp việc nhà, phụ bán ở cây xăng, có khi làm trong lò gạch. Không lâu, cô lại trở bệnh nặng hơn. Có lúc cô lặn xuống mương, mấy lần suýt chết, cũng có khi cô bị ai đó đánh bầm cả mình mẩy. 2 năm, cô Nương đi về Bệnh viện Biên Hòa 4-5 lần. Mỗi lần bệnh viện trả về, cô bớt bệnh một chút nhưng không lâu thì tái phát. Nhưng lần này, Trang và Bình hết sức lo lắng vì má của hai em bỏ nhà đi đã hơn một tháng, đến nay chưa tìm được. Hai em cầu mong má được bình an trở về nhà.

Những lúc tỉnh, cô Nương thường căn dặn 2 con phải ráng học, có nghề nghiệp ổn định để giúp ích cho xã hội. Không phụ lòng má, Trang đã tốt nghiệp ngành Quản lý công nghiệp (K33) Khoa Công nghệ Trường Đại học Cần Thơ. Em vừa tìm được việc làm tại một công ty sản xuất đồ nhựa ở TP Hồ Chí Minh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Bình đạt tổng điểm các môn thi là 48, được cộng thêm 1,5 điểm nghề (49,5 điểm). Thi đại học, Bình đạt 16,5 điểm, trúng tuyển ngành thú y của Trường Đại học Cần Thơ và còn thi đậu vào Trường Cao đẳng sư phạm Vĩnh Long.

Nhắc đến cậu học trò Nguyễn Công Bình, thầy Trần Hữu Phúc, Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Tam Bình), xúc động nói: “Chỉ có cơm nhà và đi bộ đến trường, Bình vẫn đạt học sinh tiên tiến suốt những năm tiểu học đến THCS. Trong khi cảnh nhà hết sức khó khăn nhưng lớp 11 và 12, Bình đều đạt học sinh giỏi. Tinh thần vượt khó của em rất đáng trân trọng”. Cô Nguyễn Thị Thanh Mai, giáo viên dạy môn Văn của Trường THPT Trần Đại Nghĩa (cô dạy văn của Bình năm lớp 12), giọng đầy trìu mến khi nói về Bình: “Bình rất chăm ngoan, hay giúp đỡ bạn bè, là lớp phó học tập gương mẫu. Cuộc sống hết sức khó khăn, 2 năm cuối cấp và nhất là thời gian Bình ôn thi, má em trở bệnh nặng, có khi em phải xin nghỉ để đi tìm má về, nhưng em rất có ý chí vượt khó, thi đạt điểm cao”.

Hiện nay, Bình rất lo lắng vì các khoản chi phí học tập của ngành thú y khá cao, Bình lại không thuộc diện được vay vốn học tập. Chị của Bình thì mới tìm được việc làm, sợ không lo kịp chi phí cho Bình nhập học. Số tiền đóng học phí học kỳ 1 ghi trong giấy báo trúng tuyển của Bình là 1.770.000 đồng (đóng ngày 31-8-2011 khi làm hồ sơ nhập học) và còn những khoản chi phí, tổng cộng Bình phải có 2,5 triệu đồng để làm thủ tục nhập học, chưa kể tiền nhà trọ. Mong rằng các đơn vị, nhà hảo tâm, cùng sẻ chia khó khăn để giúp Nguyễn Công Bình được vào học ở trường đại học, thắp sáng ước mơ.

Bài, ảnh: XUÂN QUYÊN

Chia sẻ bài viết