22/04/2023 - 07:57

Mở rộng chế độ thai sản, đảm bảo sức khỏe bà mẹ, trẻ em 

Bài, ảnh: HIỂN DƯƠNG

Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức tọa đàm nghiên cứu phương án mở rộng chế độ thai sản trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, lãnh đạo Hội LHPN thành phố trao đổi, thảo luận, tìm hiểu thực trạng tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH); nhu cầu, nguyện vọng của người lao động (NLĐ) về các chế độ chính sách BHXH để tìm giải pháp mở rộng diện bao phủ chế độ thai sản trong nữ giới.

Nhân viên tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT huyện Phong Điền (bên phải) tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Nhân viên tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT huyện Phong Điền (bên phải) tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Hiện nay, chế độ thai sản tại Việt Nam là một trong những chính sách ưu việt trong khu vực về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng. Tuy nhiên, diện bao phủ còn thấp do chế độ này chỉ áp dụng đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, còn NLĐ tham gia BHXH tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản. Bà Đào Thị Vi Phương, Phó Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, Hội LHPN Việt Nam, cho biết: “Nhiều phụ nữ, đặc biệt các nhóm lao động ở khu vực nông thôn và cả khu vực thành thị tham gia việc làm phi chính thức, chưa được hưởng chế độ thai sản hay các trợ cấp hỗ trợ liên quan đến thai sản. Họ là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hoặc không có khả năng tham gia BHXH tự nguyện. Nếu thiếu chế độ thai sản sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, thời gian làm việc của phụ nữ cũng như sức khỏe bà mẹ, trẻ em… Do vậy, cần có phương án mở rộng hơn nữa đối với chế độ thai sản cho NLĐ nhằm bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em”.

Theo kết quả khảo sát năm 2019 của ILO, chỉ 30% phụ nữ trong lực lượng lao động được hưởng chế độ thai sản. Như vậy, còn một lực lượng lao động đáng kể trong xã hội không trong diện tham gia BHXH bắt buộc và chưa tham gia BHXH tự nguyện. Điều đó đồng nghĩa với số lượng lớn lao động chưa được bảo vệ thai sản.

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng cần nghiên cứu bổ sung thêm chế độ thai sản đối với các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, tăng cường chính sách hỗ trợ tiền đóng từ ngân sách nhà nước và huy động từ nguồn lực xã hội; chế độ chính sách hỗ trợ phụ nữ trong thời gian nuôi con nhỏ, chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ sau sinh, chính sách thai sản cho người khuyết tật…

Theo BHXH TP Cần Thơ, năm 2022, BHXH TP Cần Thơ thực hiện thu BHXH bắt buộc 138.768 người (đạt 100,03% chỉ tiêu giao), 22.852 người tham gia BHXH tự nguyện (đạt 100,55% chỉ tiêu giao). Từ đầu năm 2023 đến nay, BHXH thành phố đã giải quyết cho 1.852 NLĐ được hưởng chế độ thai sản, với tổng số tiền hơn 27 tỉ đồng.

Để mở rộng diện bao phủ BHXH bắt buộc và đẩy nhanh số người tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức, Nghị quyết 28/NQ-TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH đã định hướng và xác định mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Trong đó, nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Bà Trần Kiều Thu, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Chế độ BHXH, BHXH TP Cần Thơ, thông tin: “Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Theo đó, Bộ đã đề xuất bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, bổ sung chế độ thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện. Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản là NLĐ phải đóng BHXH tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Mức hưởng thai sản là 2 triệu đồng cho 1 con mới sinh, nguồn chi trả sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm. Đây là một chính sách mở rộng thêm đối với người tham BHXH tự nguyện, nhằm tăng tính hấp dẫn của loại hình BHXH tự nguyện và dần mở rộng thêm các chế độ khác cho NLĐ khi tham gia BHXH tự nguyện”.

Bà Nguyễn Thị Thu Lam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Cần Thơ, cho biết: “Chế độ thai sản cũng như các chính sách xã hội đối với lao động nữ nói chung, vừa tạo điều kiện để họ thực hiện tốt chức năng làm mẹ, đồng thời thực hiện tốt công tác xã hội. Việc thực hiện chế độ thai sản trong những năm qua đã giúp hàng ngàn lượt người, chủ yếu là lao động nữ, giải quyết được những vấn đề của đời sống và chăm sóc con nhỏ”.

Chia sẻ bài viết