06/01/2019 - 08:31

Mở hướng cho đội ngũ viết kịch bản sân khấu dài 

Hội Sân khấu TP Cần Thơ vừa tổng kết trại sáng tác kịch bản sân khấu dài năm 2018. Những kịch bản mới đã ra đời, những cây bút được tiếp thêm động lực sáng tác và vấn đề khó về thiếu đội ngũ viết kịch bản cải lương Cần Thơ dần được giải quyết.

Soạn giả Nguyễn Thành Kiên, Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Văn học - Nghệ thuật TP Cần Thơ, trao bằng chứng nhận cho các tác giả có kịch bản được thông qua tại trại sáng tác.

Đây là lần đầu tiên Hội Sân khấu thành phố tổ chức trại sáng tác kịch bản dài. Có khoảng 20 đề cương gửi về Hội trước khi trại sáng tác được tổ chức. Sau tuyển chọn, 9 đề cương kịch bản được thông qua và hoàn thiện sau chuyến thực tế sáng tác tại huyện Phong Điền trong 6 ngày. Giảng viên của trại là hai soạn giả uy tín: Huỳnh Thanh Tuấn và Võ Tử Uyên nên giúp các tác giả ở Cần Thơ rất nhiều trong khai thác câu chuyện, tạo hấp dẫn cho kịch bản.

Các kịch bản được xây dựng qua những góc nhìn và tiếp cận khác nhau của từng tác giả, thể hiện qua tính sáng tạo và mới mẻ. Đề tài được các tác giả khai thác đa dạng: ký ức thời chiến qua “Nhớ mùa nước nổi” (Ngọc Hương), “Chiếc lá hình trái tim” (Trúc Linh); xây dựng nông thôn mới ở Cần Thơ qua “Tiếng vọng quê hương” (Nguyễn Trung Nguyên), “Giai điệu tri âm” (Võ Hiếu Hòa), “Rặng trâm bầu” (Hoa Huyền)… Điển hình như tác phẩm “Khúc hát tình quê” của tác giả Trương Huy Hoàng, nói về khát vọng làm giàu, giúp ích cho quê hương của những bạn trẻ. Câu chuyện không mới nhưng tác giả Trương Huy Hoàng khai thác có chiều sâu, cảm xúc nên khá hấp dẫn. Tác giả Trương Huy Hoàng cho biết: Đây là kịch bản dài thứ 4 của ông, dù vậy ông vẫn gặp khó khi viết. “Tôi xem đây là thử thách trong sáng tác cổ nhạc của mình”- ông Hoàng nói.

Khác với Trương Huy Hoàng, tác giả Ngọc Hương lần đầu “chạm ngõ” viết kịch bản dài và hoàn thành khá tốt kịch bản “Nhớ mùa nước nổi” nói về nghĩa tình đồng đội thời bình. Đó là những cựu chiến binh cúng giỗ cho đồng đội từng vào sinh ra tử thời chiến vào mùa nước nổi quê hương. Tác giả Ngọc Hương chia sẻ, kịch bản dài quả không dễ, làm sao để súc tích mà người xem vẫn hiểu, khai thác tình huống kịch sao cho hấp dẫn là bài toán đặt ra. “Câu chuyện mình có đó nhưng chưa vỡ ra, chưa có nhiều tình tiết để khai triển. Tôi học được nhiều từ trại sáng tác này”- tác giả Ngọc Hương nói.

Tuy nhiên, nhiều tác giả cũng băn khoăn về “đầu ra” cho những kịch bản đã hoàn thiện này. Tác giả Minh Cưng rất phấn khởi sau khi hoàn thành kịch bản “Cái tình chợ nổi” viết về vẻ đẹp chợ nổi Cái Răng quê hương ông. “Sẽ vui hơn nhiều nếu kịch bản thành tác phẩm hoàn chỉnh trên sân khấu”, tác giả Minh Cưng bày tỏ. Nhiều tác giả khác cũng chia sẻ rằng, nếu tác phẩm được dàn dựng, sẽ là động lực rất lớn để giới soạn giả Cần Thơ tiếp tục đầu tư.

Ông Nguyễn Hoàng Dũ, Chủ tịch Hội Sân khấu thành phố, cho biết: Sắp tới, Hội sẽ liên hệ với các Đài Truyền hình để dàn dựng, đưa tác phẩm lên sóng truyền hình, vì vậy các tác giả không phải lo về đầu ra. Điều cần thiết là tác giả tiếp tục trau chuốt, tu sửa để tác phẩm thật sự hay và hấp dẫn. Ông Dũ cũng cho biết, năm 2019, Hội sẽ tiếp tục mở trại sáng tác kịch bản dài, bù đắp vào "khoảng trống" thể loại này đã khá lâu ở Cần Thơ.

Không quá lời khi nhận định, cải lương hiện nay đang gặp khó một phần do không có kịch bản hay. Bởi cải lương bây giờ cần có những kịch bản bắt đúng tâm tư, cảm xúc của người xem đương thời. Vậy nên, định hướng của Hội Sân khấu TP Cần Thơ trong phát triển đội ngũ viết kịch bản sân khấu dài rất cần duy trì.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết