27/09/2022 - 23:49

Mô hình vì cộng đồng mùa sa mưa 

DUY KHÔI

Hệ thống giao thông nông thôn ở huyện Phong Ðiền được xây dựng rộng khắp, nhất là dọc các kinh rạch trên địa bàn. Hai bên đường, cây cối xum xuê, che bóng mát rợp lối đi. Mùa nắng thì những con đường này rất mát mẻ, nhưng mùa sa mưa thì lại nguy hiểm do rong rêu bám, gây trơn trợt. Vì vậy, một mô hình vì cộng đồng rất thiết thực đã ra đời...

Xử lý rong rêu trên địa bàn xã Nhơn Nghĩa. Ảnh: Xã đoàn Nhơn Nghĩa cung cấp

Dù mùa mưa bắt đầu khá lâu nhưng hầu hết các tuyến đường nông thôn trên địa bàn xã Nhơn Nghĩa sạch đẹp, không có rong rêu, người dân đi lại an toàn. Ðó là nhờ lực lượng đoàn viên, thanh niên xã Nhơn Nghĩa ra quân, cùng với các ấp thực hiện rải xi măng trên mặt đường diệt rong rêu. Bắt đầu từ tuyến đường ở ấp Nhơn Phú 1, với chiều dài trên 2.000m, đến nay thì tất cả các tuyến đường đều thực hiện mô hình này. Chị Lư Thị Ðào, Bí thư Xã đoàn Nhơn Nghĩa, cho biết: Lúc đầu, đoàn viên, thanh niên thực hiện thí điểm, sau được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con các ấp. Bà con, nhà hảo tâm chung tay đóng góp mua xi măng, rồi cùng làm để tuyến đường sạch đẹp, an toàn. Sau thí điểm thành công ở ấp Nhơn Phú 1, nay thì mô hình được triển khai toàn xã, đến từng hộ dân. Bây giờ, khi thấy đoạn đường trước nhà có rong rêu thì bà con tự mua xi măng về để rải diệt rong.

Không chỉ ở xã Nhơn Nghĩa, nhiều xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện Phong Ðiền cũng thực hiện xử lý rong rêu mặt đường bằng cách làm này. Phổ biến nhất là ở xã Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái, Trường Long, Giai Xuân, thị trấn Phong Ðiền... Mô hình được sự ủng hộ tích cực của địa phương và người dân.

Tìm hiểu được biết, thật ra mô hình này được thực hiện từ hơn 3 năm trước, từ cách làm của anh Nguyễn Nhựt Tân, một giáo viên hay làm thiện nguyện ở huyện Phong Ðiền. Thấy đoạn đường trước nhà bị rong rêu bám làm trơn trợt vào mùa mưa, bà con chạy xe hay té ngã, nhất là phụ nữ, anh Tân đã nghĩ ra cách xử lý. Ban đầu, anh Tân thử diệt rong rêu bằng cách rải vôi, xịt thuốc, nhưng hiệu quả không lâu, lại ảnh hưởng môi trường. Sau khi thử bằng cách dùng xi măng làm rải đều lên mặt đường, tưới ít nước rồi dùng chổi quét đều, cho hiệu quả tốt, anh Tân cùng bà con bắt đầu làm, nhân rộng mô hình.

Anh Tân cho biết, để xử lý hiệu quả, cần phải cạo rong rêu trên mặt đường sạch trước khi rưới hồ dầu. “Tiếng lành đồn xa”, anh Tân phối hợp cùng các đoàn viên, thanh niên thực hiện ở nhiều tuyến đường khác nhau. Chẳng những “chuyển giao công nghệ”, anh Tân còn vận động xã hội hóa xi măng, vật liệu để thực hiện mô hình. Anh Tân phân bổ ra các tuyến đường để đoàn viên, thanh niên cùng bà con cư trú cùng làm. “Bà con ủng hộ nhiệt tình lắm, vì hiệu quả rõ nét. Ngay cả khi biết tôi mua xi măng để xử lý rong rêu, chỗ bán cũng giảm giá, đóng góp vì cộng đồng”, anh Tân nói.

Ðặc biệt, khi xử lý rong rêu ở những đoạn đường bị hư, bể, đội xử lý lại lấp vá, sửa chữa ngay. Là người hay vào địa bàn xã Nhơn Nghĩa để thu mua nông sản, anh Nguyễn Văn Cường (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho biết: Do xe anh chở đồ nặng, cồng kềnh nên khi đi vào đường trơn trợt rất nguy hiểm, nhất là khi thắng gấp. Từ khi các tuyến đường được xử lý rong rêu, anh rất an tâm di chuyển.

Ðây là mô hình dễ làm, chi phí không nhiều nhưng lại rất hiệu quả, cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Chia sẻ bài viết