23/03/2016 - 14:09

BÌNH THỦY PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ

MÔ HÌNH TRỒNG NẤM CHO HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO

Là một trong những quận trung tâm của TP Cần Thơ, do quá trình đô thị hóa nên diện tích sản xuất nông nghiệp của quận Bình Thủy ngày một giảm dần. Thực hiện một trong các chỉ tiêu của Nghị quyết Đảng bộ về xây dựng nông nghiệp đô thị, Bình Thủy đã và đang tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp đô thị trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, nhất là những mô hình sử dụng ít đất nông nghiệp nhưng cho hiệu quả kinh tế cao như nghề trồng nấm đang được bà con thực hiện trong thời gian qua.

Sau gần 2 năm được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất và sơ chế nấm bào ngư, "Nấm bào ngư Thới An Đông" đã tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, luôn nằm trong tình trạng "cháy hàng" - không đủ cung, đem lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống của nhiều hộ nông dân. Anh Lê Văn Út, Tổ trưởng Tổ Sản xuất và kinh doanh nấm bào ngư Thới An Đông, cho biết: "Nếu nông dân trồng nấm bào ngư đơn lẻ sẽ không có chỗ đứng trên thị trường. Bên cạnh đó, nghề trồng nấm cũng cần có sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, sự hỗ trợ về chuyển giao khoa học kỹ thuật thì mới phát huy hiệu quả tốt. Mọi năm cứ vào dịp lễ, Tết, Tổ sản xuất thiếu lượng hàng cung ra thị trường do nhu cầu tăng cao. Nhưng nhờ quan tâm đầu tư bài bản, chu đáo, hiện nay Tổ đã có khả năng cung cấp lượng hàng ổn định theo đơn đặt hàng của các siêu thị và các chợ đầu mối".

Anh Châu Trọng Hữu – khu vực 1, phường An Thới đang chăm sóc nấm linh chi của gia đình trồng.

Mô hình trồng nấm bào ngư dù không mới, nhưng dễ làm, ít tốn công chăm sóc, không đòi hỏi nhiều diện tích đất, thích hợp với những vùng đất ven đô thị. Hiện nay, Tổ Sản xuất và Kinh doanh nấm bào ngư Thới An Đông đã phát triển từ 3 tổ viên lên 7 tổ viên, sản xuất trên 85.000 bịch phôi. Từ khi được công nhận nhãn hiệu, việc tiêu thụ nấm dễ dàng và thuận lợi hơn, sản phẩm được đưa vào siêu thị Coop.mart Cần Thơ, các chợ trong và ngoài thành phố... Không chỉ trồng nấm mà Tổ còn sản xuất phôi giống để bán cho nông dân ở các quận huyện lân cận.

Ngoài nấm bào ngư, nông dân quận Bình Thủy còn phát triển nghề trồng nấm linh chi, cho thu nhập cao, phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị. Nấm linh chi là một loại thảo dược quý, có nhiều công dụng trong việc hỗ trợ điều hòa huyết áp, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể, hỗ trợ giải độc và cải thiện bệnh viêm gan mãn tính, xơ gan, thần kinh suy nhược... Đây là loại cây trồng có tiềm năng kinh tế cao, có khả năng nhân rộng và phát triển trong thời gian tới. Với tâm thế làm giàu không khó dù diện tích canh tác hạn hẹp, anh Châu Trọng Hữu, khu vực 1, phường An Thới đã đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm linh chi đem lại hiệu quả kinh tế cao với trên 80 triệu đồng/vụ. Dịp Tết Nguyên đán 2016, với 3.500 bịch nấm linh chi cho thu hoạch, giá bán trên dưới 1 triệu đồng/kg nấm khô tùy loại, sau khi trừ chi phí anh thu về gần 100 triệu đồng/vụ.

Anh Hữu chia sẻ: Tôi đến với nghề trồng nấm linh chi gần 2 năm nay. Trồng nấm linh chi không mất nhiều công chăm sóc, tuy nhiên về kỹ thuật, người trồng phải chú ý và tuân thủ nghiêm túc các qui trình kỹ thuật như: nhà trồng phải tuyệt đối sạch sẽ, thông thoáng, phải trang bị hệ thống tưới tự động, nền nhà phải phủ một lớp cát mỏng khoảng 1cm để đảm bảo duy trì độ ẩm cho cây nấm phát triển. Xung quanh nhà trồng cần bao lưới ngăn chặn các côn trùng xâm nhập, gây hại cho nấm. Sau khi thu hoạch, nấm phải được vệ sinh sạch sẽ, phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ 40 – 45 0C. Mô hình nấm Linh chi mặc dù sử dụng diện tích hẹp, nhỏ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, trồng hoa màu. Bên cạnh đó, hiện nay, dưới tốc độ đô thị hóa thì những gia đình có diện tích đất nhỏ chỉ vài chục mét vuông cũng có thể trồng nấm linh chi để có nguồn thu có thêm nguồn thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng phòng Kinh tế quận Bình Thủy, cho biết: "Cũng như nhiều địa phương khác, trước tốc độ đô thị hóa, đất sản xuất nông nghiệp ở quận Bình Thủy dần bị thu hẹp, đòi hỏi bà con nông dân phải thay đổi tập quán canh tác, tư duy sản xuất phù hợp. Do đó, mô hình trồng nấm vừa tận dụng nguồn lao động tại chỗ vừa khai thác được diện tích sẵn có của các hộ gia đình. Các mô hình phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, sản xuất theo nhu cầu thị trường mà quận Bình Thủy và ngành nông nghiệp thành phố đề ra. Về phía quận tổ chức phát triển nông nghiệp đô thị trên cơ sở vận động, hỗ trợ các nông hộ thành lập nên các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ để phát huy hiệu quả tổ chức sản xuất. Ngành nông nghiệp quận cũng phối hợp với các viện trường để tập huấn kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất về giống mới, cũng như kỹ thuật canh tác mới để bà con tăng năng suất chất lượng sản phẩm. Đồng thời, phối hợp cùng các sở, ngành để đăng ký nhãn hiệu cho các hàng hóa nông sản, từng bước đi vào siêu thị cũng như có danh tiếng trong thị trường, giúp việc tiêu thụ nông sản được dễ dàng".

Bài, ảnh: LÊ THÚY

Chia sẻ bài viết