13/02/2021 - 15:41

Mở đường phát triển 

Cần Thơ đã song hành cùng ngành Giao thông vận tải phát triển hạ tầng giao thông không chỉ cho sự phát triển của riêng mình, mà còn góp phần làm thay đổi mạng lưới giao thông kết nối toàn vùng...

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đưa vào sử dụng giúp rút ngắn thời gian lưu thông từ Cần Thơ đến Kiên Giang và ngược lại. 

Ðột phá giao thông công cộng

Bây giờ, người dân Cần Thơ đã hào hứng và hài lòng với chất lượng, phục vụ của xe buýt. Chú Nguyễn Văn Tâm ở phường Phước Thới, quận Ô Môn chia sẻ: Từ ngày xe buýt mới đi vào hoạt động, cách 15-20 phút có 1 chuyến. Xe không chỉ mới, sạch sẽ mà còn có cả máy lạnh, giá vé cũng phù hợp. Thật sự rất tiện lợi với người dân!

Việc Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Busline đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt không trợ giá gần đây đánh dấu bước ngoặt của loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Cần Thơ, góp phần xây dựng hình ảnh một đô thị văn minh, hiện đại. Ðặc biệt là nỗ lực xúc tiến mời gọi đầu tư khai thác xe buýt theo hình thức xã hội hóa của thành phố, nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân. Xe buýt hiện đại đạt chuẩn khí thải Euro 4, sản xuất năm 2020 có 25 chỗ ngồi, 15 chỗ đứng, cửa lên xuống tự động; trang bị máy lạnh, wifi phục vụ miễn phí, có công cụ hỗ trợ và ghế ngồi cho người khuyết tật. Năm tuyến xe buýt mở mới kết nối Sân bay Quốc tế Cần Thơ với bến xe khách trung tâm và các điểm du lịch; kết nối các trường học, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn; kết nối các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết: Thành phố sẽ đảm bảo kết cấu hạ tầng thiết yếu như: bến bãi, nhà chờ, trạm dừng đỗ xe buýt hiện đại và hệ thống quản lý xe buýt thông minh để nâng cao chất lượng phục vụ của xe buýt.

Ðánh thức tiềm năng ngoại thành

Càng gần những ngày cuối năm, trên công trường thi công đường tỉnh 922, không khí càng hối hả, rộn ràng, khẩn trương hơn bao giờ hết. Ðội ngũ kỹ thuật viên và công nhân tập trung hoàn thành các phần việc theo kế hoạch triển khai của dự án. Dự án kỳ vọng sẽ góp phần tạo điều kiện cho 4 địa phương là quận Bình Thủy, Ô Môn và huyện Thới Lai, Cờ Ðỏ cùng phát triển.

Thành phố tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh thông qua hàng loạt công trình đã và đang được triển khai. Nhờ giao thông thông suốt, những vùng đất ven đô hoang vắng trước đây đã “chuyển mình” mạnh mẽ, tạo tiền đề nâng cao tiềm lực phát triển của địa phương.

Ðường Nguyễn Văn Cừ (nối dài) đoạn Mỹ Khánh - Phong Ðiền là minh chứng, tạo mạch nối Phong Ðiền với khu vực trung tâm thành phố. Ðường Nguyễn Văn Cừ hiện nay là tuyến đường nội ô dài nhất gần 10km và hiện đại, điểm nhấn “xương sống” của nội ô thành phố. Với thế mạnh phát triển cây ăn trái và du lịch sinh thái, tuyến đường này tạo ra những cơ hội mới để Phong Ðiền phát triển và là bệ phóng cho đô thị vùng ven này cất cánh.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, cho biết: Ðường Nguyễn Văn Cừ (nối dài) là công trình giao thông có ý nghĩa lớn đối với huyện Phong Ðiền. Tuyến đường kết nối hạ tầng đô thị và rút ngắn khoảng cách từ huyện Phong Ðiền đến trung tâm thành phố. Sau khi đi vào hoạt động, địa phương xây dựng cảnh quan dọc theo tuyến đường đảm bảo thông thoáng, sạch đẹp, tạo ấn tượng với du khách, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Hiện thực hóa kết nối vùng

Lãnh đạo các địa phương trong vùng nhận định hạ tầng giao thông yếu kém đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng ÐBSCL giàu tiềm năng. Nhiều dự án giao thông “ngàn tỉ” đã, đang và sẽ khởi động trên địa bàn TP Cần Thơ hứa hẹn “mạch máu” nền kinh tế của vùng sẽ được thông suốt.

Chính thức thông xe gần đây, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài hơn 51km, tổng mức đầu tư hơn 6.355 tỉ đồng đã góp phần chia sẻ áp lực giao thông cho quốc lộ 80 đang quá tải. So với tuyến quốc lộ 80, tuyến này đã rút ngắn thời gian di chuyển từ 1 giờ 30 phút còn khoảng 50 phút. Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, việc hoàn thành và thông xe cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi giúp kết nối ÐBSCL về phía Tây qua cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh... đến TP Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế khác. Bên cạnh đó, tuyến đường còn góp phần hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, tạo nên động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Người dân Cần Thơ ngày càng hài lòng và lựa chọn sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Bên cạnh cơ sở hạ tầng hiện hữu, tới đây Cần Thơ còn có nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, sẽ tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối Cần Thơ với các tỉnh trong vùng và TP Hồ Chí Minh. Tiếp nối thông xe cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23km, vốn đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng đã được khởi công. Khi hoàn thành đường cao tốc sẽ nối thẳng từ TP Hồ Chí Minh đến Cần Thơ. Còn tuyến cao tốc Cần Thơ - Bạc Liêu - Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ đồng ý xây dựng trong giai đoạn 2021-2025. Song song với quốc lộ 91, tuyến cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (nối với cảng Trần Ðề) hiện nay cũng đã được lập dự án đầu tư… Trong vài năm tới đây, từ TP Cần Thơ đi TP Hồ Chí Minh chỉ 2 giờ di chuyển và rất thuận tiện đi Long Xuyên, Châu Ðốc, Phú Quốc, Hà Tiên, Rạch Giá hay Cà Mau khi các tuyến cao tốc hoàn thành.

***

Với “bức tranh” giao thông như trên, Cần Thơ hoàn toàn có thể kỳ vọng bước phát triển đột phá với một hệ thống giao thông hiện đại, thông suốt. Ðây là tiền đề quan trọng đưa Cần Thơ trở thành điểm đến hấp dẫn trong thu hút đầu tư, phấn đấu làm tròn vai trung tâm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng…

Bài, ảnh: TUYẾT TRINH

Chia sẻ bài viết