23/12/2018 - 07:21

Miếu đòng đòng 

Truyện ngắn: LƯƠNG MINH HINH

Ấp Rạch Hội. Lễ hội Kỳ yên.

Lễ trọng. Nhạc lễ rộn ràng kiệu vàng nô nức rước Thiên, Địa, Linh Thần, Linh Nhân, Linh Vật, Thành Hoàng Bổn Cảnh thiêng liêng. Cầu quốc thái dân an.

Hội vui. Tưng bừng các cuộc thi nữ công gia chánh, đua ghe, kéo co, đấu vật, leo cầu kiều, bắt vịt, tung còn, thả diều. 

Ngày chơi đã, đêm còn hớp hồn sân khấu cửa đình dân nhạc dân ca dân vũ và tuồng tích quá “nửa đêm giờ tý canh ba”.

Ấp Rạch Hội có ngôi đình cổ kính mái ngói rêu phong; nhà nhà ba tầng, năm tầng, mái bằng, tháp nhọn. Ấp Rạch Hội 300 năm tuổi phới phới kinh tế thị trường, Kỳ yên ấp hội cũng nhộn nhịp thu hút khách du lịch Đông Tây.

Thủ đình ấp Rạch Hội là ông Dước đã bước vào tuổi “cổ lai hi”. Ông là người  bản xứ có gốc tích lạ. “Cái sự tích đời ông” là ông hiện diện ở cái tuổi “ba tháng biết lẫy” trên bến đình. Một sớm tinh mơ dân ấp thấy cậu bé bị bỏ giữa bến đình. Cậu không khóc không cười, chỉ xoay mình hết nằm ngửa ra lại lẫy sấp lên. Bà con Rạch Hội thắc mắc: Cậu bé biết lẫy này là kết quả của cuộc vui chơi nào ta? Có người trả lời: Bị bỏ rơi còn hỏi cha mẹ chi? Dước cháu, bế cháu nào! Theo lời đó xóm ấp gọi cậu bé tên Dước và cưu mang.

Mấy mươi năm ông Dước chỉ ở với ấp làng, không đi Tàu đi Tây với con cháu. Tuổi cao ông làm thủ đình nên ông rành bao nhiêu là sự việc cổ kim.

Ông Dước có đông cháu chắt, có đứa kiếm tiền bạc, có đứa kiếm khoa học khắp châu Âu, châu Mỹ. Không rước được ông Dước xuất cảnh, con cháu về thăm viếng báo hiếu ông và đóng góp tiền bạc xây dựng quê hương, đặc biệt vụ chúng tiếp ông công chuyện thủ đình. Các cháu ông tính công nghệ 4.0 làm ghe Sơn Tinh, Thủy Tinh từ cuộc “lên đời” đua ghe tam bản của hội đình. Chúng làm mô hình ghe nhỏ chạy ở ao nhà cho ông coi trước. Chúng bàn: Ông ơi, nhà mình bỏ tiền làm mấy cái ghe và mướn xáng thổi xáng cạp cho ao đình sâu rộng, vậy là có cuộc đua ghe hoành tráng. Ông Dước lắc đầu:

- Vậy đâu phải là cuộc đua ghe nước nổi. Đàn ông ngồi ghe tam bản hai tay nâng lên trên đầu những công cụ, khí cụ khẩn hoang. Nào phảng, nào liềm và những lao, đao, cung tên. Chân ra chèo lái chạy ghe từ bến đình ra Miếu Đòng Đòng; chân lấy một lọn đòng đòng đủ loại bồn bồn, năn... rồi đưa ghe về lại bến đình nhanh nhất. Lễ hội làng phải nhớ Miếu Đòng Đòng.

Lời ông chẳng khác chi ra trống lệnh. Lập tức các cháu mở điện thoại thông minh; những ngón tay vờn vờn mặt máy nổi hình, nổi cảnh miếu cùng những lời thuyết minh ý tưởng mới của các cháu: Miếu Đòng Đòng sẽ thành Khu du lịch Đòng Đòng. Cái vũng sình ngay chân miếu sẽ được lấp, lên nền bê tông thiệt cao đặt ngôi Tháp Đòng Đòng nhiều tầng. Khu du lịch Đòng Đòng sẽ có sản phẩm đặc biệt hớp hồn du khách bốn biển sáu châu. Đó là một ruộng cỏ nội đồng bồn bồn, năn và một ruộng lúa trổ đòng quanh năm. Khu du lịch này hoàn hảo về chất lượng là những món đặc sản nước nổi: bồn bồn, bông súng, ngò om và tôm tép. Độc đáo nào bằng dưới bóng Tháp Đòng Đòng có tất cả các loại lúa của đất này từ xưa tới nay. Một dòng đời sẽ gắn liền với lúa mới...

Nghe những lời này ngực ông Dước thót một cái. Sẽ lấp đám cỏ chân miếu? Tầm bậy! Ông Dước bỏ các cháu lại nhà, một mình chạy ghe tới Miếu Đòng Đòng.             

Vài ngày một lần ông Dước tới Miếu Đòng Đòng quét dọn sạch sẽ. Kỳ yên ông cùng ban nhạc, ban lễ tân đưa kiệu vàng ra miếu dinh linh về lễ đình. Bây giờ ông thủ đình, và tới lễ miếu để giữ tâm người ấp Rạch Hội tôn kính các tiên linh của đồng ruộng này. Ông Dước đốt loại nhang đại. Ông dâng bình rượu ngâm một bó nhỏ những đòng đòng bồn bồn, năn... Ông rải những nắm đất phù sa lên từng gốc từng gốc năn, bồn bồn và lúa trời mọc trong tường rào bao miếu.

Ông Dước nhớ trước thương sau bời bời.

Ông nhớ lời ông bà truyền về đoàn di cư gặp con rạch nước trong xanh kêu nhau định cư nên ấp Rạch Hội. Các tiền nhân lập ấp ngày ấy thấy trên bờ rạch đã có nền nhà, gốc cây đốn, mảnh nồi đất nung, mảnh chén... Xa bờ rạch - ngoài đồng xa, chỗ này đây, có cái chòi dựng bằng gỗ quao - bá mộc, săn chắc bền đẹp cả lúc tươi và khi khô. Ngôi chòi nhỏ bốn chân quao đứng giữa hoang vu từ xửa xưa. Người ở bờ rạch lên miếu ngoài đồng xá tiên linh và xin tiên linh phù hộ cho những người tới sau chọn giang đồng này định cư, khởi cuộc khẩn hoang với đòng đòng cỏ và cá tép. Vậy là trước khi bắt tay khẩn hoang lần nữa, các gia đình ấp Rạch Hội lấy cọc cắm hàng rào quanh miếu. Thế là trong tường rào bồn bồn cỏ năn xanh ngờm ngợp, cây nào thân nấy nở nang nõn đòng đòng.

Từ đó người ta gọi Miếu Đòng Đòng. Theo tiên linh người định cư lập ấp ngày ngày dâng hương Miếu Đòng Đòng xin được hanh thông tay phảng, tay leng. Mỗi ngày cá sấu mỗi lùi, lùi mất hút. Hằng đêm cọp nước không ngủ cứ ngồi xa quắc mắt rọi sáng tới bếp lửa hồng trên ghe trên mảng. Rồi đồng xanh lúa, bông lúa vàng đồng. Ấp Rạch Hội nhà nhà cao ráo. Đình làng đỏ mái ngói, Miếu Đòng Đòng được xây đắp vững vàng...      

Ông Dước xá các linh thương, khấn rằng: Bọn trẻ xa quê về làng, chúng không biết hết được câu chuyện đòng đòng cỏ nước nổi cùng cá tép nuôi những người nghèo khổ không tấc đất cắm dùi, tới đây lập ấp mở đồng giữa bao la nước nổi.

Ông Dước xá Tiền Hiền, kể chuyện cuộc đời ông vẫn coi bồn bồn, năn là nguồn ẩm thực hàng đầu. Ba lần vợ ông bầu bì đều vào mùa có đòng đòng cỏ nước nổi. Ông thương vợ nên lội ra đồng rút bồn bồn, năn... xếp bè đẩy về sau nhà để vợ chống đói.

Ông Dước khấn nguyện sẽ dạy dỗ cháu con hiểu tấm lòng các tiền bối với cây lúa, với đòng đòng lúa. Các tiền bối di cư tới đồng nước nổi chỉ ăn đòng đòng năn, bồn bồn. Các tiền bối mở cõi không ăn đòng đòng lúa trời, để dành bông rụng hạt, để mùa sau và vụ sau lúa lại lên cây đơm bông… Từ lúa trời mới có giống mà xạ cấy ra lúa nhà, ra vựa lúa vàng châu thổ nước nổi, ra nồi cơm dẻo đã bao đời…

Ông Dước đốt nhang, châm rượu.

Cháu chắt đeo theo ông Dước tới Miếu Đòng Đòng. Các cháu thấy ông khấn thỉnh liền thành kính. Bóng ông huyền ảo, khói trầm quyến mờ tỏ, nâng bình rượu lễ trong suốt ngâm đòng đòng năn, bồn bồn dâng Tiền Hiền Hậu Hiền. Lần này chúng lặng thinh thành kính./

Chia sẻ bài viết