Hoạt động thu hút đầu tư vào ĐBSCL đang khởi sắc khi thu hút nhiều dự án với nguồn vốn lớn trên các lĩnh vực; đặc biệt là nông thủy sản, du lịch và thương mại dịch vụ.
Gần đây, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản về nông nghiệp đến ĐBSCL tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trong chuyến khảo sát mới đây tại Cần Thơ, các chuyên gia tài chính Nhật Bản khẳng định sẽ có dòng vốn lớn đổ vào nền nông nghiệp ĐBSCL, nhất là nông thủy sản, khu nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực hiện. Theo Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản tại Việt Nam, hiện có 25% trong tổng số doanh nghiệp Nhật Bản rút đầu tư khỏi Trung Quốc đang vào Việt Nam. Và ĐBSCL là một trong những tâm điểm hướng đến. Riêng Hàn Quốc đã thành lập Công ty Xúc tiến đầu tư vào ĐBSCL đặt tại TP Cần Thơ.
 |
Công trình Trung tâm Thương mại 30 tầng của Vingroup tại Cần Thơ. |
Tỉnh Đồng Tháp đang xúc tiến việc hợp tác với Tập đoàn Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (KRC) của Hàn Quốc xây dựng vùng sản xuất lúa 20.000ha. Dự án trên là sự kết hợp giữa nguồn ODA và hợp tác công - tư (PPP). Đáng chú ý là tập đoàn này sẽ thu hút được khoảng 400-500 tỉ đồng vốn vay ODA để đầu tư thiết kế lại các vùng sản xuất, san phẳng mặt ruộng của từng vùng theo công nghệ định vị bằng tia laser. Doanh nghiệp Hàn Quốc đứng ra xây dựng liên kết với các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư nông nghiệp; bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, có khoảng 10 doanh nghiệp khác đăng ký liên kết với nông dân, xây dựng vùng trồng lúa nguyên liệu với diện tích tới 86.000ha. Tỉnh Vĩnh Long thu hút dự án xây dựng nhà máy chế biến trái cây quy mô lớn.
Đến nay, đảo Phú Quốc, Kiên Giang có 164 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích 5.632ha, tổng vốn đăng ký gần 170.000 tỉ đồng (tương đương 8 tỉ USD). Trong đó, 23 dự án đã hoạt động, 14 dự án đang xây dựng, số còn lại đang hoàn thiện các thủ tục. Nhiều công trình trọng điểm trên đảo tiếp tục được triển khai. Đặc biệt, sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận huyện đảo Phú Quốc là đô thị loại II, đã tạo ra điều kiện thuận lợi đầu tư phát triển đảo. Hiện đề án thành lập thành phố Phú Quốc, đề án thành lập Đặc khu kinh tế Phú Quốc đã hoàn thành khâu thẩm định, chờ Chính phủ cho ý kiến, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Bộ Chính trị xem xét, quyết định
Đón đầu cơ hộ tốt, nhiều nhà đầu tư đến phú quốc đầu tư làm ăn quy mô lớn.
Từ giữa năm 2014 đến nay, đầu tư vào Cần Thơ rất sôi động, đặc biệt trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Các "đại gia" lớn trong và ngoài nước đã có mặt tại Cần Thơ như: DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đầu tư 750 tỉ đồng xây dựng khách sạn 5 sao Mường Thanh Cần Thơ. Vingruop với công trình trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng tổng vốn 1.500 tỉ đồng. Sau khi biết Cần Thơ là một trong những địa phương có chỉ số tiêu dùng cao đứng hàng đầu cả nước, Tập đoàn Lotte xúc tiến ngay việc xây dựng siêu thị lớn vào Cần Thơ với mức vốn đầu tư hơn 60 triệu USD. Hiện 2 tập đoàn Vingroup và Novaland đang xúc tiến các dựng án xây dựng sân Golf, khu nghỉ dưỡng, du lịch
trên cồn Ấu và cồn Nổi giữa sông Hậu với vốn hàng ngàn tỉ đồng
"Quan trọng chất lượng dòng vốn đầu tư rất cao; giải ngân rất nhanh. Nhà đầu tư làm ăn thật, không có tình trạng đăng ký dự án rồi để đó. Về mặt thủ tục hành chính, có thể nói là được các cơ quan chức năng xúc tiến, giải quyết nhanh gọn, hiệu quả nhất từ trước tới nay"-Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ Lê Mạnh Tùng nói.
Bài, ảnh: Thanh Huy