22/03/2016 - 20:39

Mặt trái của ngành công nghiệp điều trị rối loạn ăn uống tại Mỹ

Khi các chứng bệnh liên quan đến rối loạn ăn uống ngày càng phổ biến, những dịch vụ hỗ trợ điều trị cũng ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nhưng với thực trạng các trung tâm trị liệu mọc lên như nấm hiện nay, nhiều chuyên gia lo ngại một số chương trình chỉ nhằm mục đích trục lợi từ các bệnh nhân.

Chứng bệnh nguy hiểm có nhu cầu chữa trị cao

Rối loạn ăn uống (bao gồm chán ăn, biếng ăn hoặc thèm ăn vô độ) là một trong những chứng bệnh tâm thần khó điều trị. Trong đó, biếng ăn là dạng khó chữa nhất với tỷ lệ tử vong cao do biến chứng y khoa liên quan đến tình trạng đói kéo dài hoặc người bệnh tự tử. Nhiều bệnh nhân thậm chí phải lưu lại bệnh viện để duy trì sự sống. Ngay cả khi đã điều trị ổn định, nhiều người vẫn cần được giám sát liên tục trong một khoảng thời gian, có thể từ 2 tuần đến 1 năm, để chờ tăng cân và tập luyện hành vi ăn uống đề phòng tái phát bệnh. Đó là lý do các cơ sở y tế chuyên điều trị rối loạn ăn uống ra đời.

Biếng ăn là một trong những tình trạng nguy hiểm nhất của rối loạn ăn uống. Ảnh: helpguide

Ban đầu, các trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng phi lợi nhuận chỉ quảng bá hoạt động nhắm tới các đối tượng là bệnh nhân và các bác sĩ điều trị cho họ. Nhưng những năm gần đây, khi xu hướng rối loạn ăn uống ngày một gia tăng, nhiều trung tâm dịch vụ đã ồ ạt ra đời.

Theo Thời báo New York, ngành công nghiệp điều trị rối loạn ăn uống tăng trưởng rất nhanh, hiện ở Mỹ có tới 75 cơ sở so với chỉ 22 cơ sở cách đây 10 năm. Một số trung tâm còn triển khai mạng lưới trên khắp nước Mỹ. Ví dụ như Monte Nido, chương trình điều trị được xây dựng bởi Carolyn Costin (một cựu giáo viên từng phục hồi từ chứng rối loạn ăn uống) ban đầu chỉ có một trung tâm ở Malibu (Los Angeles, bang California). Nhưng từ năm 2012, với sự tài trợ của công ty quản lý quỹ vốn tư nhân Centre Partners, Monte Nido đã mở thêm nhiều trung tâm và chương trình điều trị mới, hiện "phủ sóng" khắp các tiểu bang Oregon, Massachusetts, Pennsylvania và New York.

Nguy cơ trục lợi từ khách hàng

Thông thường, các trung tâm sẽ gửi thiệp mời khách hàng đến dự tiệc nhẹ hoặc tham gia hội thảo, những buổi trải nghiệm dịch vụ miễn phí. Cùng với quảng cáo ấn tượng và dịch vụ đa dạng, chi phí điều trị tại những trung tâm kiểu này rất đắt đỏ, khoảng 1.000 USD/ngày, có nơi thậm chí còn cao hơn mà hiệu quả thì không chắc chắn. Cha của Ashley Bilkie – bệnh nhân biếng ăn 29 tuổi tại bang Michigan – cho biết con gái ông đã tham gia 4 chương trình điều trị nội trú tại một trung tâm với mức phí không bồi hoàn 30.000 USD/tháng và ông đã chi tối thiểu 350.000 USD trong 3 năm nhưng không đạt kết quả. Hiện cô Ashley đã chuyển sang điều trị tại bệnh viện Johns Hopkins.

Ngoài nhắm tới túi tiền của bệnh nhân, các trung tâm còn khai thác các chuyên gia trong lĩnh vực này, đặc biệt là những người có tiềm năng giới thiệu khách hàng. Họ có thể mời bác sĩ, các nhà trị liệu, chuyên gia tâm lý, tâm thần, thậm chí những người từng khỏi bệnh để tham gia các chuyến đi miễn phí, hưởng thụ các dịch vụ hạng sang hoặc tham gia các hội thảo chuyên đề. Bác sĩ tâm thần ở Virginia, Adrian Brown, cho rằng các nhà trị liệu có thể không nhận ra họ đang bị lung lay bởi lợi ích tài chính.

Với nguồn thu và các khoản phải chi nêu trên, nhiều chuyên gia trong ngành lo ngại bên cạnh những trung tâm có uy tín thì một số cơ sở có thể "hy sinh" chất lượng để chạy theo lợi nhuận. Theo Tiến sĩ Angela Guarda, Giám đốc chương trình điều trị rối loạn ăn uống tại bệnh viện Johns Hopkins, "đây là xu hướng khiến người ta dễ sa ngã, khi họ bị đồng tiền che mắt". Vì vậy, trong một bài báo gần đây, Giáo sư tâm thần học Evelyn Attia, Giám đốc chương trình rối loạn ăn uống tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia, cùng 4 đồng nghiệp đã kêu gọi làm rõ mối quan hệ tài chính giữa các trung tâm và những người giới thiệu bệnh nhân.

Nói về tiêu chuẩn điều trị, các chuyên gia cho biết chưa có tiêu chí cụ thể. Theo Tiến sĩ Guarda, phần lớn giới quản lý tin rằng phương pháp của họ là đúng, dù chất lượng thực tế và hình thức trị liệu khác nhau. Theo ghi nhận của Thời báo New York, sức khỏe của hầu hết bệnh nhân đều cải thiện khi đang điều trị nhưng kết quả thường không kéo dài sau khi liệu trình kết thúc. Lý giải cho điều này, Tiến sĩ Mark Friedlander – Giám đốc Trung tâm sức khỏe tâm thần Aetna Behavioral Health – cho rằng thiếu nghiên cứu, không có tiêu chuẩn cụ thể và hệ thống cấp phép lỏng lẻo là nguyên nhân khó điều trị hiệu quả rối loạn ăn uống.

ĐƯỜNG THẤT (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết