25/09/2018 - 07:18

Mãn kinh và liệu pháp cải thiện chất lượng cuộc sống 

Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, là chuyên  gia đầu ngành của cả nước về lĩnh vực sức khỏe sinh sản, nhất là vấn đề mãn kinh. Tại Hội nghị Sản phụ khoa ĐBSCL, Giáo sư đã đề cập đến một số tình huống về giai đoạn mãn kinh, đồng thời đưa ra những khuyến cáo hữu ích với liệu pháp hormone nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của chị em.

Theo Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, việc chẩn đoán mãn kinh thường dễ đối với phụ nữ trên 45 tuổi, còn tử cung; tuy nhiên, sẽ khó chẩn đoán hơn nếu chị em còn trẻ tuổi hoặc đã cắt tử cung. Tại hội nghị, Giáo sư đưa ra 3 tình huống nhận biết bệnh nhân có các triệu chứng của giai đoạn mãn kinh.


Bổ sung nội tiết tố và thực hiện lối sống lành mạnh giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho chị em tuổi mãn kinh. Trong ảnh: Chị em tập thể dục tại Sân vận động Quân khu 9.

 Tình huống 1:

Một phụ nữ 42 tuổi, đến bác sĩ chuyên khoa sản khám vì xuất huyết tử cung bất thường và cơ thể mệt mỏi. Kỳ kinh lần cuối diễn ra vào nửa tháng trước, kéo dài 12 ngày. Bệnh nhân cho biết, tình trạng ra huyết bất thường diễn ra từ 5 tháng qua. Kinh nguyệt của chị vẫn đều, tuy nhiên, chu kỳ kinh ngắn hơn trước, khoảng 24 ngày, ra máu ít nhưng kéo dài khoảng 10 ngày. Ngoài kỳ kinh, chị còn ra huyết nhiều hơn. Chị còn thường xuyên mệt mỏi, bốc nóng mặt cổ, vã mồ hôi, mất ngủ, đau hai đầu gối, gót chân và các khớp ngón tay, quan hệ với chồng khó khăn. Bệnh nhân cho biết đã làm phết tế bào cổ tử cung và tầm soát HPV ba tháng trước, kết quả bình thường.

Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ, đây là trường hợp về bệnh nhân còn trẻ, khoảng 40-50 tuổi, còn kinh nguyệt đều, có thể có triệu chứng tiền mãn kinh và rối loạn kinh nguyệt dạng rong kinh rong huyết. Bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bệnh nhân tìm ra nguyên nhân để điều trị, cũng như chỉ định sử dụng thuốc tránh thai nội tiết liều thấp để điều hòa chu kỳ kinh và bổ sung nội tiết tố; đồng thời, bệnh nhân cần thực hiện chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý.

Tình huống 2:

Một phụ nữ 48 tuổi, đến tái khám sau khi mổ cắt tử cung và hai buồng trứng một tháng trước vì bệnh tuyến cơ tử cung và u lạc nội mạc tử cung hai buồng trứng, gây cường kinh và đau vùng hạ vị nhiều, nhất là khi hành kinh. Trước mổ, chị vẫn có kinh đều, chu kỳ 28 ngày, nhưng mỗi lần hành kinh thì đau dữ dội, không làm việc và đi lại bình thường được. Lượng máu trong 5 ngày khoảng 100ml.

Qua trò chuyện với bác sĩ, chị cho biết thêm sau mổ chị ăn được, không còn đau vùng hạ vị nhưng luôn cảm thấy bứt rứt, rất khó chịu, phừng bốc nóng mặt cổ, vã mồ hồi, dễ nóng giận, gây gổ, la rầy con và mất ngủ. Việc quan hệ với chồng bị hạn chế nhiều. Trong tháng vừa qua, chị bị nhiễm trùng tiểu, tiểu gắt, buốt, rất nhiều lần trong ngày và đêm. Chị đã đến phòng khám của một bác sĩ chuyên khoa tiết niệu và được điều trị khỏi bệnh.

Qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy, đây là trường hợp bệnh nhân mãn kinh do phẫu thuật cắt hai buồng trứng mà chưa được bổ sung nội tiết tố. Do thiếu nội tiết tố đột ngột sau mổ nên chị có triệu chứng của mãn kinh khá nặng. Nhiễm trùng tiểu cũng là hậu quả của thiếu hụt estrogen, niêm mạc đường tiết niệu cũng mỏng nên dễ nhiễm trùng. Tình trạng thiếu hụt nội tiết tố do mổ cắt bỏ 2 buồng trứng ở phụ nữ trẻ, chưa mãn kinh, có thể đưa đến nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn.

Tình huống 3:

Một phụ nữ 50 tuổi, đến khám vì kinh ít và quan hệ khó khăn. Chị vẫn còn hành kinh, chu kỳ kinh khoảng 32 – 34 ngày, ra khoảng 2 ngày, lượng máu ít. Chị không băn khoăn nhiều vì chị hiểu mình đang bước vào tuổi mãn kinh. Chồng chị nhỏ hơn chị 2 tuổi, nên chị sợ việc quan hệ khó khăn sẽ làm giảm hạnh phúc gia đình. Qua thăm khám và xét nghiệm, siêu âm, bác sĩ ghi nhận tình trạng bệnh nhân bình thường, ngoại trừ âm đạo khô, niêm mạc âm đạo mỏng; cổ tử cung và tử cung đều teo nhỏ.

Bác sĩ tư vấn tình trạng trên do thiếu hụt nội tiết tố cho bệnh nhân hiểu rõ. Đó là sự thay đổi cấu trúc tế bào, khi phụ nữ còn trẻ, khỏe mạnh, âm đạo dày, khỏe, bề mặt âm đạo đầy đủ estrogen; còn khi lớn tuổi, âm đạo khô teo, thành âm đạo mỏng, khô bề mặt âm đạo do mãn kinh. Trong trường hợp này, nên cần thiết phải sử dụng nội tiết tố. Do vậy, khi gặp phải tình trạng trên, bệnh nhân cần chủ động đến gặp bác sĩ và điều trị sớm để duy trì lợi ích.

***

Qua 3 tình huống trên, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết, mãn kinh là tình trạng thiếu hụt estrogen. Sau 35 tuổi, số lượng nang noãn buồng trứng giảm, nội tiết  bắt đầu thay đổi, dẫn đến hậu quả gồm các triệu chứng cơ năng: rối loạn phóng noãn đưa đến rối loạn kinh nguyệt rồi vô kinh; rối loạn vận mạch: phừng bốc nóng mặt cổ, vã mồ hôi, mất ngủ; đau nhức xương khớp, đau cơ bắp khắp cơ thể, đau nửa đầu, thay đổi tính khí, rối loạn tiết niệu sinh dục... Thời gian từ lúc bắt đầu rối loạn đến khi mãn kinh khoảng 12 tháng, có thể kéo dài đến 4 – 5 năm.

Theo Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, phụ nữ tuổi mãn kinh được hướng dẫn sử dụng hormone để giảm các triệu chứng mãn kinh, giữ được chất lượng cuộc sống. Liệu pháp hormone có hiệu quả trong giảm xơ vữa mạch máu, giảm bệnh suất, tử vong do tim mạch, làm chậm tiến trình giảm mật độ xương; làm chậm sa sút trí tuệ (bệnh Alzheimer) ở phụ nữ mới mãn kinh dưới 10 năm. Thời gian sử dụng: tùy thuộc mục đích sử dụng. Cần chọn loại estrogen và progesterone phù hợp, ít tác dụng phụ.  Bên cạnh đó, thực hiện lối sống hoạt động tích cực, dinh dưỡng khoa học, tập luyện hằng ngày, giữ cơ thể không béo phì, tinh thần thanh thản, là cách tốt nhất để giữ gìn sức khỏe của phụ nữ tuổi mãn kinh.

THU SƯƠNG (lược ghi)

Chia sẻ bài viết