23/06/2013 - 19:40

Kỷ niệm 49 năm ngày thành lập Tiểu đoàn Tây Đô (24/6/1964-24/6/2013)

Mãi phát huy truyền thống Tiểu đoàn Tây Đô anh hùng

Ông Trần Phi Hổ (bìa trái) kể lại chiến công của Tiểu đoàn Tây Đô tại kinh Tân Hiệp năm 1966.

Được sự thống nhất của Tỉnh ủy Cần Thơ và Bộ Tư lệnh Quân khu, ngày 24-6-1964 Tiểu đoàn Tây Đô được thành lập tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ ( nay là tỉnh Hậu Giang). Tiểu đoàn Tây Đô ra đời trên cơ sở các Đại đội độc lập 31, 23 và 28 cùng với Đại đội đặc công, Đại đội trợ chiến và các bộ phận: Thông tin, Trinh sát với quân số 1.330 cán bộ, chiến sĩ. Với tinh thần “ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt”, 11 năm kháng chiến chống Mỹ-ngụy, Tiểu đoàn Tây Đô tác chiến gần 200 trận, lập nhiều chiến công vang dội. Trong đó, có nhiều trận đánh được xem là điển hình về chiến lược, chiến thuật và là niềm tự hào của nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn Tây đô anh hùng.

* Trận đánh hào hùng trên kênh Tân Hiệp

Đưa chúng tôi thăm Nhà tưởng niệm Tiểu đoàn Tây Đô (thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) giọng ông Trần Phi Hổ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Thạnh An, vẫn còn xúc động khi kể về trận đánh mà đơn vị ông tham gia cùng Tiểu đoàn Tây Đô vào ngày 20 và 21-5-1966. Giữa tháng 5 năm 1966, ông Hổ cùng 14 đồng chí thuộc địa phương huyện Thốt Nốt được lệnh phối hợp cùng lực lượng Tiểu đoàn Tây Đô hành quân vũ trang tuyên truyền tại các kênh E, F và D. Nhiệm vụ của địa phương huyện Thốt Nốt dẫn đường cho Tiểu đoàn Tây Đô trong đợt vũ trang tuyên truyền và sẵn sàng đánh địch. Ông Hổ kể: “Hồi đó, địch dùng nhiều cách xuyên tạc về cán bộ, chiến sĩ cách mạng nên ta phải ra sức vận động, tuyên truyền để đồng bào có đạo hiểu chúng ta là lực lượng chiến đấu chính nghĩa. Tôi sinh ra và lớn lên ở đây nên được phân công cùng trung đội địa phương quân làm nhiệm vụ dẫn đường…”

Ngày 20-5, tại kênh Đ, sở chỉ huy và Đại đội 23 tiêu diệt 1 trung đội thám báo, 1 đội bảo an và tiêu hao 1 đại đội khác của địch. Ông Hổ cho biết: “Sau trận đánh, ngày 21-5, lực lượng của ta rút về Tân Hội, Rạch Giá nhưng do di chuyển xa và có nhiều thương binh nên đến kênh Tân Hiệp thì các đơn vị dừng lại chăm sóc thương binh, nấu ăn…. Do lực lượng của ta đã bị địch phát hiện nên mọi người nhanh chóng xây dựng công sự để sẵn sàng chiến đấu”. Theo lời ông Hổ, để chứng minh lời địch nói về bộ đội ta là không đúng sự thật, trong quá trình làm công sự, cán bộ, chiến sĩ không chặt cây cối của bà con dù nhiều người dân đã chạy đi khi giặc bao vây. Dưới những công sự yếu ớt, gần 300 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã kiên cường chống chọi với gần 1.500 tên địch, có máy bay và xe M113 yểm trợ... Ông Hổ nói: “Trên trời máy bay địch thì ném bom, dưới đất thì xe bọc thép cứ bắn tới tấp. Anh em nào đói thì ăn cơm nguội, bánh tét, để lấy sức chiến đấu gần 4 tiếng đồng hồ …”.

Kể về trận đánh này, Đại tá Lê Trọng Nghĩa (Tám Nghĩa), ngụ tại ấp Láng Hầm A, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, cũng không khỏi rưng rưng xúc động. Những năm tháng chiến đấu dưới lá cờ Tiểu đoàn Tây Đô, ông Nghĩa đánh không biết bao nhiêu trận nhưng trận đánh tại kênh Tân Hiệp để lại trong ông nhiều kỷ niệm sâu sắc. Đại tá Nghĩa kể: “Chuyến vũ trang tuyên truyền này có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ thực hiện công tác dân vận mà còn là hoạt động chào mừng sinh nhật Bác. Trước đó một năm, Tiểu đoàn Tây Đô cũng có đợt hành quân vũ trang tuyên truyền như thế nhân dịp sinh nhật Bác. Có lẽ địch đoán được ta sẽ trở lại nên chuẩn bị lực lượng đối phó với ta…”. Mấy ngày trời dầm mưa, lại thêm công sự thiếu kiên cố nhưng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vẫn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, đánh và thắng địch bằng được. Từng đợt máy bay dội bom xuống trận địa, từng đợt địch tràn lên đều bị bộ đội các đơn vị đẩy lùi… Đại tá Nghĩa kể: “Tôi nhớ mãi hình ảnh anh Bùi Văn Quắn dũng cảm xông lên bắn cháy chiếc M113 của địch. Bị chúng bắn nát cánh tay anh vẫn kiên cường chiến đấu đến chiều tối...”.

Khoảng 18 giờ chiều thì trận chiến kết thúc. Ta đánh bật địch ra khỏi trận địa, tiêu diệt 672 tên địch, diệt 5 xe M113, bắn rơi 7 máy bay … Về phía ta, sau 2 ngày chiến đấu ta có 53 đồng chí hy sinh. Đại tá Lê Trọng Nghĩa nói: “Đây có thể xem là trận đánh lớn và tổn thất nhiều nhất của Tiểu đoàn Tây Đô trong những năm chống Mỹ-ngụy. Mặc dù vậy, việc một lực lượng gần 300 người đối đầu với kẻ địch gấp 5 lần được trang bị tận răng thật sự có ý nghĩa hết sức quan trọng về mặt chiến thuật. Đó còn là biểu hiện tinh thần chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô: càng khó khăn, hiểm nghèo càng đánh thắng giặc giòn giã”.

Trên tấm bia khắc tên các liệt sĩ hy sinh vào 2 ngày 20 và 21-5-1966 ở Nhà lưu niệm Tiểu đoàn Tây Đô vẫn còn một vài số thứ tự chưa có tên. Một số khác chỉ có tên chứ không có họ. Ông Hổ cho biết: “Sau giải phóng, tôi nghe có một số anh được quy tập về Nghĩa trang kênh 9 bên huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, vẫn không thể tìm hết hài cốt các anh vì có người hy sinh không tìm được xác”.

Bây giờ, ông Trần Phi Hổ trở thành người kể chuyện tại Nhà lưu niệm Tiểu đoàn Tây Đô. Ông bảo: “Gần một năm qua, tiếp nhiều đoàn nhưng vui nhất vẫn là ngày sinh nhật Bác vừa rồi. Nhìn các cháu đoàn viên thanh niên bằng tuổi tôi ngày nào chăm chú lắng nghe câu chuyện, tôi thấy lòng mình dâng lên một niềm vui khác lạ. Bởi tôi nghĩ câu chuyện về trận đánh hào hùng của Tiểu đoàn trên kênh Tân Hiệp sẽ được kể nhiều trên đất Vĩnh Thạnh mai sau…”.

* Tiếp nối truyền thống hào hùng

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, qua 11 năm chiến đấu, Tiểu đoàn Tây Đô cùng với nhân dân Cần Thơ đã làm thất bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Các đơn vị trực thuộc tiểu đoàn đã tác chiến gần 200 trận, tiêu diệt và làm bị thương và bắt giữ trên 20.000 tên Mỹ - ngụy, bắn cháy 10 xe bọc thép, 15 tàu chiến, bắn rơi 17 máy bay…. Năm 1979 đáp lời kêu gọi của Nhà nước và nhân dân Campuchia, Tiểu đoàn Tây Đô cùng với lực lượng vũ trang Quân khu thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả. 10 năm giúp bạn Campuchia, Tiểu đoàn Tây Đô đã góp phần giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước....

Từ tháng 10-1989 đến nay, Tiểu đoàn Tây Đô làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng chính quy, đẩy mạnh tăng gia sản xuất xây dựng đơn vị. Tháng 8-2009, theo quyết định của Bộ Quốc phòng, Tiểu đoàn Tây Đô được sáp nhập vào Trung đoàn Bộ binh 932, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ. Tháng 10- 2012, theo yêu cầu điều chỉnh tổ chức biên chế quân đội theo hướng tinh, gọn, cơ động và linh hoạt của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc Phòng, Tiểu đoàn Tây Đô được sắp xếp chỉ còn lại khung thường trực. Đại úy Huỳnh Thống Nhất, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Đô, cho biết: Phát huy truyền thống của đơn vị, tiểu đoàn tiếp tục đạt nhiều kết quả trong công tác huấn luyện chiến sĩ mới. Trong thời gian huấn luyện, các nội dung, chương trình huấn luyện cũng như hình thức, phương pháp giáo dục đều tập trung vào sự phát triển của quân nhân. Qua đó các chiến sĩ đều chấp hành tốt điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của Quân đội, pháp luật của Nhà nước….

Theo Đại úy Huỳnh Thống Nhất, dù đơn vị còn một số khó khăn như: thao trường huấn luyện còn chật hẹp, chiến sĩ mới chưa quen với cường độ huấn luyện cao, cán bộ tại các đại đội, trung đội có biến động do yêu cầu nhiệm vụ… Tuy nhiên, công tác huấn luyện chiến sĩ mới hàng năm đều đạt trên 85% khá, giỏi. Cụ thể, trong huấn luyện chiến sĩ đợt 1 năm 2013, qua kiểm tra 11 nội dung thì có 7 nội dung đạt giỏi, 4 nội dung đạt khá, đơn vị đạt giỏi. Năm qua, Tiểu đoàn Tây Đô cùng với các lực lượng thuộc Trung đoàn Bộ binh 932 tham gia nhiều hoạt động xây dựng nông thôn mới tại địa phương như: xây dựng 2 cây cầu, 3 cái đập, sửa chữa và nâng cấp 3 km đường giao thông… Đồng thời, đơn vị cùng với lực lượng vũ trang trên địa bàn đóng quân thực nhiều đợt hỗ trợ nhân dân gặp thiên tai, như: hỗ trợ các hộ dân bị sạt lở nhà cửa ở xã Mỹ Khánh (2013), khắc phục lốc xoáy ở xã Nhơn Nghĩa (2012)…

Theo Trung tá Trần Việt Khải, Chính ủy Trung đoàn bộ binh 932, dù biên chế đơn vị có sự thay đổi, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại trung đoàn đều tự hào mình là “lính Tây Đô”. Điều đó phần nào khẳng định niềm tự hào, danh tiếng của tiểu đoàn trong lực lượng vũ trang thành phố. Đại úy Huỳnh Thống Nhất, khẳng định: “ Cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn sẽ mãi mãi khắc ghi, luôn tự hào về truyền thống đơn vị. Chúng tôi sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc cũng như quyết tâm gìn giữ và tiếp tục tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của đơn vị 2 lần được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” (năm 1975 và 1985)…”.

Bài, ảnh: Phạm Trung

 

Chia sẻ bài viết