15/04/2008 - 23:57

Mãi nhớ ngày mùng mười tháng ba...

Ghi nhanh: NHÓM PV KHOA GIÁO

“Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba...” là câu ca quen thuộc mà hầu như bất cứ người Việt nào cũng thuộc nằm lòng. Hai năm gần đây, ngày mùng mười tháng ba càng thêm ý nghĩa khi trở thành Quốc lễ của nước ta. TP Cần Thơ – với vai trò trung tâm vùng ĐBSCL – đã liên tục tổ chức lễ hội tưởng nhớ công đức các Vua Hùng trang nghiêm, đậm đà bản sắc dân tộc, đem đến cho đông đảo nhân dân một sinh hoạt văn hóa tâm linh nhiều ý nghĩa.

Từ phần lễ chính ấn tượng và thiêng liêng

Dù trời bất ngờ đổ mưa trước giờ vào lễ nhưng khuôn viên phía trước Bảo tàng TP Cần Thơ – điểm chính Lễ hội Giỗ Quốc tổ của Cần Thơ – vào đêm mùng 10 tháng 3 (15-4-2008) có đến hàng trăm người dân tụ hội. Ở hàng trên, các vị lãnh đạo thành phố nghiêm trang trong bộ áo dài khăn đóng truyền thống, các vị chức sắc đại diện các tôn giáo cũng đã tề tựu. Tất cả sẵn sàng cho phần nghi lễ tưởng nhớ công đức các Vua Hùng được bắt đầu đúng 20 giờ.

Rộn rã và tưng bừng, hoạt cảnh “Vang vọng ngàn năm” mở đầu phần sân khấu hóa tái hiện công đức các Vua Hùng với cảnh các quan Lang, Mỵ Nương, Lạc Hầu, Lạc Tướng dâng các sản vật lên Vua Hùng giữa tiếng trống đồng. Người xem có thể cảm nhận được ý nghĩa của từng nhịp trống: nhịp khoan thai dịu nhẹ để tạ ơn trời đất, nhịp rộn rã báo tin được mùa và dũng mãnh báo tin thắng trận ở biên cương. Ngay sau đó, câu chuyện truyền kỳ về Mai An Tiêm và quả dưa đỏ được tái hiện sinh động bằng các hình thức cải lương, múa, hoạt cảnh... nhằm ca ngợi tinh thần cần cù lao động của người dân Việt và khát vọng vươn ra biển lớn. Đoạn vợ chồng Mai An Tiêm giữa biển cả, đoạn những quả dưa dần lớn lên qua sự thể hiện của các em thiếu nhi... đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng người xem. Phần “Đền Hùng trên đất Tây Đô” được dàn dựng hoành tráng nhất với cảnh nhân dân nhộn nhịp dâng lễ vật lên các Vua Hùng và các em thiếu nhi múa hát nêu lên sự khát vọng sẽ có Đền Hùng tại TP trung tâm đồng bằng.

Tiết mục “Đền Hùng trên đất Tây Đô” trong chương trình sân khấu hóa tại Bảo tàng TP Cần Thơ. Ảnh: TƯỜNG VI 

Ngay sau phần sân khấu hóa tinh gọn và ấn tượng, nghi lễ Giỗ Quốc tổ đã diễn ra trang nghiêm với các nghi thức dâng đèn, dâng lễ vật gồm hương, đăng, hoa, trà, bánh dày – bánh chưng, xôi ngũ sắc, mâm ngũ quả... do Ban tế tự các đình thần Bình Thủy, Thới Bình – Tân An, Thường Thạnh và Mỹ Khánh đảm nhận. Đoàn lãnh đạo TP Cần Thơ do đồng chí Nguyễn Tấn Quyên – Bí thư Thành ủy, đồng chí Trần Thanh Mẫn – Chủ tịch UBND thành phố dẫn đầu đã dâng hương lên các Vua Hùng, khấn nguyện cho quốc thái dân an và phát lộc gồm các loại bánh, hoa quả cho tất cả người dân tham gia lễ hội.

Trong không khí phấn khởi và thiêng liêng đó, anh Trần Thanh Nghiệp, ngụ tại phường An Hội, quận Ninh Kiều, cho biết: “Mấy hôm nay tôi đều đưa hai con đi xem diễn tập chương trình lễ hội. Dù đã xem nhiều lần nhưng các con tôi vẫn không chán, riêng bản thân tôi lần nào cũng cảm thấy hồi hộp và xúc động. Chương trình diễn ra nhanh, gọn, nhưng đặc sắc và giàu tính giáo dục truyền thống. Nhờ vậy mà không chỉ các con của tôi, mà chính tôi cũng cảm thấy thêm hiểu biết và yêu mến lịch sử nước nhà”. Có thể nói, đó cũng là ấn tượng chung của rất nhiều người tham dự lễ chính tại Bảo tàng Cần Thơ qua những tràng pháo tay tán thưởng, những ánh mắt chăm chú và nét mặt thành kính của đông đảo người dự lễ.

Đến không khí rộn rã tại các đình thần

Năm nay, Đình Thuận Hưng (Thốt Nốt), Thới An (Ô Môn) và Bình Thủy (Bình Thủy) tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trong ngày và đêm mùng 9 tháng 3 âm lịch (nhằm 14-4-2008), đã tạo không khí lễ hội rộn rã khắp thành phố trước khi vào ngày lễ chính.

Đình Thuận Hưng đã rộn rịp từ sáng sớm. Các bô lão trong Ban tế tự đình thần chuẩn bị áo dài khăn đóng chỉnh tề, nhắc nhở các học trò lễ kiểm tra hương, đăng, hoa, trà. Nhiều thiếu nữ, xúng xính trong bộ áo dài lễ, đến thật sớm để tập lại bài múa dâng bông. Phía sau, các chị em cùng nhau bắt mâm xôi ngũ sắc, bày mâm ngũ quả. Không khí khẩn trương, nhưng trang nghiêm, nề nếp. Tất bật từ sáng sớm với những việc công quả tại Đình thần, chị Nguyễn Thị Thanh, nhà ở ấp Tân Thạnh, cho biết: “Từ hôm qua lễ Giỗ Vua Hùng đã rất náo nhiệt với chương trình văn nghệ do huyện tổ chức. Sáng nay tôi dẫn theo con gái lên đây để cháu hiểu thêm về những tập tục truyền thống của tổ tiên”. Chú Nguyễn Văn Lang, 78 tuổi, nhà ở ấp Tân Thạnh, xã Thuận Hưng, trang nghiêm trong bộ áo dài khăn đóng, cho biết: “Tôi nghĩ việc tổ chức Lễ giỗ Quốc tổ cần được nhân rộng hơn nữa, để giáo dục được con cháu nhớ ơn người đi trước”. Còn chị Lê Thị Cúc, nhà ở ấp Tân Phú, đang bán rau ngoài chợ Thuận Hưng cũng tranh thủ chạy vào đình để dự phần lễ trang trọng. Chị nói: “Tôi nghe nói đình thần cúng giỗ Vua Hùng nên vào đây dự lễ, dù không góp được nhiều công sức nhưng cũng bày tỏ tấm lòng thành của mình với tổ tiên”.

Ngoài phần lễ, Thuận Hưng còn tổ chức phần hội với đông đảo học sinh và bà con tham gia. Các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn đã được tổ chức từ tối hôm trước. Sang ngày lễ chính là các trò chơi dân gian: đập nồi, nhảy bao bố, kéo co, đẩy cây. Đoàn thanh niên xã cũng tổ chức giao lưu bóng đá, bóng chuyền. Ông Trần Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng, cho biết: “Đây là lần đầu tiên xã tổ chức Lễ giỗ Quốc tổ nên còn bỡ ngỡ. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của các bậc cao niên, ban tế tự nên lễ hội đã diễn ra khá thành công và được nhân dân khen ngợi. Những năm sau, Thuận Hưng mong vẫn sẽ được chọn là một trong những điểm chính của Lễ giỗ Quốc tổ”.

Còn tại Đình Thới An, theo lịch thì đến 14 giờ ngày mùng chín tháng ba mới bắt đầu Lễ Giỗ tổ Hùng Vương; nhưng từ sáng sớm, hàng trăm người dân từ các phường trong quận Ô Môn đã tập trung tại sân đình chờ đợi. Bàn thờ Tổ Hùng Vương được bày biện trang trọng với những chồng bánh chưng xanh, bánh dày, hoa, hương. Các cụ già tóc bạc phơ chỉnh lại áo dài, khăn đóng. Ngoài sân đình, đông đảo thanh thiếu niên hào hứng lật từng trang sách sử về các Vua Hùng, lịch sử Việt Nam... tại triển lãm sách do quận Ô Môn tổ chức. Anh Nguyễn Văn Hùng, người dân ở khu vực Thới Trinh A, hồ hởi: “Chúng tôi đến sớm để chung tay chuẩn bị cho Lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Đây là dịp để mọi người dân Ô Môn hướng về cội nguồn”. Ngay khi buổi lễ bắt đầu, các cụ già, thanh niên, thiếu niên xếp thành hai hàng thẳng tắp, nghiêm trang bên Bàn thờ Tổ Hùng Vương trong đình. Lãnh đạo quận Ô Môn đã ôn lại công đức dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng, đồng thời nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước; Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Sau phần lễ chính, phần hội diễn ra sinh động với các màn trình diễn múa lân, đờn ca tài tử, trò chơi dân gian... đến 21 giờ cùng ngày.

Năm nay là lần thứ hai Đình Bình Thủy tổ chức Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương, với phần lễ chính diễn ra lúc 19 giờ ngày mùng chín tháng ba. Từ 15 giờ chiều, không quản ngại nắng nóng, từng đoàn người gồm các cụ già, thanh niên và trẻ em mang theo các lễ vật gồm xôi, bánh tét, bánh ít, trái cây... đổ về Đình Bình Thủy. Lúc này, trong sân đang diễn ra các trò chơi dân gian như gà ép, kéo co, nhảy bao bố... Tiếng hô ủng hộ tinh thần người chơi của đông đảo bà con địa phương tạo không khí lễ hội sôi động. Chị Nhâm Thị Quốc Văn, ngụ phường Bình Thủy, cho biết: “Đây lần thứ hai tôi được tham gia Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương. Năm nay, người dân tụ về đây đông hơn và các trò chơi dân gian nhiều hơn”. Chú Lưu Văn Cải, tuổi ngoài 50, ngụ ở phường Trà An, nhưng cũng tích cực tham gia hết trò chơi này đến trò chơi khác. Chú nói: “Những trò chơi dân gian đòi hỏi người chơi phải đoàn kết, tạo thành sức mạnh chung. Bởi vậy tham gia trò chơi không chỉ để vui, mà còn để tăng thêm tình nghĩa làng xóm với nhau”. Ở một góc sân đình, các em thiếu nhi ngồi quây quần bên ba chiếc bàn tròn, chăm chú đọc những quyển lịch sử bằng tranh. Em Phạm Yến Nhi, học sinh lớp 9A2, Trường Trung học cơ sở Bình Thủy bày tỏ cảm tưởng: “Lễ hội năm nay vui hơn năm ngoái là vì có chỗ dành cho em đọc sách, đọc truyện. Em hy vọng những lễ giỗ năm sau có nhiều sân chơi hơn”.

Thi kéo co tại sân đình Bình Thủy. Ảnh: THÚY DIỄM 

Khi trời tắt nắng, dòng người đổ về sân đình ngày càng đông. Những chiếc đèn lồng bắt đầu thắp sáng cả sân đình. Đúng 19 giờ, phần lễ trang trọng diễn ra với các phần: dâng đèn, dâng hoa, dâng lễ vật, đọc khấn văn, dâng hương... Sau đó, các tiết mục văn nghệ, mà đặc sắc nhất là hoạt cảnh “Truyền thuyết Âu Cơ” diễn ra sôi nổi đến tận 21 giờ. Anh Trần Văn Kích, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Bình Thủy, nhận xét: “Nét mới của lễ giỗ năm nay là phần hội được tổ chức qui mô và qui tụ đông đảo bà con tham gia hơn năm trước. Lễ vật dâng cúng đều là đặc sản của địa phương và do người dân làm ra, thể hiện lòng thành kính tri ân công đức các vua Hùng. Trong những năm sắp tới, Bình Thủy sẽ tổ chức Lễ giỗ Quốc tổ phong phú hơn nữa, để góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống hiện đại”.

Chia sẻ bài viết