02/01/2009 - 21:22

Lương y Nguyễn Thiện Chung gìn giữ từng cây thuốc

Bảo vệ và nhân rộng cây thuốc là trách nhiệm cao cả của những người làm nghề y dược dân tộc. Trách nhiệm đó đã được ông Nguyễn Thiện Chung (sinh năm 1967), Chủ tịch Hội Đông y huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang đề cao.

Là một đông y sĩ, ngoài giờ làm việc tại Hội, ông Chung còn xem mạch hốt thuốc miễn phí cho mọi người tại nhà mình. Thuốc ông hốt trị được bệnh cho nhiều người ở địa phương. Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân nhiều nơi tìm đến. Ngày nay, việc khám và chữa trị bằng thuốc nam “nở rộ” khắp nơi nên cần nguồn thuốc rất nhiều. Ông Chung băn khoăn, có nhiều nhóm người lặn lội vô rừng thẳm núi cao chặt đốn dược liệu cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh từ thiện. Họ khai thác không kế hoạch, một số loại dược liệu thay vì chặt lấy cành nhánh thì họ đào tận gốc rễ. Vì vậy mà nguồn dược liệu trời cho đang dần bị mai một.

Ông Nguyễn Thiện Chung và cây thuốc quý mới tìm được đem về trồng.  

Cha ông Chung là ông Nguyễn Văn Ẩn (Tư Ẩn) tham gia kháng chiến từ năm 1945. Trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông Ẩn là thầy thuốc nam, rất “mát tay” khi trị bệnh cho nhân dân. Nhà ông là nơi nuôi chứa cán bộ hoạt động cách mạng rất an toàn. Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, ông trở thành lương y từ thiện khá nổi tiếng. Trước sự thiếu hụt một số dược liệu, ông Tư Ẩn hết sức lo lắng. Vậy là năm 1980, ông hợp tác cùng Kiểm lâm An Phú (Tịnh Biên) thực hiện chương trình 127, chống cháy rừng, khoanh nuôi cây rừng, trồng rừng... Nhưng ông đặc biệt quan tâm bảo vệ cây thuốc và trồng thêm cây thuốc...

Tinh thần bảo vệ cây thuốc và trồng thêm cây thuốc của lương y Tư Ẩn bây giờ truyền sang con trai ông là lương y Nguyễn Thiện Chung. Từ năm 2000, ông Chung bắt tay thực hiện “bộ sưu tập” cây thuốc nam của mình. Hễ có dịp là ông lên đường tìm cây thuốc quý. Mọc quấn lên những thân cây cổ thụ, lẫn trong những cây cỏ bình thường trong vườn nhà ông không biết bao nhiêu loài dược thảo. Đưa chúng tôi ra vườn, ông mỉm cười nói: “Đạp lên cây thuốc rồi”. Đó là lời khuyến cáo vui, bởi cây thuốc trong vườn nhà ông có tới hàng trăm loại. Ông vạch cây lá, giới thiệu, nào là: vang tô mộc - loại cây đặc hữu của vùng Tịnh Biên - trị đau nhức, ung thư; cò ke sen tán thành bột trị viêm xoang, đặc biệt gốc và rễ có nhiều dược tính; nghệ trắng trị tiêu thực, viêm loét; bạch thau đá (mọc trên đá) trị bạch đới; đậu xương trị nhức xương; cát lồi trị nhức lưng, viêm đa khớp; thiên niên kiện đỏ (thơm hơn và mạnh hơn thiên niên kiện thường, vùng Thất Sơn không có) trị khớp và thần kinh tọa; trứng cá rừng (cây gạch) trị gai cột sống; bạch phục linh nam trị da nám đen; chân chim trị xổ lòng đàn bà sau sanh, u mục trong xương... Không chỉ cây dược liệu được ông trồng xen trong vườn nhà mà còn “tràn” lên cả sườn và đỉnh núi Đất sau lưng nhà ông. Ông bảo diện tích trồng xen cây dược liệu của ông dưới đất là 1,3ha, trên núi trên 2ha.

Với tinh thần bảo tồn cây dược liệu, hễ nghe ai chỉ nơi nào có cây thuốc quý là ông nhanh chóng cất bước lên đường. Có khi ông đi suốt một buổi trên núi Cấm mới tìm được vài bụi ngải máu. Cũng tại ngọn núi huyền bí của vùng Thất Sơn này, ông tìm được cây hậu phát trị tiêu thực, đau bụng gió. Bạch đậu khấu, ngũ linh chỉ có ở núi Cấm. Kim điền thảo bắc ở núi Sam. Bạch thau đá ở núi Tô. Huỳnh kỳ ở núi Kéc. Ông còn lặn lội tới tỉnh Đắc Nông mang về cây ngải móng trâu; tới Bình Dương đem cây mua lá nhỏ (xứ mình không có) về trồng, đây là loại thuốc trị đau bao tử đại tài. Cũng tại Bình Dương, ông đem về cây ngải sậy đang sắp tuyệt chủng, cây này trợ thận rất mạnh. Nghe vùng biển Tiền Giang có cây chùm đọt trị bạch đới, ông nhanh chân tới mang về. Nghe cây thương lục trị bướu có ở Hà Giang (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang), ông khấp khởi tới đó săn tìm. Ông còn ra tới tận đảo Phú Quốc (Kiên Giang), bất chấp nguy hiểm, hái cho được bí kỳ nam (trị ung thư). Nơi có bí kỳ nam cũng là hang ổ của một loại rắn nhỏ cực độc. Cứ như vậy mà bộ sưu tập thuốc quý của ông ngày một nhiều và càng phong phú hơn.

Với kinh nghiệm trồng cây thuốc, ông Chung được Xí nghiệp dược Hậu Giang đề nghị thực hiện việc bảo tồn cây thuốc. Đặc biệt, Xí nghiệp dược Domesco (Đồng Tháp) nhờ hướng dẫn kỹ thuật nhân rộng cây dược liệu. Doanh nghiệp dược này sẽ đầu tư trồng cây thuốc trên diện tích 1ha tại Tức Dụp (Tri Tôn), vừa bảo vệ cây thuốc vừa tạo công ăn việc làm cho dân địa phương. Quan trọng hơn hết là ông quảng bá để bà con lân cận cùng chung tay trồng cây thuốc. Tuy nhiên, bà con ái ngại ở đầu ra. Cho nên ông đang nghĩ tới biện pháp tối ưu, vừa bảo vệ, nhân rộng cây thuốc trong nhân dân vừa bảo đảm “túi tiền” cho bà con bằng cách có hợp đồng cụ thể với một xí nghiệp dược. “Có ăn” bà con mới phấn khởi. Giá dược liệu thô đâu có rẻ. Nam xuyên khung, trị u xơ, ung bướu, tiểu máu, thấp nhất 30.000 đồng/kg; cò trâu trên 30.000 đồng/cặp; bạch thau đá 80.000 đồng/kg; ngải móng trâu 200.000 đồng/kg; củ nén trị cảm mạo, phong hàn 300.000 đồng/kg... Đặc biệt, có những loài giá trị kinh tế rất cao, có thể xuất sang Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, như nấm tre rừng có lúc lên tới trên 1 triệu đồng/kg; nhất là cây vừng lạc có giá “ngất trời”, 3 triệu đồng/kg...

Ông Chung kết luận: “Sưu tầm trồng và nhân rộng các loài cây dược liệu đâu chỉ đơn thuần bảo vệ chúng không để tuyệt chủng mà còn là việc làm giàu cho bản thân mình”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU

Chia sẻ bài viết