25/10/2017 - 20:41

Luật Tiếp công dân: Còn nhiều bất cập 

Qua 3 năm Luật Tiếp công dân (TCD) đi vào cuộc sống, công tác TCD giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Cần Thơ được đổi mới, hiệu quả ngày càng cao, góp phần hạn chế phát sinh khiếu nại, khiếu kiện mới, khiếu nại đông người. Tuy nhiên đến nay, Luật TCD vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần được tháo gỡ.

    Cán bộ tiếp công dân quận Ô Môn trao đổi nội dung tiếp dân. Ảnh: CTV

Thời gian qua, công tác tiếp dân thường xuyên và định kỳ luôn được lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ngành và địa phương quan tâm thực hiện đúng quy định. Ban TCD được thành phố và các đơn vị, địa phương bố trí tại nơi thuận tiện, tạo điều kiện cho công dân đến trình bày thắc mắc, khiếu nại, phản ánh. Bộ phận TCD có từ 1-3 cán bộ. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ đảm bảo đủ trình độ, năng lực, có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tế để làm công tác này. Ngoài ra, đối với những vụ việc khiếu nại đông người, những vụ việc phức tạp, lãnh đạo đều tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trước khi xem xét, kết luận.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TCD hiện nay còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Cụ thể: Trong Luật TCD đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, nhưng vẫn còn tình trạng người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thực hiện quyền chưa đi đôi với nghĩa vụ. Nhiều trường hợp biết khiếu nại không có cơ sở nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại. Tố cáo sai chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng các cơ quan vẫn phải giải quyết, gây tốn kém chi phí, công sức và thời gian. Mặt khác, tại một số địa phương, vẫn còn một bộ phận công chức chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; chất lượng tham mưu, đề xuất các vụ việc chuyển đơn còn lòng vòng; công tác phối hợp, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chưa được thường xuyên, kết nối thông tin chưa đầy đủ, chưa đảm bảo nguyên tắc kịp thời trong công tác TCD, xử lý đơn... Ông Nguyễn Đắc Cảnh, Phó Chánh Thanh tra TP Cần Thơ, cho biết: Một số nơi chưa xây dựng và niêm yết công khai nội dung, quy chế TCD, lịch TCD của thủ trưởng đơn vị; vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo không đúng nơi quy định. Bên cạnh đó, việc TCD ở cấp xã vẫn còn nhiều bất cập về địa điểm, nội quy và lịch TCD. Trong khi đó, Luật TCD chưa quy định cụ thể về xử lý các trường hợp người vi phạm nội quy TCD hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để cố tình gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền.

Theo ông Lê Hoàng Phong, Phó Trưởng Ban TCD thành phố, từng lúc, từng nơi, việc chọn, bố trí cán bộ TCD chưa thật sự đảm bảo theo yêu cầu về năng lực, trình độ và kỹ năng. Trong việc giải quyết đơn, thư, còn nhầm lẫn giữa khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh dẫn đến hiện tượng giải quyết vụ việc kéo dài, vi phạm quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Công chức TCD ở cấp xã, cấp quận, huyện còn kiêm nhiệm công tác khác, chưa tham mưu kịp thời công tác TCD, xử lý đơn, thư theo quy định. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác TCD, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, các đơn vị, địa phương cần bố trí cán bộ làm công tác TCD và tham mưu xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, kiến nghị: Hiện nay, một số hộ dân khiếu nại, phản ánh theo kiểu được thì tốt, không thì thôi. Do đó, các cấp có thẩm quyền cần ban hành các quy định hướng dẫn biện pháp chế tài cụ thể áp dụng đối với những người khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật, đã được các cơ quan có thẩm quyền trả lời, giải thích nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại. Đồng thời, cần có giải pháp xử lý nghiêm những người lợi dụng quyền dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo của công dân để kích động, lôi kéo, xúi giục tổ chức khiếu nại đông người, vượt cấp. Ông Nguyễn Đắc Cảnh cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ ban hành Quy chế mẫu về việc phối hợp giữa Ban TCD với các cơ quan Đảng tham gia TCD thường xuyên tại trụ sở TCD các cấp. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cần sớm triển khai thực hiện “phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo”, để quản lý hồ sơ đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, chỉ đạo giải quyết các trường hợp khiếu nại, tố cáo nhất là các vụ việc phức tạp kéo dài; đồng thời thực hiện chế độ thông tin báo cáo nhanh chóng, giúp tổng hợp hiệu quả, chính xác. 

Sau 3 năm triển khai thi hành Luật TCD (2014-2017), toàn thành phố đã tiếp nhận 1.744 đơn thuộc thẩm quyền (1.631 đơn khiếu nại, 113 đơn tố cáo). Kết quả giải quyết đơn khiếu nại là 1.621/1631 đơn, đạt tỷ lệ 99,3%; đơn tố cáo 107/113 đơn, đạt tỷ lệ 94,69%. Đối với đơn không thuộc thẩm quyền, các cơ quan chức năng đã hướng dẫn, chuyển cơ quan có thẩm quyền 1.979 đơn, xếp lưu 5.029 đơn.

P.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết