22/10/2009 - 07:41

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII

Luật thuế tài nguyên phải tạo công cụ quản lý vĩ mô

* Luật người cao tuổi thể hiện chính sách quan tâm của Nhà nước, phù hợp đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Sáng 21-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật thuế tài nguyên. Dự thảo Luật thuế tài nguyên trình Quốc hội gồm 4 chương, 12 điều, quy định về đối tượng chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế; kê khai, nộp thuế; miễn, giảm thuế tài nguyên. Theo kế hoạch, dự án Luật này sẽ được xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đánh giá: 3 vấn đề đối tượng tính thuế, căn cứ để tính thuế và miễn giảm thuế là những vấn đề quan trọng nhất cần phải quy định cụ thể trong dự án Luật. Đại biểu nhấn mạnh dự thảo Luật thuế tài nguyên được thảo luận, thông qua tại một kỳ họp nên phải xem xét các vấn đề cụ thể, thấu đáo. Theo đại biểu, phạm vi điều chỉnh của dự án gồm đối tượng chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế; kê khai, nộp thuế; miễn, giảm thuế tài nguyên là quá sơ sài, chưa đầy đủ, chưa bao quát hết các vấn đề. Quy định về đối tượng chịu thuế bao gồm 8 nhóm, trong mỗi nhóm được chi tiết ra một số loại tài nguyên. Đại biểu cho rằng, cách quy định trên chưa bao quát hết các loại tài nguyên, chưa chi tiết và rõ ràng, có thể dẫn đến khó khăn trong tiếp cận và thực thi pháp luật. Trên thực tế, đối tượng chịu thuế tài nguyên rất rộng, đã được quy định cụ thể tại các văn bản dưới luật và được áp dụng ổn định trong thời gian khá dài (trên 10 năm). Đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát văn bản hướng dẫn hiện hành để luật hóa các quy định cần thiết, nhằm bảo đảm tính cụ thể, minh bạch, ổn định của luật.

Về việc giải thích từ ngữ trong dự án Luật, đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) đánh giá việc dự Luật chỉ giải thích “Điểm giao nhận” và “Yến sào” là không thỏa đáng. Đại biểu đã chỉ ra một số thuật ngữ rất cần phải được giải thích trong dự Luật như thế nào là tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên khai thác... Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phải chọn những từ liên quan trực tiếp tới luật để giải thích.

Đại biểu Đặng Khôi Nguyên (Hà Nội) bày tỏ quan điểm tán thành với Ủy ban Tài chính- ngân sách cho rằng việc ban hành Luật thuế tài nguyên phải tạo công cụ quản lý vĩ mô quan trọng để một mặt khai thác tốt nguồn lực tài nguyên phục vụ quá trình phát triển kinh tế, mặt khác, bảo đảm quản lý, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên của đất nước, nhất là nguồn tài nguyên không tái tạo; góp phần sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Về thuế suất, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cùng nhiều đại biểu khác tán thành quan điểm của Ủy ban Tài chính- ngân sách, cho rằng việc giao Chính phủ quyết định mức thuế suất như hiện hành là chưa hợp lý. Đại biểu Quyền nhấn mạnh căn cứ vào Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định các vấn đề thuộc chính sách thuế, trong đó quyết định mức thuế suất cụ thể áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân. Trong trường hợp thật đặc biệt, để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng thời kỳ, Quốc hội giao UBTVQH xem xét, quyết định thuế suất cụ thể. Chính vì nội dung này đã được quy định trong Hiến pháp nên việc giao Quốc hội quyết định mức thế suất là điều không cần phải bàn cãi - đại biểu nhấn mạnh.

Ngoài lý do trên, việc quyết định thuế suất liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, đến tính ổn định của sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư và đời sống người dân; do đó, phải do cơ quan lập pháp quyết định. Việc giao UBTVQH quyết định thuế suất không ảnh hưởng đến tính linh hoạt trong quản lý, điều hành kinh tế vì UBTVQH mỗi tháng họp 1 lần. Một số ý kiến khác cũng cho rằng, khác với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên mang tính ổn định cao, không chịu tác động lớn của thị trường. Vì vậy cần tạo khuôn khổ pháp lý ổn định cho sắc thuế này.

Nhiều ý kiến tán thành, tại thời điểm hiện nay, khi việc tổng kết, đánh giá quá trình áp dụng thuế suất thuế tài nguyên đối với mỗi loại tài nguyên còn chưa đầy đủ, trước mắt Quốc hội quyết định khung thuế suất với biên độ hẹp hơn, đối tượng chịu thuế chi tiết hơn và giao UBTVQH quyết định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên.

* Chiều 21-10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội tập trung cho ý kiến về Dự án Luật người cao tuổi.

Dự án Luật người cao tuổi trình xin ý kiến Quốc hội gồm 6 chương, 31 điều (giảm 1 chương, tăng 1 điều so với dự luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5). Dự luật quy định về quyền và nghĩa vụ; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; Hội người cao tuổi Việt Nam.

Đã có 21 đại biểu đăng ký và trực tiếp nêu ý kiến tại Hội trường. Các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật người cao tuổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tập trung cho ý kiến vào các điều khoản trong luật quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng, độ tuổi xác định là người cao tuổi và độ tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội; các quy định liên quan đến tổ chức Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Đa số các đại biểu tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chỉ quy định về người cao tuổi là công dân Việt Nam mà không quy định đối với người người cao tuổi là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, để phù hợp với thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật về người cao tuổi ở nước ta cũng như khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước và đảm bảo tính khả thi của Luật.

Mặc dù vẫn còn một số ý kiến cho rằng độ tuổi xác định người cao tuổi nên phân biệt giữa nam và nữ ở mức 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ để phù hợp với độ tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động, nhưng đại đa số các đại biểu đều nhất trí quy định độ tuổi xác định người cao tuổi là 60 tuổi, không phân biệt nam, nữ.

Các đại biểu cũng nhất trí về sự cần thiết giảm độ tuổi của người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội từ 85 tuổi theo quy định hiện hành xuống còn 80 tuổi như quy định trong dự thảo Luật nhằm phù hợp với nguyện vọng của đại đa số cử tri và thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sự quan tâm của Nhà nước đối với người cao tuổi.

Các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các điều khoản quy định về vấn đề phân cấp, nguồn kinh phí hoạt động cho Hội Người cao tuổi Việt Nam. Đại đa số ý kiến của đại biểu phát biểu tại hội trường cho rằng Hội người cao tuổi Việt Nam cần được tổ chức ở 4 cấp và được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí hoạt động.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu tổng kết ý kiến của các đại biểu tham gia phát biểu tại hội trường, nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ có báo cáo giải trình tiếp thu trình Quốc hội trước khi Dự án luật được thông qua.

QUỲNH HOA-XUÂN KHU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết