31/12/2018 - 17:49

Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch 

Luật Sửa đổi, bổ sung 37 Luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 20-11-2018, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Luật này sửa đổi, bổ sung các quy định về quy hoạch của Luật Đất đai 2013; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường bộ; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa…

Sửa đổi vấn đề liên quan đến quy hoạch mạng lưới đường bộ

Theo đó, quy hoạch mạng lưới đường bộ là quy hoạch ngành quốc gia, bao gồm hệ thống đường quốc lộ và đường cao tốc, làm cơ sở để định hướng phát triển mạng lưới giao thông, xác định nguồn lực thực hiện trong quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Việc lập quy hoạch mạng lưới đường bộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo đảm kết nối vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác. Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch mạng lưới đường bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch. UBND cấp tỉnh tổ chức lập phương án phát triển mạng lưới đường bộ trong quy hoạch tỉnh căn cứ vào quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch vùng. Bên cạnh đó, Luật đã sửa đổi về quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông, thời kỳ quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ là 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm. Quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được rà soát theo định kỳ 5 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội trong từng giai đoạn.

Công bố điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị mới Hưng Phú. Ảnh: P.NGUYỄN
Công bố điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị mới Hưng Phú. Ảnh: P.NGUYỄN

Việc công khai quy hoạch phải được thực hiện suốt thời kỳ quy hoạch

Luật đã sửa đổi toàn bộ chương IV về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Luật Đất đai 2013. Thời kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm. Bổ sung quy định về tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất quốc gia là từ 30 - 50 năm và cấp huyện là từ 20 - 30 năm. Thời kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc gia, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và kế hoạch sử dụng đất an ninh là 5 năm; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm. Thêm vào đó, Luật này phân cấp cụ thể việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh được thực hiện theo quy định về quy hoạch; Việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện khi có căn cứ sau đây: Có sự điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia; Do tác động của thiên tai, chiến tranh làm thay đổi mục đích, cơ cấu, vị trí, diện tích sử dụng đất; Có sự điều chỉnh địa giới hành chính của địa phương.

Quy định về việc công bố công khai quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Thẩm quyền phê duyệt phải được công bố công khai theo quy định sau: UBND cấp huyện có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện tại trụ sở cơ quan, trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện; công bố công khai nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện có liên quan đến xã, phường, thị trấn tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; Việc công bố công khai được thực hiện chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Việc công khai được thực hiện trong suốt thời kỳ quy hoạch sử dụng đất.

Xây dựng cảng, bến thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng có liên quan

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa về phát triển giao thông đường thủy nội địa. Theo đó, việc phát triển giao thông đường thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo hướng hiện đại, đồng bộ về luồng, tuyến, cảng, bến, công nghệ quản lý, xếp dỡ hàng hóa; bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển vận tải đường thủy nội địa phải kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác. Việc lập, phê duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo đảm phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Ngoài ra, việc xây dựng cảng, bến thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng cảng, bến thủy nội địa phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa...

P.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết