16/04/2013 - 22:10

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ:

Luật HN&GĐ sửa đổi cần bảo đảm thực hiện quyền con người, bình đẳng giới, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi và người yếu thế

(CT)  - Ngày 16-4-2013, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2000. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và chủ trì hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Cần Thơ có bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cùng lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

Qua 12 năm có hiệu lực thi hành, Luật HN&GĐ năm 2000 có tác động tích cực đến việc đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở các quy định cụ thể về chế độ HN&GĐ; trách nhiệm của công dân, Nhà nước và xã hội trong xây dựng, củng cố chế độ HN&GĐ; kết hôn; quan hệ giữa vợ và chồng; ly hôn; xác định cha, mẹ, con; quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên trong gia đình; cấp dưỡng; giám hộ, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài… Luật HN&GĐ năm 2000 cũng đã góp phần xây dựng, hoàn thiện và bảo vệ chế độ HN&GĐ tiến bộ, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các thành viên trong gia đình; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nhằm xây dựng gia đình, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Theo báo cáo của 56/61 tỉnh, thành, đến ngày 31-12-2002 các địa phương có 925.753 trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng (từ sau ngày 3-1-1987 đến trước ngày 1-1-2001), trong đó có 623.489 trường hợp đăng ký kết hôn, chiếm 68%. Tỷ lệ  đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, nhận cha mẹ, con tăng cao, đặc biệt ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế còn khó khăn. Theo thống kê của TAND Tối cao, từ ngày 30-9-2000 đến ngày 30-9-2011, TAND các cấp đã thụ lý 3.143.746 vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính, HN&GĐ; trong đó, số vụ việc HN&GĐ là 875.282 vụ, chiếm 30% tổng số vụ việc dân sự đã thụ lý. Việc giải quyết các vụ việc HN&GĐ ở cấp sơ thẩm ngành Tòa án đạt tỷ lệ cao, từ 88 - 94%. Ngành kiểm sát khởi tố 274 vụ án, 337 bị can xâm phạm chế độ HN&GĐ, đã truy tố 238 vụ với 288 bị can; đưa 230 vụ, 276 bị can ra xét xử sơ thẩm...

Tại hội nghị, các đại biểu đã đi sâu trao đổi, thảo luận nêu bật những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật HN&GĐ và nguyên nhân của những bất cập, hạn chế; từ đó kiến nghị một số vấn đề nhằm bổ sung, hoàn thiện, thực thi có hiệu quả Luật HN&GĐ năm 2000, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc;  tích cực góp phần trong việc phát triển nguồn nhân lực; ổn định, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương nói riêng và đất nước nói chung, cũng như tiến trình Việt Nam hội nhập với đời sống quốc tế…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực trong việc thực hiện Luật HN&GĐ năm 2000 của các cấp, ngành, địa phương trong 12 năm qua. Đồng thời chỉ rõ những mặt hạn chế cần khắc phục: Một số quy định của Luật chưa tạo ra cơ chế pháp lý hiệu quả trong điều chỉnh các quan hệ HN&GĐ; một số quy định của Luật có tính khả thi thấp, làm cho việc công nhận, thực hiện các quyền về HN&GĐ còn gặp nhiều khó khăn; một số quan hệ về HN&GĐ phát sinh trong thực tiễn chưa được Luật quy định, hoặc Luật không quy định cụ thể; một số quy định của Luật chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn giao lưu dân sự, hội nhập quốc tế. Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm trong việc sửa đổi Luật HN&GĐ phải thể việc tôn trọng, bảo đảm thực hiện quyền con người, bình đẳng giới, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi và người yếu thế khác. Bên cạnh đó, Luật cũng cần tinh thần tiến bộ, văn minh, xu thế hội nhập và hài hòa với thông lệ quốc tế…

CHẤN HƯNG

 

Chia sẻ bài viết