21/02/2022 - 23:19

Lúa đông xuân vào mùa thu hoạch, chờ giá 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Nông dân TP Cần Thơ cũng như trong khu vực ÐBSCL đang vào mùa thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022. Ðây là vụ lúa được đánh giá trúng mùa, tuy nhiên người dân thu được lợi nhuận không cao hơn so với những vụ lúa trước. Nguyên nhân do chi phí sản xuất, giá phân bón, vật tư nông nghiệp đều tăng cao. Bà con mong muốn giá lúa được nhích lên để có điều kiện đầu tư sản xuất vụ mùa tiếp theo và tiếp tục gắn bó với cây lúa…

Vào mùa thu hoạch

Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) vừa thu hoạch xong 1ha lúa đông xuân. Năm nay, gia đình ông Thanh sử dụng giống lúa Ðài Thơm 8 để gieo sạ, do đây là giống lúa được gia đình ông chọn sản xuất nhiều năm nay nên ông nắm bắt những đặc tính của giống, cũng như áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Vụ mùa sản xuất lúa đông xuân gặp thời tiết thuận lợi nên năng suất lúa của gia đình ông Thanh cũng như bà con trong xã đạt khá cao. Ông Nguyễn Văn Thanh cho biết: "Gia đình tôi chọn giống lúa thường xuyên canh tác để thuận lợi trong việc chăm sóc, bón phân, diệt trừ sâu bệnh. Giống lúa Ðài Thơm 8 được tôi sử dụng sản xuất nhiều năm nay, tuy nhiên đây là vụ cho năng suất cao nhất, 1ha của tôi thu hoạch cũng được trên 7,3 tấn, trúng mùa nên gia đình phấn khởi, tiếp tục đầu tư sản xuất vụ lúa tiếp theo".

Thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022 ở quận Ô Môn.

Vụ lúa đông xuân 2021-2022, nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống được 76.039ha, đạt 100% so với kế hoạch và thấp hơn 1.077ha so với cùng kỳ. Trong đó tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu gieo sạ chiếm trên 90% diện tích. Ðến nay, toàn thành phố đã thu hoạch được 3.884ha (tính đến hết ngày 16-2), sớm hơn 3.811ha so với cùng kỳ năm 2021, năng suất ước bình quân đạt 7,1 tấn/ha. Các giống lúa được nông dân sử dụng gieo sạ chủ yếu là Ðài Thơm 8, IR50404, Jasmine 85, OM5451, OM380, RVT… Trong đó, giống Ðài Thơm 8 sản xuất chiếm tỷ lệ 62,9%, tập trung tại các huyện Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai, quận Thốt Nốt; Jasmine 85 chiếm tỷ lệ 13,3%, tập trung chủ yếu tại huyện Cờ Ðỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh và quận Thốt Nốt; OM 5451 chiếm tỷ lệ 4,1% tập trung tại huyện Thới Lai và Cờ Ðỏ; OM 380 chiếm tỷ lệ 6,2% tập trung tại quận Ô Môn và huyện Thới Lai; giống IR 50404 chiếm tỷ lệ 4,1% được gieo trồng nhiều tại huyện Thới Lai và quận Bình Thủy; OM 18 chiếm tỷ lệ 3,6% tập trung tại huyện Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh và Thới Lai… Ngoài ra, còn các giống khác (OM 4218, RVT, nếp…) chiếm khoảng 5,8% cũng được sản xuất tại các địa phương trên.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, nhấn mạnh: "Lúa vào giai đoạn chắc xanh đến chín, các địa phương cũng đang bắt đầu bước vào thu hoạch rộ. Sở NN&PTNT thành phố yêu cầu ngành Nông nghiệp các quận, huyện nhắc nhở bà con cần chủ động liên hệ các dịch vụ gặt đập liên hợp, vận chuyển, thu mua… nhằm tránh trường hợp để lúa tươi trên đồng do thiếu dịch vụ thu hoạch, gây giảm năng suất và chất lượng lúa. Tiếp tục theo dõi tình hình thu hoạch trong dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thu hoạch; hỗ trợ thương lái, doanh nghiệp vận chuyển, thu mua lúa tươi tại ruộng cho nông dân…".

Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đề nghị ngành Nông nghiệp các quận, huyện thực hiện một số giải pháp đối với tình hình thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022. Trong đó quan tâm, phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi tình hình thu hoạch lúa trong dân, tập trung rà soát các loại máy thu hoạch và hệ thống lò sấy hiện có, tăng cường liên kết dịch vụ máy gặt đập liên hợp trong và ngoài huyện nhằm giúp nông dân thu hoạch đúng thời điểm, hạn chế tình trạng lúa chín lâu trên đồng làm giảm năng suất, phẩm chất và đặc biệt là hạn chế thất thoát sau thu hoạch; nắm bắt giá cả thị trường biến động trong tình hình thu mua lúa đông xuân 2021-2022 của các công ty bao tiêu, của các thương lái để kịp thời thông tin đến bà con nông dân nắm bắt và quyết định giá cả khi bán… Sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022, các địa phương tích cực vận động nông dân chuyển đổi trồng cây màu trên nền lúa kém hiệu quả để thích ứng khô hạn, thiếu nước sản xuất. Ðối với những địa phương không xuống giống được vụ màu, nên cày ải, phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trên đồng ruộng và xử lý rơm rạ nhằm hạn chế nguy cơ ngộ độc hữu cơ… Ngành Nông nghiệp các quận, huyện cần tuyên truyền, lưu ý để nông dân sản xuất vụ lúa tiếp theo đảm bảo thời gian giãn cách ít nhất 3 tuần, nhằm diệt mầm bệnh, tránh ngộ độc hữu cơ cho vụ lúa kế tiếp...

Chờ giá…

Tại TP Cần Thơ, lúa đông xuân 2021-2022 đã bắt đầu thu hoạch rộ tại các quận Thốt Nốt, Ô Môn và huyện Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh. Giá lúa cụ thể: Ðài Thơm 8 giá từ 5.600-5.700 đồng/kg; giống OM 380 giá từ 4.800-5.000 đồng/kg; giống IR50404 từ 4.800-5.200 đồng/kg… Nông dân sản xuất lúa cho biết mức giá này không tăng so với vụ lúa đông xuân 2020-2021, thậm chí có một số giống lúa có giá còn giảm hơn so với các vụ trước. Do đó, vụ lúa đông xuân 2021-2022 nông dân thu được lợi nhuận chưa cao, đồng thời mong muốn giá lúa nhích lên để bà con có lợi nhuận cao, thuận lợi đầu tư sản xuất vụ mùa tiếp theo.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 1-2022 của cả nước đạt trên 505.000 tấn, với giá trị đạt trên 246 triệu USD, tăng 3,2% về lượng nhưng giảm 2,8% về kim ngạch so với tháng trước đó (tháng 12-2021). Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2021, kết quả xuất khẩu gạo tháng đầu năm 2022 tăng đến 45,4% về lượng và 28,2% về giá trị. Ðầu năm 2022, Philippines tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, với trên 234.000 tấn và trên 110 triệu USD trong tổng sản lượng và kim ngạch đã xuất khẩu trong tháng 1-2022, tăng 37,8% về lượng và 20,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, trong tháng 1-2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà đạt trên 56.600 tấn, với trị giá trên 23 triệu USD, tăng 424% về lượng và 252,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt trên 37.000 tấn với trị giá gần 19 triệu USD, giảm 36% về lượng và 37% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021… Dự báo với đà xuất khẩu trên, đồng thời khi thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam của Trung Quốc trở lại thì khả năng lúa, gạo Việt Nam, nhất là vụ lúa đông xuân 2021-2022 sẽ tăng giá, nông dân sản xuất có thêm lợi nhuận...

Gần đây, trong đợt kiểm tra về tình hình sản xuất nông nghiệp tại các huyện trên địa bàn TP Cần Thơ, đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HÐND TP Cần Thơ, chỉ đạo: "Các quận, huyện cần chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để đảm bảo việc thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022 của bà con nông dân đạt hiệu quả cao nhất, tránh thất thoát, tiêu cực có thể xảy ra. Trong đó cần quan tâm tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, thương lái tiếp cận thu mua lúa cho nông dân; khuyến khích doanh nghiệp, nông dân có điều kiện dự trữ lúa để chờ giá, nhằm đảm bảo sản xuất có lợi nhuận, tăng thêm thu nhập cho người dân và có điều kiện tái đầu tư cho vụ lúa tiếp theo. Các địa phương cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản, giải ngân các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao thời gian tới…".

Chia sẻ bài viết