30/11/2024 - 13:24

Kinh tế xanh - Ðộng lực mới để ÐBSCL phát triển 

Vùng ÐBSCL đã và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, nước biển dâng; biến động thị trường làm thay đổi xu thế tiêu dùng và tiêu chuẩn chất lượng nông sản. Ðể vượt qua thách thức, hướng đến phát triển nhanh và bền vững, việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu. Ðây cũng là nội dung được đề cập tại Diễn đàn Khởi nghiệp ÐBSCL (Mekong Startup) lần II - năm 2024 với chủ đề “Kinh tế xanh - Ðộng lực mới cho phát triển” vừa diễn ra tại tỉnh Ðồng Tháp.

Các startup quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong khuôn khổ sự kiện. Ảnh: CTV

Xu thế không thể đảo ngược

Các chuyên gia khẳng định, những xu hướng mới về kinh tế xanh, giảm phát thải cộng với khả năng mở rộng thị trường nông sản, sự phát triển khoa học công nghệ, ưu tiên đầu tư mới về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin… là cơ hội lớn để thúc đẩy khởi nghiệp. Các lĩnh vực về nông nghiệp xanh, công nghệ thông tin, dịch vụ logistics, đào tạo, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, du lịch sinh thái đều là những lĩnh vực rất tiềm năng cho khởi nghiệp ÐBSCL trong giai đoạn tới.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh: Những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, thuận thiên đã được triển khai ở nhiều địa phương, như mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau; mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh của Ðồng Tháp, Tiền Giang, Cà Mau...; mô hình trồng lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh thuộc Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao gắn với phát thải thấp ở ÐBSCL đến năm 2030; mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn… Nhờ đó, diện mạo vùng ÐBSCL đã thay đổi, đời sống người dân được cải thiện và góp phần tích cực thực hiện cam kết của Chính phủ về chuyển đổi hệ thống lương thực minh bạch, trách nhiệm, bền vững và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Alpha Amin, ông Nguyễn Trung Tính, đại diện Công ty, cho biết: Công ty triển khai dự án “Chuỗi giá trị tuần hoàn giảm phát thải ngành Thủy sản”. Dự án không những là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng đầu vào cho ngành Thủy sản mà còn mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng. Bằng cách giảm ô nhiễm môi trường nước nuôi thủy sản, dự án tạo điều kiện cho tuần hoàn nguồn nước và gia tăng miễn dịch tự nhiên cho động vật thủy sản, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản Việt Nam. Qua đó đơn vị kỳ vọng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật...

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng lắng nghe đại diện startup vùng ÐBSCL: Công ty TNHH Nông trại 123 nói về dự án “Nâng cao giá trị trái tắc, trái bưởi và trái mãng cầu xiêm”; Công ty CP Công nghệ thực phẩm Sáng tạo kể về hành trình sáng lập thương hiệu Lemit Foods; Công ty Du lịch C2T giới thiệu mô hình du lịch cộng đồng tác động thấp, hướng đến phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu…

Cần chung tay

❝ Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp, nhấn mạnh: Diễn đàn Mekong Startup lần II thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” để hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là “Phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng”. Ðây là tiền đề để kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân, các nhà khoa học... tiếp tục đóng góp một cách có trách nhiệm cho bài toán dựng xây quê hương theo định hướng kinh tế mới. Thông qua diễn đàn, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của vùng đã được phát triển lên một bước, định hướng bền vững trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh. Ðồng thời, tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy ra đời các mô hình mới hiệu quả, thiết thực như ý kiến góp ý từ các chuyên gia, bộ, ngành Trung ương.

Phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, trong đó có khởi nghiệp xanh là xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, để quá trình này diễn ra thuận lợi và đạt được kết quả như kỳ vọng cần có sự phối hợp từ nhiều phía. Ông Huỳnh Lê Ngọc Viễn, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty TNHH Nông Trại 123, cho biết: “Các doanh nghiệp đã nghĩ tới việc tái sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hoặc nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác, như biến vỏ trấu thành viên nén trấu, vỏ sầu riêng thành than sinh học, vỏ cam/thơm thành nước rửa chén hữu cơ và phân bón hữu cơ... Tuy vậy, vẫn là những mô hình nhỏ, lẻ, các doanh nghiệp còn hoạt động đơn độc. Nhiều doanh nghiệp mong muốn khởi nghiệp và cũng tốn kém đầu tư, nhưng thực tế, rất nhiều mô hình đã được thí điểm, thử nghiệm, vận hành ở các nước khác, vùng khác, doanh nghiệp khác... Từ đó cho thấy, việc nâng cao nhận thức và chia sẻ thông tin lẫn nhau để giảm thiểu chi phí, huy động sức mạnh tổng hợp là hết sức cần thiết trong bối cảnh này”.

Ông Nguyễn Trung Tính đề xuất xây dựng các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp xanh. Ðây là nơi thúc đẩy sự kết nối giữa các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và nhà đầu tư để hợp tác phát triển theo định hướng xanh, bền vững. Ðồng thời, cung cấp dịch vụ tư vấn, đào tạo, và hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế xanh. Ngoài ra, Nhà nước cần có các ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp có các sản phẩm hoặc quy trình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Ðiều này không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính mà còn là động lực để các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào phát triển xanh.

Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành hữu quan và địa phương cần có thêm chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi hoặc vốn xanh, tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hoặc các gói hỗ trợ tài chính xanh vì đầu tư xanh và bền vững là đầu tư trung và dài hạn, khác với dòng tín dụng thông thường. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tập trung vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, đặc biệt là trong các giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn về tài chính.

MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết