25/10/2021 - 13:23

Lựa chọn thực phẩm nâng cao sức đề kháng phòng, chống dịch 

Tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đứng về góc độ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xin giới thiệu một số kiến thức và thực hành trong cuộc sống, góp phần giúp mọi người nâng cao sức đề kháng chống dịch hiệu quả.

Sức đề kháng là gì? Sức đề kháng là khả năng phòng vệ của cơ thể, “rào chắn” chống lại sự xâm nhập của các yếu tố ngoại lai gây bệnh như: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, vi nấm… Hệ thống miễn dịch của con người gồm có 3 loại: miễn dịch tự nhiên (hay bẩm sinh do mẹ truyền sang nhau thai và do trẻ được bú sữa mẹ) và miễn dịch thụ được (hay còn gọi là miễn dịch thích nghi, miễn dịch mắc phải: do sau khi mắc bệnh mà hình thành hoặc được truyền kháng thể lấy từ máu người đã mắc loại bệnh đó tạo ra) và miễn dịch chủ động (do được tiêm ngừa). Ngoài ra, hàng rào da, niêm mạc, hạch bạch huyết, dịch tiêu hóa… có tác dụng như miễn dịch tự nhiên. Cơ chế đề kháng thông qua các tế bào miễn dịch và kháng thể. Tế bào miễn dịch bao gồm bạch cầu trung tính, bạch cầu ưa axit, bạch cầu ưa kiềm, tế bào mast, bạch cầu đơn nhân mono, đại thực bào, tế bào đuôi gai, tế bào diệt tự nhiên và tế bào lympho (tế bào B và tế bào T). Khi một sinh vật xâm nhập cơ thể động vật thì cơ thể sẽ nhận biết được sự xâm nhập này và sản xuất ra những chất gọi là kháng thể (antibody). Kháng thể có 2 nhiệm vụ: Tiêu diệt vi sinh vật xâm nhập, tồn tại trong cơ thể (máu) trong một thời gian dài để bảo vệ cơ thể chống lại chính vi sinh vật đó trong những lần xâm nhập về sau. Có 5 loại kháng thể như sau: IgG, IgA, IgM, IgE, IgD.

Cam rất giàu vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch. Ảnh: H.HOA

Hiện nay, virus corona chủng mới gây viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đang hoành hành, khiến người mắc bệnh có các biểu hiện như ho, sốt và khó thở, suy yếu nội tạng... Viện Dinh dưỡng Việt Nam khuyên nên dùng các loại thực phẩm sau đây để làm tăng cường miễn dịch:

Tỏi, hành và hẹ: Tỏi không chỉ là gia vị không thể thiếu trong gian bếp của mỗi gia đình, nó còn là kháng sinh tự nhiên - vũ khí hữu hiệu chống lại rất nhiều bệnh như cảm cúm và viêm đường hô hấp; chữa tăng huyết áp, mỡ máu, giảm đường huyết, phòng chống ung thư... Tỏi có chứa nhiều i-ốt và tinh dầu (giàu glucogen và chất kháng sinh allicin, fitonxit có công dụng diệt khuẩn, sát trùng, chống viêm nhiễm). Tỏi còn chứa hàm lượng lớn vitamin A, B, C, D, PP, hydrat cacbon, polisaccarit, inulin, fitoxterin và các khoáng chất khác cần thiết cho cơ thể như i-ốt, canxi, phốt pho, magiê, các nguyên tố vi lượng. Cách tốt nhất là ăn tỏi tươi. Nên ăn 3-5 tép tỏi tươi hoặc khô mỗi ngày hoặc chế biến thành dấm tỏi, rượu tỏi... Hành và hẹ đã được chứng minh là làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cảm lạnh và cúm bằng cách tăng hoạt động của các tế bào miễn dịch tự nhiên của cơ thể người. Tương tự, hành tây có đặc tính làm tăng số lượng bạch cầu, rất cần thiết trong việc chống lại mầm bệnh.

Các thực phẩm chứa nhiều Vitamin C: Vitamin C là chất dinh dưỡng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể bởi dưỡng chất này giúp làm tăng khả năng sản sinh của bạch cầu trong máu. Tuy nhiên, cơ thể con người lại không thể tự sản sinh hoặc tổng hợp vitamin C mà cần phải được cung cấp thông qua các loại thực phẩm để duy trì sức khỏe. Các loại trái cây họ cam quýt như bưởi, cam, chanh... là những nguồn rất giàu vitamin C. Uống thêm các loại nước ép khác cũng giúp bạn tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch.

Các loại nấm: Các bằng chứng khoa học cho thấy, nấm có đặc tính kháng virus tự nhiên giúp cơ thể chống lại bệnh cúm. Nấm thúc đẩy quá trình sản sinh ra cytokine giúp chống lại virus cúm. Nấm cũng có chứa polysaccharides - loại hợp chất hỗ trợ hệ miễn dịch. Tối ưu hóa hệ miễn dịch của cơ thể bằng cách phối hợp các loại nấm tốt với nhau trong bữa ăn, như nấm hương, nấm khiêu vũ (maitake) và nấm linh chi.

Rau xanh các loại: Rau xanh chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin C, E và chất chống oxy hóa hữu hiệu. Súp lơ, rau bó xôi, rau cải giúp tăng cường hệ thống miễn dịch khi bạn bị cúm hoặc các bệnh viêm nhiễm khác. Bí đỏ chứa nhiều dưỡng chất có ích như vitamin, muối khoáng, sắt và hàm lượng axit hữu cơ. Mặc dù không mang lại lợi ích ngay lập tức, rau xanh hay các loại thực phẩm khác vẫn có đặc tính kháng virus giúp ngăn ngừa, phòng chống bệnh tật.

Sữa chua nguyên chất: Ăn sữa chua không chỉ giúp bạn có thân hình cân đối mà còn giúp cơ thể tăng cường khả năng phòng vệ chống lại các virus. Thực phẩm lên men như sữa chua đã được chứng minh là thúc đẩy hoạt động của các kháng khuẩn trong cơ thể. Nên chọn loại sữa chua không đường, hoặc thay thế bằng các loại thực phẩm lên men tự nhiên khác như kim chi, dưa cải muối...

Không tiêu thụ các sản phẩm động vật sống hoặc chưa chín kỹ: Cần hết sức cẩn trọng bởi những mối nguy hại về việc phát tán dịch bệnh mà thức ăn sống có thể gây ra. Với nhiều người có thói quen ăn trứng lòng đào, cần chế biến trứng cho đến khi cả lòng trắng và lòng đỏ đều đông lại. Tuyệt đối không ăn tiết canh. Cắt giảm thực đơn các món chiên, nướng. Những loại thực phẩm này có thể gây viêm trong cơ thể và làm suy yếu hệ thống miễn dịch.

Cần lưu ý uống nhiều nước, giữ ấm cơ thể, tập thể dục vừa sức đều đặn, lối sống lành mạnh không hút thuốc lá, không uống rượu bia, nghỉ ngơi đầy đủ và nhất là phải thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và phải được tiêm ngừa COVID-19 sớm để tăng cường đề kháng chống lại dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

BS PHẠM VĂN CHÍNH (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết