12/07/2009 - 20:19

Các dự án quy hoạch ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, chậm thực hiện:

Lòng dân chưa yên

Những vườn chanh của người dân ở khu vực Bình Chánh (phường Long Hòa, quận Bình Thủy) chết dần, do gần 5 năm dự án quy hoạch sân golf, trung tâm dịch vụ, thể thao, giải trí, khu nhà ở tái định cư vẫn chưa thực hiện.

Để xây dựng sân golf, trung tâm dịch vụ, thể thao, giải trí, khu nhà ở tái định cư và dự án xây dựng khu dân cư, bệnh viện, trường kỹ thuật dạy nghề... hàng trăm héc ta đất ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, hàng loạt dự án đã được quy hoạch. Thế nhưng gần 5 năm trôi qua, những dự án này vẫn chưa triển khai thực hiện, làm người dân sống trong vùng quy hoạch đứng ngồi không yên...

Đi sâu vào bên trong vùng quy hoạch dự án sân golf, trung tâm dịch vụ, thể thao, giải trí, khu nhà ở tái định cư ở khu vực Bình Chánh, ở đâu chúng tôi cũng thấy những vườn cây xơ xác, cỏ mọc um tùm bít cả lối đi. Nhìn những cây xoài, cây chanh, bưởi... dần dần bị chết mà lòng các lão nông ở đây se thắt. Ông Trần Bá Tòng, 77 tuổi, cho biết, những năm trước với 7.000m2 cam, chanh, bưởi... gia đình ông thu lợi vài chục triệu đồng/ năm. Nhưng từ khi công bố quy hoạch đến nay, ông không dám đầu tư vào sản xuất nên huê lợi cũng mất đi, năm rồi chỉ bán được khoảng 1 triệu đồng. Ông Trần Bá Tòng tâm sự: “Khi công bố quy hoạch, chúng tôi ai cũng đồng thuận, với mong muốn quê hương ngày càng phát triển. Nhưng đã gần 5 năm mà dự án chỉ tiến hành đo đạc, cắm mốc rồi dừng lại. Chúng tôi rất lo lắng, không biết dự án có tiếp tục thực hiện hay không, để còn tính toán làm ăn lo cho cuộc sống gia đình thời gian tới”. Gia đình ông Nguyễn Thanh Thảo cũng có 2.000m2 đất bị ảnh hưởng bởi quy hoạch, nói: “Quy hoạch kéo dài, chưa kiểm kê hoa màu, nhưng giờ đây cây trong vườn chết gần hết thì đến lúc bồi hoàn chắc nông dân trắng tay. Vì cây đã chết hoặc năng suất không còn thì làm sao tính bồi hoàn được”.

Ông Lê Văn Hộ, một trong những người được bà con bầu đại diện cho bà con vào Ban Bồi thường thiệt hại - Giải phóng mặt bằng, dự án sân golf, trung tâm dịch vụ, thể thao, giải trí, khu nhà ở tái định cư, cho biết: Năm 2004, chính quyền địa phương và nhà đầu tư có tổ chức họp dân triển khai dự án. Tại cuộc họp này, bà con đã đề nghị chủ đầu tư cho biết thời gian thực hiện dự án, nhưng chỉ nhận được câu trả lời chung chung là sau khi bà con đồng thuận sẽ triển khai các bước tiếp theo. Do không được thông tin cụ thể về thời gian thực hiện dự án nên bà con lo ngại, nếu đầu tư thì không kịp thu hoạch, đồng thời sẽ không được bồi hoàn, vì vậy nhiều gia đình không dám đầu tư sản xuất, ruộng vườn bỏ riết mà xơ xác, hoang tàn. Ông Trần Văn Trước, Bí thư Chi bộ khu vực Bình Chánh, nói: “Thời gian qua, chính quyền địa phương có vận động bà con cải tạo ruộng vườn để ổn định đời sống. Nhưng bà con bảo nếu muốn sản xuất thì phải làm lại đê bao, trồng lại cây mới để thay thế những cây già cỗi... nhưng thông tin về thời gian thực hiện dự án vẫn còn mù mờ, nên không ai dám mạo hiểm đầu tư”.

Cũng ở phường Long Hòa, dự án xây dựng khu dân cư, bệnh viện và trường kỹ thuật do Công ty TNHH xây dựng Xuân Lan làm chủ đầu tư, đã triển khai gần 5 năm vẫn chưa thực hiện. Theo một số cán bộ địa phương, năm 2004, chủ đầu tư dự án này có 2 lần liên hệ với địa phương để tổ chức họp dân công bố quy hoạch rồi... biến mất đến nay. Trong khi đó, công ty tự thỏa thuận mua một số diện tích đất của bà con, nhưng không thông qua cán bộ khu vực. Ông Đỗ Văn Tiến, Bí thư Chi bộ khu vực Bình An, bức xúc: “Thấy nhà đầu tư liên hệ mua đất, một số bà con cho rằng dự án sắp triển khai nên không an tâm sản xuất. Tình trạng dự án thực hiện theo kiểu “da beo” gây khó khăn trong sản xuất của bà con. Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp, bà con đề nghị công khai rõ ràng cho dân biết dự án bao giờ thực hiện, phương án thực hiện ra sao, giá cả bồi hoàn như thế nào... nhưng chúng tôi không rõ để trả lời”. Chúng tôi tham quan thửa ruộng của gia đình ông Nguyễn Văn Hai ở khu vực Bình An. Nhìn thửa ruộng 2.500m2 cỏ nhiều hơn lúa, ông Hai chua xót nói: “Do đất của bà con xung quanh đã sang bán, san lấp mặt bằng bỏ đó, cỏ mọc um tùm nên khi tôi canh tác, nước không vô được, cộng thêm chuột, sâu bọ cắn phá dữ lắm. Với diện tích này, những năm trước gia đình thu được khoảng 100 giạ/ năm, nhưng năm rồi thu hoạch chưa đến 50 giạ. Tôi đề nghị nếu dự án không thực hiện thì xóa bỏ để bà con an tâm sản xuất. Nếu dự án xóa bỏ, tôi sẽ xin phép Nhà nước cho chuyển đất ruộng lên vườn tiếp tục trồng trọt, tăng thu nhập, nâng cao đời sống; đồng thời cất lại căn nhà mới cho đàng hoàng hơn”. Bà con ở khu vực Bình An sống chủ yếu dựa vào thửa ruộng, mảnh vườn và với nghề truyền thống trồng hoa kiểng. Từ khi quy hoạch, những hộ dân ở đây muốn vay vốn đầu tư sản xuất cũng bị ngân hàng từ chối. Điển hình như trường hợp của ông Đoàn Hữu Bốn. Ông Bốn cho biết: “Năm 2007, gia đình tôi đến liên hệ ngân hàng xin vay vốn chuẩn bị đầu tư cho vụ bông tết nhưng bị từ chối, vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang đi thế chấp lại nằm trong dự án quy hoạch”.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, năm 2004, UBND TP Cần Thơ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất khoảng 150 ha cho Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hồng Lam đầu tư xây dựng Trung tâm vui chơi giải trí, văn hóa thể thao. Sau đó, dự án này được “tách ra” thành 2 dự án nhỏ và đã được UBND thành phố ban hành 2 quyết định quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, là dự án Câu lạc bộ thể thao dưới nước và cưỡi ngựa du ngoạn với diện tích 23,65 ha và sân golf 18 lỗ với diện tích 151,3 ha. Đến năm 2007, UBND thành phố tiếp tục ban hành quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 sân golf, trung tâm dịch vụ, thể thao, giải trí, khu nhà ở tái định cư tại phường Long Hòa. Thế nhưng, đến nay, công ty chưa hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư dự án để tổ chức triển khai các bước tiếp theo như kiểm kê, áp giá đền bù, dẫn đến tiến độ thực hiện dự án rất chậm, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trước những bức xúc của bà con, ngày 29-5-2009, UBND quận Bình Thủy đã làm công văn đề nghị UBND thành phố xem xét tiến độ thực hiện dự án cũng như năng lực của nhà đầu tư có khả năng để triển khai thực hiện tiếp không, từ đó có kế hoạch điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch. Tương tự như thế, năm 2004, UBND TP Cần Thơ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất khoảng 123 ha cho Công ty TNHH xây dựng Xuân Lan đầu tư xây dựng khu dân cư, bệnh viện và trường kỹ thuật dạy nghề. Năm 2005, UBND thành phố ban hành quyết định quy hoạch tỷ lệ 1/500. Năm 2006, UBND thành phố có công văn thu hồi một phần diện tích của dự án khu dân cư Long Hòa do Công ty TNHH xây dựng Xuân Lan làm chủ đầu tư. Sau đó, UBND thành phố ban hành công văn lập lại quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư Long Hòa do Công ty TNHH xây dựng Xuân Lan làm chủ đầu tư, trên phần đất còn lại khoảng 60 ha. Nhưng công ty không phối hợp với địa phương triển khai quyết định quy hoạch mà công ty tự thỏa thuận thương lượng với dân, thực hiện dự án theo kiểu “da beo”. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thủy, nói: “Việc công ty tự thỏa thuận thương lượng với dân mà chưa có chủ trương của UBND thành phố là không đúng với quy trình thực hiện quy hoạch, gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý. Chính vì chưa thống nhất giá, tự thỏa thuận nên dễ dẫn đến so bì trong dân làm cho dự án thực hiện kéo dài. Sự việc này, Phòng Quản lý đô thị sẽ tham mưu cho UBND quận rà soát lại tiến độ thực hiện dự án và sẽ làm công văn gởi UBND thành phố xem xét giải quyết giống như trường hợp của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hồng Lam”.

Quy hoạch để xây dựng phát triển đô thị là xu hướng tất yếu trong tiến trình phát triển của thành phố, thế nhưng, việc quy hoạch kéo dài gần 5 năm như dự án sân golf, trung tâm dịch vụ, thể thao, giải trí, khu nhà ở tái định cư và khu dân cư Long Hòa đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, gây bức xúc cho người dân trong vùng quy hoạch. Thiết nghĩ, chính quyền cùng các ngành chức năng cần sớm xem xét, rà soát quy hoạch, cũng như năng lực thực hiện của nhà đầu tư để có hướng giải quyết hợp lý, có thông tin cụ thể cho bà con biết, giúp bà con an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: NHẬT MY

Điều 29 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai:

1. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phép điều chỉnh vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kỳ này hoặc kỳ tiếp theo đối với diện tích đất đã được xác định phải thu hồi hoặc phải chuyển mục đích sử dụng trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố mà sau 3 năm không được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Diện tích đất để thực hiện các công trình, dự án đầu tư phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng nhưng chưa đủ kinh phí để thực hiện;

b) Diện tích đất để thực hiện các công trình, dự án đầu tư phục vụ mục đích phát triển kinh tế mà xác định được nhà đầu tư vào năm cuối của thời hạn 3 năm phải công bố điều chỉnh hoặc hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật Đất đai.

2. Các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải công bố hủy bỏ kế hoạch sử dụng đối với diện tích đất đã được xác định phải thu hồi hoặc phải chuyển mục đích sử dụng.


Chia sẻ bài viết