09/07/2008 - 20:31

Nuôi tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL

Lợi nhuận cao, nhưng còn nhiều lo ngại

Nuôi TTCT ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh: CAO DƯƠNG

Những tháng cuối năm 2007, con tôm sú ở ĐBSCL rớt giá thê thảm do bị con tôm thẻ chân trắng (TTCT) cạnh tranh khốc liệt ở thị trường xuất khẩu. Trước tình hình này, ngày 25-1-2008, Bộ NN&PTNT ban hành Chỉ thị số 228/CT-BNN-NTTS về việc phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vanamei hoặc Penaeus vannamei) nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi và sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Được phép nuôi TTCT, nhưng nhiều tỉnh ĐBSCL chỉ dừng lại ở việc nuôi thử nghiệm. Đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT khẳng định, có thể phát triển nuôi TTCT đại trà... Mối lo ngại dịch bệnh sẽ diễn ra trên diện rộng như những năm trước năm 2003 tiếp tục đặt ra cho các tỉnh ở ĐBSCL...

LỢI NHUẬN CAO, THỊ TRƯỜNG THUẬN LỢI

Đến thời điểm hiện nay, nhiều địa phương ở ĐBSCL lứa TTCT đầu tiên đã được thu hoạch. Ông Lê Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Kiên Giang đã có chủ trương cho 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nuôi thí điểm TTCT. Với năng suất bình quân 12-13 tấn, việc nuôi TTCT mang lại lợi nhuận trên 120 triệu đồng/ha” ở tỉnh Cà Mau, Công ty cổ phần thủy hải sản Minh Phú tổ chức nuôi thí điểm TTCT tại hộ ông Trần Văn Tuấn ở ấp Kinh Tắc, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn. Tổng diện tích nuôi ban đầu khoảng 13 ha. Theo Sở NN&PTNT tỉnh này, hiện nay tôm 75 ngày tuổi đang phát triển tốt, ước đạt 75 con/ha, năng suất thu hoạch có thể đạt 10 tấn/ha và lợi nhuận ước khoảng 150 triệu đồng/ha.

Theo phản ánh từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu... việc nuôi TTCT ở các địa phương này đang tiến triển tốt và hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho người nuôi.

Hiện tại giá TTCT ở ĐBSCL từ 50.000-52.000 đồng/kg, loại 100 con/kg, so với giá tôm sú tương ứng khoảng 70.000 - 85.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo một doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL, TTCT dễ nuôi và có năng suất cao gấp 2 lần so với tôm sú, nên chi phí sản xuất, giá thành hạ thấp hơn nuôi tôm sú từ 25%-30%...

Ông Nguyễn Việt Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: “Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đang có nhu cầu các sản phẩm từ TTCT nên các tỉnh ĐBSCL có thể phát triển đối tượng này trong thời gian tới”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo, không riêng gì các tỉnh ĐBSCL mà hầu hết các tỉnh miền Trung, miền Đông Nam Bộ chuyển ngay việc nuôi TTCT thí điểm sang nuôi đại trà.

Trên cơ sở thuận lợi về mặt lợi nhuận, thị trường, chủ trương... các tỉnh ĐBSCL cho rằng, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL sẽ gia tăng mạnh mẽ trong thời tới.

NỖI LO DỊCH BỆNH, CHẤT LƯỢNG CON GIỐNG

Năm 2003, Bộ Thủy sản (cũ) đã có văn bản nghiêm cấm việc sản xuất giống và nuôi TTCT lẫn với tôm sú tại các tỉnh ĐBSCL. Bởi nhược điểm lớn nhất của TTCT là bị nhiều loại dịch bệnh, việc nhập lậu tôm bố mẹ, tôm giống (post) qua biên giới bằng đường bộ vốn rất phức tạp và khó kiểm soát làm kết quả nuôi không ổn định, hiện tượng tôm nhiễm bệnh xảy ra... điều này tiếp tục là nỗi lo lắng của các tỉnh ĐBSCL trong mùa vụ tới.

Điển hình như tỉnh Tiền Giang, trước đây, khi chưa có chủ trương nuôi TTCT, việc nuôi “lén lút” đối tượng này mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, từ khi Bộ NN&PTNT cho phép nuôi TTCT thì tỷ lệ tôm chết gia tăng đột ngột. Theo báo cáo từ Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm hiện nay, có đến 48/116 ha nuôi TTCT thí điểm của tỉnh bị chết. Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Hiện nay, tốc độ TTCT chết lây lan rất nhanh”. Bà Tỏ cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do chất lượng con giống kém, mật độ thả nuôi cao (100 - 120 con/m2)... nên khó kiểm soát được nguồn dịch bệnh”. Còn theo ngành chức năng của tỉnh Kiên Giang, việc nuôi TTCT trái phép và tỷ lệ thiệt hại đáng kể do dịch bệnh đã diễn ra ở vùng U Minh Thượng.

Hiện nay, con giống TTCT chủ yếu được sản xuất từ các tỉnh miền Trung. Nhưng theo ngành chức năng của tỉnh Khánh Hòa, việc kiểm tra nguồn TTCT giống bố mẹ cực kỳ khó khăn. Bởi tôm bố mẹ ngoài việc được nhập vào tỉnh theo đường bộ còn được chuyên chở bằng đường máy bay; các cơ sở sản xuất giống thu mua tôm bố mẹ ở người nuôi rồi tiến hành cho nhân giống... không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng tôm bố mẹ khiến chất lượng con giống thả nuôi không đồng đều, kém chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả nuôi TTCT.

Các tỉnh ĐBSCL nuôi TTCT chủ yếu nhập giống từ các tỉnh miền Trung. Vấn đề này, ông Nguyễn Việt Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cảnh báo: Các tỉnh miền Trung có ưu thế trong việc lựa chọn con giống có chất lượng. Con giống chất lượng thấp hơn chắc chắn sẽ được đổ về các tỉnh ĐBSCL. Trong khi đó, TTCT sẽ có thể mắc các loại dịch bệnh như con tôm sú. Nhưng chắc chắn mức độ sẽ trầm trọng hơn vì hiện nay chưa thể kiểm soát được chất lượng con giống. Đối với vấn đề chất lượng con giống bố mẹ được nhập khẩu cũng được Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng cảnh báo tương tự.

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN...

Về việc nuôi TTCT, Bộ NN&PTNT đã có quy định về điều kiện sản xuất giống, nuôi TTCT (ban hành kèm theo Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT). Theo đó, Đối với các tỉnh Nam Bộ (Đông Nam Bộ và ĐBSCL) TTCT phải theo hình thức thâm canh và nằm trong vùng quy hoạch của địa phương; hệ thống cấp và thoát nước trong cơ sở nuôi phải được bố trí riêng để tránh gây ô nhiễm... Tuy nhiên, theo các tỉnh ĐBSCL, quy định này về lâu dài thì phù hợp, nhưng trong thời điểm hiện nay, vùng nuôi TTCT khó có thể cách ly với vùng nuôi tôm sú để kiểm soát về dịch bệnh, môi trường...

Ngoài vấn đề trên, dù Bộ NN&PTNT đã “bật đèn xanh”cho việc nuôi TTCT ở ĐBSCL, ban hành cả quy định về sản xuất con giống, cơ sở nuôi... Tuy nhiên vẫn chưa có chỉ thị, văn bản... hướng dẫn, quy định xử phạt đối với những hành vi vi phạm. Mặt khác, các địa phương ở ĐBSCL cho rằng, con TTCT đã có một quá trình phát triển nhưng hiện nay, quy trình kỹ thuật nuôi chưa được hoàn chỉnh, nên rất khó triển khai hướng dẫn người dân phát triển đối tượng này trong thời gian tới...

HÀ TRIỀU

    Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Việt Thắng, cho rằng: con tôm sú, TTCT được xác định là những đối tượng chủ lực, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Việc phát triển TTCT chính là góp phần đa dạng thêm đối tượng nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản không đồng nghĩa với chủ trương thay thế con tôm sú. Vì thế, việc nuôi TTCT các địa phương cần bàn bạc điều kiện, yêu cầu, nhất định không để nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch và phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, môi trường...

Chia sẻ bài viết