05/09/2021 - 06:14

Lời nhắn nhủ từ thiên nhiên qua “Khúc hát của cây” 

“Khúc hát của cây” là tác phẩm trong tủ sách về đề tài môi trường do Phương Nam Book phối hợp với NXB Thế giới phát hành. Tác giả David George Haskell là giáo sư đại học chuyên ngành sinh vật học và môi trường tại Tennessee, Mỹ. Đồng thời với tâm hồn nghệ sĩ, ông đã tạo nên một tác phẩm nghiên cứu về các loại cây đầy nhạc tính và văn chương.

“Khúc hát của cây” có 3 chương, mỗi chương gồm những loài cây được sắp xếp theo những đặc tính riêng biệt. Chương 1 gồm ceibo, linh sam nhựa thơm, cọ sabal, tần bì xanh, mitsumata, là những loài sống trong các khu rừng, núi đồi hoặc bờ biển. Chương 2 gồm những loài cây đã chết từ lâu, đã hóa thạch và thành than củi như: phỉ, hồng sam, thông ponderosa, phong. Chương 3 đề cập đến các loài cây sống trong thành phố và đồng ruộng, như: dương, lê callery, ô liu, thông trắng Nhật Bản.

Dù là cây gì, sống ở đâu, tất cả đều có những thanh âm riêng biệt, hòa quyện cùng nhau tạo nên một bản nhạc đặc sắc và tác giả chính là người vẽ nên từng nốt nhạc, tạo nên những giai điệu để hình thành nên “Khúc hát của cây” vô cùng đặc biệt.

Khởi đầu từ rừng Amazon với cây ceibo, tác giả mang đến cho người đọc những tiếng mưa thay đổi theo từng điều kiện sinh trưởng của cây cối nơi hoang dã. Đồng thời, xót xa khi con người khai thác dầu khí nhưng không đạt được thỏa thuận bảo vệ rừng. Hành động ấy như người Waorani mô tả: “Là cắt cụt tay cụt chân loài cây ceibo, cắt cụt sự sống”. Từ rừng đến biển, âm thanh của sóng cùng quá trình phát triển của cây cọ sabal mang lại cho con người những phát minh có ích về gỗ, thủy tinh và nhựa. Cọ sabal còn là loài cây dễ thích nghi và kiên cường sống trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, là biểu tượng cho ý chí vươn lên mà con người cần học hỏi.

Tác giả lại dẫn dắt người đọc quay ngược thời gian, về với những loài cây đã hóa thạch, những thân gỗ biến thành than đã bị chôn vùi được tìm thấy trong lịch sử ngành khai thác mỏ. Từ đây, những sự sống cổ xưa, những biến động về khí hậu, lịch sử được tái hiện sinh động. Để rồi khi cầm trên tay cây vĩ cầm được làm từ gỗ phong, những thanh âm phát ra từ cây đàn không chỉ là tiếng nhạc mà còn là câu chuyện của cả một giai đoạn trong quá khứ không dễ gì quên.

Mang người đọc từ vùng hoang dã và từ quá khứ về lại đời sống đô thị, tác giả mở ra một không gian náo nhiệt, đầy màu sắc. Ở đó, những cây dương, lê callery, ô liu… được trồng ven đại lộ, ao hồ hay công viên như những chứng nhân trước cuộc sống nhiều đổi thay của con người. Chỉ tính riêng ở New York, nhờ có hơn 5 triệu cây xanh mà đã giảm thiểu 2.000 tấn chất ô nhiễm không khí và xử lý gần 40.000 tấn CO2.

Giáo sư Haskell đã bỏ nhiều công sức, thời gian để quan sát thực địa, nghiên cứu, trải nghiệm ở nhiều khu vực, để viết nên “Khúc hát của cây” vừa cụ thể, vừa bao quát. Tùy vào xứ sở, nơi sinh sống mà những loài thực vật này mang các đặc tính sinh học riêng biệt; đồng thời gắn kết đời sống tinh thần, kinh tế, chính trị, xã hội của con người. Thậm chí, có những cây là nhân chứng cho những biến động của thời đại. Điển hình như câu chuyện về một cây bonsai được các thế hệ trong một gia đình người Nhật chăm sóc suốt 300 năm, khi bom nguyên tử thả xuống Hiroshima, cây may mắn vẫn còn nguyên vẹn. Năm 1976, gia đình Yamaki và Chính phủ Nhật đã quyết định tặng cây bonsai này cho nước Mỹ để kỷ niệm ngày độc lập của quốc gia này.

Hãy lắng nghe tự nhiên để tâm hồn rung động trước những thanh âm đẹp đẽ của cuộc đời - đó là thông điệp tác giả gửi gắm qua “Khúc hát của cây”.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết