12/02/2019 - 15:46

Lời khuyên cho các cặp vợ chồng mong con năm mới

Nhân dịp đầu năm mới, bác sĩ Nguyễn Phan Vinh, Phó Trưởng Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ chia sẻ vài lời khuyên hữu ích cho các cặp vợ chồng mong muốn có con trong năm Kỷ  Hợi.

Lời khuyên đầu tiên đối với các cặp đôi chuẩn bị kết hôn là nên khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm khám sức khỏe tổng quát và khám sức khỏe sinh sản, cho cả vợ và chồng.

Riêng sức khỏe sinh sản, đối với nam giới, tinh dịch đồ là xét nghiệm cơ bản nhất để đánh giá khả năng sinh sản. Tiếp theo, bác sĩ sẽ khám, kiểm tra... để đánh giá khả năng sinh sản của nam giới. Một số trường hợp còn xét nghiệm máu để kiểm tra nội tiết tố nam giới.

Đối với nữ giới: qua khám, kiểm tra..., bác sĩ sẽ phát hiện ra viêm nhiễm hay bất thường (nếu có) để điều trị kịp thời trước khi kết hôn. Nên siêu âm tử cung, buồng trứng để phát hiện những dấu hiệu bất thường mà nhiều phụ nữ mắc phải như u nang buồng trứng, u xơ tử cung… Một số trường hợp cần chụp hình tử cung vòi trứng để xác định có tắc nghẽn vòi trứng hay không. Định lượng AMH (Anti-Mullerian Hormone) là xét nghiệm quan trọng trong thời gian gần đây nhằm xác định dự trữ buồng trứng cũng như định lượng nội tiết tố nữ để phát hiện những bất thường đi kèm. Ngoài ra nên kiểm tra sớm để tầm soát ung thư vú.

Trường hợp trong gia đình có một trong hai người có tiền sử bệnh liên quan đến dị tật, tâm thần, chậm phát triển thần kinh, bệnh di truyền… thì cần kiểm tra gien, nhiễm sắc thể. Và điều quan trọng là cần được tiêm phòng các loại vắc-xin phòng các bệnh có nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi như Rubella, cúm, quai bị, sởi, thủy đậu…

Bác sĩ Nguyễn Phan Vinh còn cho lời khuyên giúp các cặp vợ chồng có tình trạng cơ thể tốt nhất để chuẩn bị cho sự ra đời của một đứa con.  Đó là, đối với người chồng: Ăn uống đủ dưỡng chất và an toàn giúp cơ thể được khỏe mạnh; tránh mặc đồ bó sát; hạn chế thuốc lá, rượu bia, chất kích thích; hạn chế tiếp xúc với môi trường và hóa chất độc hại; chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh mệt mỏi, căng thẳng. Đối với người vợ, kiểm tra khả năng miễn dịch rubella, thủy đậu, bệnh phụ khoa, chủng ngừa cúm, rubella...; chuẩn bị một cơ thể khỏe mạnh, kiểm soát cân nặng vì cân nặng ở mức trung bình sẽ giúp dễ thụ thai hơn, không để béo phì quá mức; nên đi kiểm tra răng; nên dành khoảng 30 phút tập thể dục hàng ngày; cần bỏ rượu, cà phê, thuốc lá; tránh tiếp xúc với chất độc hại như hóa chất, chất phóng xạ, các chất trong môi trường sống như chất tẩy rửa, dung môi, chì trong nước uống...; ngưng biện pháp tránh thai đang dùng; bổ sung sắt, axit folic từ 1 đến 3 tháng trước khi có thai; nâng cao tiêu chuẩn dinh dưỡng, chọn thực phẩm nhiều chất dinh dưỡng, giàu protein, thêm rau quả. Bên cạnh đó, vợ chồng giao hợp tự nhiên thường xuyên vào khoảng thời gian dễ có thai, đó là khoảng thời gian 6 ngày, tốt nhất là 1-2 ngày trước rụng trứng, là khả năng sẽ có thai cao nhất.

Hiện nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng gặp phải tình trạng hiếm muộn có xu hướng tăng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiếm muộn là tình trạng 1 cặp vợ chồng sống với nhau trên 1 năm, không dùng biện pháp ngừa thai nào mà vẫn chưa có con. Đối với phụ nữ trên 35 tuổi thì thời gian vô sinh sẽ ngắn hơn 6 tháng nhằm cảnh báo các chị em phụ nữ điều trị sớm hơn. Khi đó các cặp vợ chồng nên đến bệnh viện có chuyên khoa về Hỗ trợ sinh sản để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Thu Sương

Chia sẻ bài viết