15/05/2023 - 12:40

Lo ngại về xu hướng bạo lực của điện ảnh Hàn Quốc 

BẢO LAM (Tổng hợp từ Korea Times, Soompi)

Phim Hàn Quốc đang thu hút trên thị trường toàn cầu, đặc biệt ở các nền tảng trực tuyến. Thế nhưng, nội dung nhiều phim Hàn những năm gần đây lại có xu hướng bạo lực hóa, gây lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến khán giả, nhất là thanh thiếu niên.

“The Roundup” là hiện tượng phòng vé Hàn Quốc năm 2022 khi có hơn 10 triệu vé xem phim được bán chỉ trong 25 ngày phát hành. Phim dán nhãn phân loại 15, tức chỉ thích hợp cho khán giả trên 15 tuổi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng phim dài 106 phút này có quá nhiều cảnh bạo lực, máu me rùng rợn, phù hợp với nhãn dán 18 hơn là 15. Nhà phê bình văn hóa Kim Hern Sik nói: “Bước vào thời đại phát trực tuyến, nhà sản xuất phim và khán giả Hàn Quốc, đặc biệt là những người độ tuổi 20-30, trở nên khá thờ ơ với các mức độ của bạo lực. “The Roundup” có phân loại sai lầm khi chỉ dán ở mức 15. Chúng ta cần phải nghiêm khắc hơn trong không gian rạp có thanh thiếu niên”.

Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại khi ngày càng nhiều phim Hàn có yếu tố bạo lực. Trong 286 phim, kể cả phim hoạt hình được phân loại hồi tháng 10 năm 2022, đã có 121 phim Hàn phải cân nhắc vì yếu tố bạo lực. Với lượng phim nhiều như thế, Tiểu ban phim ảnh của Hội đồng phân loại Hàn Quốc (có 9 người) rất khó kiểm soát và đánh giá đúng hoàn toàn về nội dung phân loại.

Thực tế nhiều phim Hàn Quốc dán nhãn phân loại 18 vẫn bị chỉ trích nặng nề vì mức độ bạo lực. “Project Wolf Hunting” (ảnh) dán nhãn 18 nhưng có quá nhiều cảnh bạo lực khiến một số khán giả bỏ về giữa chừng. Giáo sư Ha Jong Won nói: “Phim hành động tội phạm Hàn Quốc mở đầu bằng cách sử dụng bạo lực để thể hiện xung đột và thu hút sự chú ý của khán giả. Xung đột trở nên nghiêm trọng hơn khi câu chuyện phát triển và liên quan đến nhiều người”. Chính mô típ này đã tạo thương hiệu cho dòng phim tâm lý, hành động tội phạm của Hàn Quốc trong những năm qua.

Tuy nhiên, nhà phê bình Kim Hern Sik cho rằng trước đây điện ảnh Hàn Quốc không có nhiều nội dung bạo lực. Phim về sát nhân hàng loạt là một thể loại phụ có từ lâu ở phương Tây, Hàn Quốc chưa bao giờ có thể loại phim tương tự. Thế nhưng từ khi mạng internet mở rộng, khả năng tiếp cận của khán giả và các nhà làm phim cũng khác đi. Chính thành công của “Parasite” hay “Squid Game” với những cảnh bạo lực thô bạo được khán giả toàn cầu đón nhận, trở thành yếu tố dẫn dắt nhiều nhà sản xuất phim Hàn Quốc theo đuổi dòng phim bạo lực. Đồng thời sự cạnh tranh thu hút khán giả ngày càng gay gắt trong ngành công nghiệp điện ảnh và phát trực tuyến dần khiến những nhà làm phim, nhà sản xuất sử dụng mô típ này theo thói quen.

Nhà phê bình phim Hwang Young Mee cho rằng tiêu chí phân loại phim của Hàn Quốc trước đây vốn rất khắt khe về bạo lực và tình dục, giờ đã trở nên linh hoạt: “So với trước kia có nhiều phim xã hội đen, giờ đây phim có yếu tố bạo lực có chủ đề đa dạng. Tôi nghĩ hội đồng phân loại phim trở nên dễ dãi hơn ở khía cạnh này”. Trong khi đó, Giáo sư Ha Jong Won bày tỏ lo ngại về sự phát triển của các phim bạo lực Hàn: “Nghiên cứu đã chứng minh rằng điện ảnh lẫn truyền hình ảnh hưởng đến suy nghĩ và cách ứng xử của khán giả về hiện thực cuộc sống. Những phim bạo lực tràn lan này khiến chúng ta mất lòng tin vào xã hội, trở nên sợ hãi con người. Điều đó tác động tiêu cực đến tâm lý và hành động của mỗi người, nhất là với thanh thiếu niên”.

Vấn đề đáng lo ngại chính là, phim chiếu rạp có dán nhãn mác, có thể kiểm soát về người xem nhưng với các nền tảng trực tuyến thì khó khăn hơn. Hong Sang Mi, bà mẹ hai con, bày tỏ lo ngại: “Ngay cả khi tôi giải thích với bọn trẻ vì sao những nội dung như thế là độc hại và không cho các con xem, bọn nhỏ vẫn cứ xem bằng mọi cách qua những người dùng mạng xã hội để đưa clip từ phim điện ảnh, truyền hình có tính giật gân lên kênh của họ”.

Chia sẻ bài viết