30/11/2020 - 13:24

Lỗ hổng kiến thức trong phim Việt 

Ngày càng có nhiều bộ phim Việt Nam thể hiện những tình huống sai thực tế, lệch với khoa học, lịch sử. Những lỗ hổng kiến thức đó không chỉ làm phim “mất điểm” mà còn mang đến những tác hại không nhỏ!

Phim “Lửa ấm” bị lãnh đạo CDC Hà Nội phản ứng vì sai lệnh kiến thức phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: tienphong.vn

Phim “Lửa ấm” bị lãnh đạo CDC Hà Nội phản ứng vì sai lệnh kiến thức phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: tienphong.vn

Điển hình nhất cho tình trạng này là mới đây, bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) đã lên tiếng về những tình huống phim sai kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS trong phim “Lửa ấm”, phát sóng trên kênh VTV1. Theo đó, trong phân cảnh anh cảnh sát đưa người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện thì bác sĩ báo là nạn nhân bị nhiễm HIV và anh đã bị phơi nhiễm HIV. Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, điều này là không chính xác vì không phải cứ tiếp xúc máu của người nhiễm HIV là bị phơi nhiễm. Ngoài ra, chuyện bác sĩ buộc phải cách ly người bị phơi nhiễm HIV 2 ngày khỏi cộng đồng để “phòng lây nhiễm ra cộng đồng” như tình tiết trong phim, cũng không đúng thực tế. Bà Lan lo sợ những thông điệp sai lệch trong phim sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Bà còn lo ngại, cứ hễ giúp người bị nạn mà nguy cơ phơi nhiễm HIV cao như vậy thì liệu sau này có ai còn dám giúp...

Trước thông tin này, đại diện đơn vị sản xuất phim “Lửa ấm” vừa có phản hồi. Theo đó, trong suốt quá trình từ phát triển kịch bản cho đến quay phim tại hiện trường, đoàn làm phim đã rất cẩn trọng và luôn có sự tư vấn chuyên môn từ nhóm tư vấn bao gồm các bác sĩ, chuyên gia đang hoạt động trong ngành Y tế (do Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế chỉ đạo). “Hiện tại, chúng tôi cũng đang làm việc lại với nhóm chuyên gia tư vấn này với tình huống cụ thể đã được phản ánh trong phim và sẽ sớm đưa ra phản hồi”, đơn vị sản xuất phim cho hay.

Mới đây nữa, bộ phim “Vua bánh mì” (chiếu trên Đài PT-TH Vĩnh Long) cũng bị dư luận phản ứng về chi tiết lịch sử bánh mì. Theo nhân vật trong phim: “Hồi chú còn nhỏ, nhà mình từng khổ sở vì nạn đói. Xung quanh, ai cũng đói khổ. Một người bạn thân của chú đã chết sau thời gian dài suy nhược vì đói. Vì thiếu gạo nên suốt bao nhiêu năm dân mình phải ăn độn cho nên chú bắt đầu nghĩ tới việc làm bánh. Hồi đó, ổ bánh mì cứu đói. Nhưng hết chiến tranh rồi, ổ bánh không còn để cứu đói nữa mà là để thưởng thức”. Nếu lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam thì đây là chi tiết sai trầm trọng. Bánh mì được du nhập vào Việt Nam cách nay hơn 160 năm và trở thành mặt hàng xa xỉ, dành cho giới thượng lưu thời xưa. Bánh mì chưa bao giờ là món ăn dùng để “cứu đói” kiểu không có gì để ăn thì ăn bánh mì cho no. Thời đó (và có lẽ đến bây giờ), để sản xuất ra bánh mì đòi hỏi sự kỳ công, máy móc, vốn liếng, kinh nghiệm chứ bánh mì không không phải là loại bánh “thích thì làm”.

Ví dụ khác như phim “Hậu duệ mặt trời” phiên bản Việt trước đây bị phản ứng vì sai kiến thức về Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều bộ phim khác thể hiện hình tượng nhân vật công an, nhà báo... cũng sai lệch ít nhiều. Phim cũng là một kênh thông tin và với phần đông khán giả, thông tin đó có sức lan tỏa mạnh mẽ. Vậy nên, những sai sót trong phim sẽ có tác động tiêu cực khi đã được “nghệ thuật hóa”. Vì vậy, các nhà làm phim, biên kịch, cố vấn và cả diễn viên cần trang bị kiến thức đủ rộng để tránh những sai sót. Đó cũng là cách tôn trọng khán giả vậy!

DUY LỮ

Chia sẻ bài viết