28/09/2014 - 16:39

Liên kết để hàng hóa địa phương vào siêu thị

Những năm qua, nhờ sự đóng góp tích cực của các kênh thương mại hiện đại như: trung tâm thương mại, siêu thị đã làm thay đổi bộ mặt ngành thương mại dịch vụ của TP Cần Thơ. Hầu hết các đơn vị này đang phát huy tốt hiệu quả kinh doanh, hỗ trợ trong công tác bình ổn thị trường. Tuy nhiên, hàng hóa của địa phương tham gia vào kênh bán hàng này còn ít, giá trị không cao. Làm gì phát triển mối liên kết giữa địa phương và kênh thương mại này, hướng nào để hàng hóa của địa phương tham gia vào được siêu thị? Đó là những vấn đề được đưa ra bàn luận tại cuộc họp mới đây giữa lãnh đạo TP Cần Thơ với lãnh đạo các siêu thị đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Hiệu quả tích cực

Năm 2004, Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò trung tâm động lực phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL. 10 năm qua TP Cần Thơ có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, trong đó phải kể đến ngành thương mại dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ có mặt hầu hết các thương hiệu trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp và chuyên doanh lớn như: Big C, Co.opmart, Metro Cash & Carry, Vinatex, Maximark, Trung tâm thương mại Sense City, Nguyễn Kim, chợ Lớn, Phan Khang… và dự án siêu thị Lotte Mart (nhà đầu tư Hàn Quốc) đang triển khai xây dựng tại quận Ninh Kiều. Người tiêu dùng của TP Cần Thơ và các địa phương lân cận có nhiều cơ hội được tiếp cận cách mua sắm hiện đại với những sản phẩm đạt chất lượng cao, giá ổn định cùng nhiều chính sách ưu đãi.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TP Cần Thơ: Hoạt động của các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố thời gian qua tích cực, hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho trên 1.300 lao động trực tiếp làm việc tại các siêu thị. Đồng thời, các siêu thị, trung tâm thương mại liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của địa phương. Một số siêu thị còn tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường của thành phố, thực hiện tốt chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá. Doanh thu 8 tháng năm 2014 của 8 siêu thị (Co.opmart, Big C, Vinatex, Metro Cash & Carry, Vinatex mini, Nguyễn Kim, Điện máy Chợ Lớn) đạt gần 1.573 tỉ đồng. Khoảng 90% hàng hóa bày bán tại các siêu thị là hàng Việt với khoảng 2.000 mặt hàng. Giá trị sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ được tiêu thụ tại 4 siêu thị (Co.opmart, Big C, Vinatex, Metro Cash & Carry) trong năm 2013 và 8 tháng năm 2014 là 123,43 tỉ đồng.

 Hàng hóa của TP Cần Thơ vẫn khó kết nối với siêu thị. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Bà Dương Thị Năm, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cần Thơ, cho biết: sau 10 năm hoạt động tại TP Cần Thơ, thương hiệu siêu thị Co.opmart đã tạo được niềm tin của khách hàng tại thành phố và các địa phương lân cận. Đây cũng là 1 trong những siêu thị có doanh thu cao nhất trong chuỗi 71 siêu thị trên toàn quốc. Đánh dấu bước trưởng thành, Saigon Co.op (đơn vị chủ quản) triển khai xây dựng Trung tâm thương mại Sense City Cần Thơ đầu tiên. Sắp tới, Co.opmart còn triển khai xây thêm 1 siêu thị Co.opmart tại quận Thốt Nốt nhằm tạo điều kiện mua sắm tốt nhất cho người dân địa phương.

Để phát triển mối liên kết địa phương và siêu thị

Hàng hóa của địa phương tham gia vào các siêu thị chủ yếu là những mặt hàng nông sản, tiêu dùng nhỏ lẻ có giá trị thấp... Trong liên kết hợp tác, giữa hai bên (nhà cung ứng và thu mua) vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: đơn vị cung ứng chưa nắm vững thông tin về tiêu chuẩn hàng hóa, người dân còn chưa “mặn mà” với cách làm ăn kiểu mới… dù hàng hóa tại địa phương có nhiều tiềm năng để hợp tác. Ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc khu vực miền Tây hệ thống siêu thị Vinatex, cho rằng: “Hầu hết hệ thống siêu thị rất muốn khai thác hàng hóa tại địa phương để tăng thế cạnh tranh. Mặt khác, sản phẩm cung ứng hàng cho siêu thị cũng có giá trị cao hơn so với bán ngoài thị trường. Mặc dù hàng hóa địa phương có, đặc biệt là hàng nông sản, nhưng chúng tôi vẫn khó có thể tiếp cận hợp tác. Nguyên nhân chủ yếu là các đơn vị sản xuất hầu hết nhỏ lẻ. Do vậy, TP Cần Thơ nên hỗ trợ thành lập các hội, nghề, từ đầu mối này các siêu thị sẽ hợp tác được tốt hơn”.

Không chỉ qui mô sản xuất nhỏ lẻ, điểm yếu trong liên kết của các đơn vị địa phương là hàng hóa chưa mang tính đặc thù cao, các kênh xúc tiến của thành phố chưa đủ mạnh để hỗ trợ quảng bá giới thiệu cho các kênh siêu thị… Bà Dương Thị Năm, Giám đốc siêu thị Co.opmart Cần Thơ, nói: Hoạt động tại TP Cần Thơ 10 năm qua nhưng hàng hóa của địa phương vào siêu thị rất khiêm tốn, chủ yếu là các mặt hàng rau, củ, quả có giá trị thấp. TP Cần Thơ không phải không có hàng hóa để liên kết với siêu thị nhưng do chưa được đầu tư tốt về mặt pháp lý cho hàng hóa, đã gây cản trở lớn trong hợp tác. Chẳng hạn, với mặt hàng bún tươi và đậu hủ, hằng ngày siêu thị Coopmart Cần Thơ cần một lượng hàng lớn để cung ứng cho các trường học, nhà hàng. Nhưng siêu thị phải lấy hàng từ TP Hồ Chí Minh, cho dù tại địa phương có nhiều điểm sản xuất. Lý do là các đơn vị này không đáp ứng được các loại giấy tờ chứng nhận chất lượng hàng hóa từ cơ quan chức năng. Hệ thống Siêu thị Co.opmart hoạt động theo mô hình chuỗi, hàng hóa địa phương vào được siêu thị thì không chỉ cung ứng cho siêu thị Co.opmart Cần Thơ mà còn cho cả hệ thống 71 siêu thị trên toàn quốc. Do vậy việc liên kết hợp tác sẽ là cơ hội tốt để tiêu thụ hàng hóa của địa phương.

Ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc Trung tâm thương mại Sense City Cần Thơ, cho biết: Sense City xây dựng và hoạt động theo mô hình trung tâm thương mại hiện đại trên thế giới. Nhiều đơn vị tại địa phương khi hợp tác kinh doanh tại đây không quen với mô hình mới này nên hiệu quả kinh doanh không cao”. Bà Hồ Quang Kiều, Giám đốc Siêu thị Big C Cần Thơ, cho rằng: “Tiêu chí hoạt động của Big C là gắn kết hàng hóa địa phương. Tuy nhiên, hàng hóa của TP Cần Thơ chiếm khá khiêm tốn tại siêu thị. Nguyên nhân là các đơn vị này còn ngại làm các thủ tục giấy tờ xác minh nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, một số đơn vị mặc dù có đủ điều kiện để cung ứng hàng với số lượng lớn nhưng năng lực về chuyên chở, bảo quản… còn yếu, cũng là cản trở lớn trong hợp tác giữa hai bên”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Điểu, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho rằng: Hầu hết nông dân vẫn chưa quen với cách làm ăn mới của các siêu thị nên vẫn chưa “mặn mà” trong hợp tác. Do vậy, TP Cần Thơ nên xây dựng một đầu mối để rà soát và hỗ trợ các mặt hàng có tiềm năng hợp tác. Tìm hướng để hàng hóa địa phương nâng cao giá trị và tăng khả năng liên kết với kênh thương mại hiện đại. Chẳng hạn, quận Cái Răng, đang qui hoạch, mở rộng chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, sẽ đầu tư trồng các loại trái cây có múi đặc sản như cam, bưởi đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Quận Bình Thủy nâng cao chất lượng đối với hai mặt hàng truyền thống đang cung ứng cho siêu thị là bánh tét lá cẩm và nấm bào ngư… Ông Phạm Việt Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương, khẳng định: Sở Công thương sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho các đơn vị trong quá trình giao thương, hợp tác.

Đồng chí Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Với điểm mạnh hàng hóa là nông sản, định hướng của TP Cần Thơ trong thời gian tới xây dựng ngành nông nghiệp chất lượng cao, hàng hóa sản xuất đạt các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng trong và ngoài nước. Lãnh đạo thành phố sẽ xây dựng phương án hỗ trợ bằng những việc làm cụ thể, như: giải quyết nhanh các thủ tục đăng ký, đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, tăng cường công tác xúc tiến. Đồng thời, lãnh đạo thành phố tăng cường tiếp xúc với các đơn vị để giải quyết kịp thời các vướng mắc khó khăn gặp phải trong quá trình hợp tác.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết