09/10/2018 - 07:53

Liên kết đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực y tế 

Để đào tạo và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực luôn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ từ nhà trường và nhà tuyển dụng lao động. Đặc biệt là với nhân lực y tế, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, việc gắn kết giữa “hai nhà” càng đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng đào tạo.

Lợi cả đôi đàng

Qua thống kê, đến hết năm 2017, cả nước có gần 200 cơ sở đào tạo nhóm ngành sức khỏe, riêng ngành y đa khoa có 24 trường (6 trường ngoài công lập). Tại TP Cần Thơ, bên cạnh Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao có quy mô lớn nhất ĐBSCL, còn có các trường đại học có đào tạo khối ngành sức khỏe là: Tây Đô, Nam Cần Thơ. Bậc cao đẳng có Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, bên cạnh các trường trung cấp ngoài công lập liên kết đào tạo bậc cao đẳng y dược: Trung cấp Miền Tây TP Cần Thơ, Trung cấp Phạm Ngọc Thạch, Trung cấp Y dược Mekong...


Giờ học của sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ. Ảnh: B.KIÊN

Tại buổi Tọa đàm Kết nối thực tập và tuyển dụng nguồn nhân lực y dược do Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ tổ chức vừa qua, nhiều cán bộ y tế công tác tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn TP Cần Thơ đánh giá: Công tác đào tạo nhân lực y tế thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập. Các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình, đánh giá kết quả và công bố chất lượng công tác đào tạo, mà chưa quan tâm thấu đáo đến nhu cầu của người sử dụng lao động. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Bệnh viện số 10 (tỉnh Hậu Giang), hiện có rất nhiều trường công, tư; hoặc không thuộc hệ thống y tế; đào tạo các ngành sức khỏe. Vì vậy, điều tiên quyết khiến các đơn vị sử dụng lao động lo lắng vẫn là chất lượng đào tạo, bởi hiện nay vẫn chưa có một tổ chức độc lập thẩm định năng lực tối thiểu phải đạt trước khi nguồn nhân lực y tế vừa tốt nghiệp tham gia công tác khám, chữa bệnh. “Việc kết nối thực tập giữa trường và bệnh viện rất cần thiết, giúp đơn vị sử dụng lao động có cơ hội tiếp cận và đánh giá sinh viên ngay từ khi chuẩn bị ra trường; với sinh viên và nhà trường đều có lợi”, bác sĩ Thái nói.

Là cựu sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm  - Thực phẩm TP Cần Thơ, cho rằng: Một cơ sở đào tạo phải đảm bảo 3 yếu tố (nhân lực, vật lực và tài lực) mới có thể đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Quan trọng nhất là giáo trình cần được cập nhật thường xuyên, tránh lạc hậu; giảng viên cần liên tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn… Trường nên đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, sát hợp với thực tế. Các cơ sở đào tạo cần tăng thời gian thực hành để sinh viên thực tập cơ sở y tế, hòa nhập công việc nhanh khi ra trường. Bác sĩ Võ Văn Kha, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, cũng đồng tình quan điểm này và cho biết thêm: Phần lớn các trường đào tạo chủ yếu trang bị sinh viên kiến thức cơ bản. Khi sinh viên được nhận vào làm việc, bệnh viện phải đưa đi đào tạo lại, nhất là kỹ năng, bởi yêu cầu của bệnh viện chuyên khoa đòi hỏi cao về kỹ năng chăm sóc bệnh nhân.

Cần nỗ lực từ nhiều phía

Theo kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của Bộ Y tế trong hệ thống khám - chữa bệnh giai đoạn 2015-2020, cả nước cần bổ sung 10.887 dược sĩ và 83.851 điều dưỡng; đạt 30% tổng số điều dưỡng có trình độ cao đẳng, đại học. Điều này mở ra cơ hội việc làm rất lớn cho những người có dự định theo học và làm việc trong ngành y tế. Song trong đào tạo, chính sách của nhà nước đã nêu rõ: “Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng. Nâng cao trình độ chuyên môn, trách nhiệm và y đức của đội ngũ cán bộ y tế”. Điều này đồng nghĩa với việc phát triển số lượng phải đi liền với nâng cao chất lượng, đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Phương Toại, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, lao động nghề y tế là lao động đặc biệt, cao quý, có vai trò quan trọng, liên quan trực tiếp tính mạng con người. Do vậy, khối ngành sức khỏe cần phải được đào tạo nghiêm ngặt, với thời gian dài hơn các ngành khác. Y tế cũng là công việc căng thẳng, trong môi trường dễ lây nhiễm và chịu sức ép từ dư luận xã hội khi có những biến cố chuyên môn. Những điều đó đòi hỏi cán bộ y tế phải luôn nâng cao trình độ, năng lực làm việc và có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao. Tiến sĩ Toại bày tỏ: “Trường rất muốn kết nối với các bệnh viện trong đào tạo, thực hành và đánh giá năng lực sinh viên. Từ đó giúp trường nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo”.

Ở góc nhìn khác, bác sĩ Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết: Thực tế, 90% ý kiến người bệnh góp ý cho nhân viên y tế về giao tiếp. Việc giáo dục giao tiếp ứng xử ngay từ ghế nhà trường sẽ giúp các em có tinh thần chuyên nghiệp hơn trong công việc. Bác sĩ Phạm Gia Nhâm, Phó Giám đốc Bệnh viện  Y học Cổ truyền Cần Thơ, cho rằng: Để nâng cao hiệu quả đào tạo, trường cần tăng thời gian thực tập cho sinh viên. Bản thân sinh viên theo học nhóm ngành y tế cần xác định phải chịu khó, vì càng nhiều thời gian thực tập, các em càng giỏi chuyên môn. Đồng quan điểm về sự năng động của sinh viên trong học tập, rèn luyện, bà Nguyễn Hoàng Khánh Tiên, đến từ Tổ chức Save the Children International, cho rằng: Nhược điểm của hầu hết sinh viên là thiếu hình dung thực tế về công việc. Sinh viên không nên trông chờ từ phía trường, mà nên chủ động học tập, rèn luyện. Các bạn có thể học bằng nhiều phương tiện, cũng như quan sát để đúc kết thêm kinh nghiệm trong quá trình thực tập.

Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ đang đào tạo 7 ngành cao đẳng, với khoảng 4.500 sinh viên. Để nâng cao chất lượng đào tạo, trường đã đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm thực hành, cũng như xây dựng chuẩn đầu ra ở các ngành đào tạo; trong đó có ngành Điều dưỡng, phải đáp ứng chuẩn chất lượng ASEAN. Trường đã ký hợp tác với 4 bệnh viện trong đào tạo thực hành, thực tập. Thạc sĩ Trần Thu Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, nói thêm: Trường thiết kế chương trình theo cơ cấu thực hành chiếm 70%, trong đó 50% thực hành tại bệnh viện và 20% thực hành tại trường. Tới đây, trường sẽ hợp tác chặt chẽ với các bệnh viện, để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội.

 B.KIÊN

Chia sẻ bài viết