09/08/2016 - 21:03

SẢN XUẤT GIỐNG LÚA:

LẤY THỊ TRƯỜNG LÀM ĐỊNH HƯỚNG

Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa tổ chức Hội thảo Đánh giá giống lúa vụ hè thu 2016 và giới thiệu đến ngành nông nghiệp các tỉnh, thành trong vùng về các giống lúa triển vọng có thể đưa vào sản xuất. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học Viện Lúa lắng nghe ý kiến phản hồi từ các địa phương, đơn vị làm công tác giống và doanh nghiệp để chọn ra những giống lúa phù hợp, đáp ứng yêu cầu sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới.

* Nhiều giống lúa triển vọng

 Các đại biểu tham gia đánh giá phẩm chất cơm của một số giống lúa mới tại Hội thảo Đánh giá giống lúa vụ hè thu 2016.

Quá trình chọn tạo giống lúa mới trải qua nhiều công đoạn, như: lai tạo, chọn dòng thuần, so sánh sơ khởi, đánh giá hậu kỳ và khảo nghiệm tính thích nghi ở các vùng sinh thái. Từ đó sẽ chọn ra các giống có đặc tính vượt trội, so với các giống trước để đưa vào bộ giống triển vọng. Hằng năm, các giống lúa triển vọng này được nhân, trình diễn và tổ chức hội thảo đánh giá với mục tiêu là giới thiệu những giống lúa mới triển vọng ngắn ngày, năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, chống chịu sâu bệnh, phèn, mặn... đến các địa phương trong vùng. Đây cũng là cơ sở để công nhận giống cây trồng mới, đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa của cả nước.

Đợt đánh giá giống lúa vụ hè thu 2016, Viện Lúa ĐBSCL giới thiệu bộ giống triển vọng gồm 14 giống lúa, bộ khảo nghiệm sinh thái gồm 7 giống lúa. Qua đánh giá, các đại biểu đã chọn ra 5 giống triển vọng là OM 344, OM 388, OM 373, OM 359, OM 375. Trong đó, giống OM 344 được bình chọn giống lúa triển vọng nhất vụ hè thu và đạt 87,6%/tổng số phiếu bầu chọn. Đây là giống lúa thích hợp cho cả vụ đông xuân và hè thu ở ĐBSCL với năng suất vụ hè thu đạt 5-6 tấn/ha; vụ đông xuân đạt từ 6,4-7,5 tấn/ha. Một điểm mới trong đánh giá lần này là Viện Lúa tổ chức đánh giá phẩm chất cơm của các giống lúa về mùi, độ mềm, độ dính, độ trắng, độ bóng, vị ngon. Kết quả, giống OM nếp 406 dẫn đầu danh sách bình chọn với tỷ lệ 85,4%. Giống này có năng suất bình quân từ 5-8 tấn/ha. Gạo thon dài, cơm dẻo và có mùi thơm nhẹ. Theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, thông lệ hàng năm, Viện Lúa chỉ tổ chức hội thảo đánh giá giống lúa ở vụ đông xuân. Tuy nhiên, do đặc tính sản xuất của vụ hè thu tương đối khác so với vụ đông xuân về điều kiện thời tiết, cơ cấu giống nên Viện Lúa quyết định đổi mới tổ chức đánh giá giống lúa ở vụ hè thu để kịp thời giới thiệu những giống lúa triển vọng cho vụ hè thu đến các địa phương. Đồng thời đưa ra khuyến cáo sản xuất cho vụ lúa thu đông và vụ đông xuân năm tiếp theo để các địa phương chủ động công tác giống và kỹ thuật sản xuất.

* Cần định hướng từ thị trường

Các giống lúa triển vọng được giới thiệu phải có những ưu điểm vượt trội hơn và thích nghi với các điều kiện bất lợi của thời tiết cũng như đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa hàng hóa. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Trại lúa giống Khánh Lâm I, tỉnh Cà Mau, thời gian qua, số lượng các giống lúa đưa vào sản xuất trên địa bàn tỉnh rất ít và đáp ứng đúng chiều hướng sản xuất lúa hàng hóa. Nông dân chỉ tập trung trồng những giống lúa được hàng xáo thu mua nhiều. Trong đó, diện tích gieo sạ giống lúa OM 5451 của Viện Lúa chiếm đến 70% diện tích sản xuất lúa của tỉnh nhờ phù hợp với điều kiện canh tác và được thị trường chấp nhận. Trong các giống triển vọng được Viện Lúa giới thiệu trong vụ hè thu này, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm đến các giống lúa có khả năng chống chịu hạn mặn từ 3-4‰ để phục vụ cho vùng sản xuất lúa - tôm của tỉnh nhà và mong muốn được tiếp cận chuyển giao các giống lúa này từ Viện Lúa.

Bên cạnh các Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, Hội thảo đánh giá giống lúa vụ hè thu 2016 còn có sự tham gia của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo. Đây là thành phần đóng vai trò quan trọng, định hướng thị trường và giải quyết đầu ra cho chuỗi ngành hàng lúa gạo. Ông Dương Quốc Toàn, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu (TP Cần Thơ), chia sẻ: Để được thị trường chấp nhận, các giống lúa mới đưa vào sản xuất phải đảm bảo các đặc tính nông học, có chất lượng gạo phù hợp với tiêu chuẩn xuất khẩu và phù hợp với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp khi chào hàng xuất khẩu. Do đó, các giống lúa mới đưa vào sản xuất, phục vụ xuất khẩu cũng cần có thời gian thăm dò thị trường. Bản thân nông dân thường quen sử dụng các giống lúa cũ nên khi sản xuất các giống lúa mới cũng cần thời gian dài trồng thử nghiệm để có kỹ thuật canh tác phù hợp. Về phía doanh nghiệp, khi chào hàng xuất khẩu các giống lúa mới nhằm mục tiêu đa dạng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu cũng cần thời gian dài mới bán được ra thị trường.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết: Một giống lúa đạt yêu cầu xuất khẩu phải đảm bảo được 2 yếu tố: được thị trường chấp nhận và phù hợp với điều kiện canh tác trong nước. Do đó, cần xem xét lại thực trạng cơ cấu các giống lúa xuất khẩu để có định hướng tốt hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2016, tỷ trọng gạo thơm xuất khẩu chiếm đến 31% với 2 giống chủ lực là Jasmine 85 và Nàng Hoa. Tuy nhiên, giống Jasmine 85 hiện có nhiều dòng khác nhau cho ra chất lượng không đồng nhất nên cần phải nghiên cứu, chọn tạo lại giống Jasmine thuần chủng. Các giống OM 5451 và OM 6976 là dòng sản phẩm gạo trắng hạt dài cao cấp nhưng có nhược điểm là dễ bị thoái hóa giống, cần được khắc phục. Thị trường xuất khẩu năm 2016 cũng ghi nhận sự phát triển vượt bậc của các giống nếp. Tuy nhiên, ở thị trường gạo trắng thông thường, Việt Nam lại khó cạnh tranh với Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan. Thị trường có tác dụng định hướng và dẫn dắt sản xuất. Nông dân phải sản xuất những sản phẩm mang lại giá trị cao hơn và đảm bảo được thu nhập. Trong quá trình sản xuất lúa phục vụ xuất khẩu có rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Song, điều quan trọng nhất là phải lấy thị trường làm định hướng.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết