03/10/2023 - 06:32

Lấp lánh "Những hạt bùn vạn dặm" 

"Những hạt bùn vạn dặm" (NXB Lao động, 2023) là tập tản văn của tác giả Lê Quang Trạng về miền Tây Nam Bộ. Vùng đất với những con sông chở nặng phù sa, sản vật và chan chứa tình người được tác giả khắc họa vào những trang viết đầy cảm xúc.

Lê Quang Trạng được sinh ra và lớn lên ở huyện cù lao Chợ Mới (An Giang), nên 44 tản văn trong tập sách này thấm đẫm tình đất và người vùng châu thổ Cửu Long. "Lời mở đầu" của tập sách kể rằng: có lần nhà văn Nguyễn Tuân lặn lội vào Nam, tìm đến tận mũi Cà Mau để xem nơi "đất biết sinh, rừng biết đi" như thế nào. Ðứng trước bãi đất bồi cùng vô số cây đước từng bước lấn biển, nhô ra trước con sóng vỗ triền miên bất tận, Nguyễn Tuân đã xúc động gọi nơi đây là "ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm"… Còn với tác giả, sau 10 năm quay trở lại Ðất Mũi, trong anh vẫn vẹn nguyên cảm xúc của ngày 20 tuổi. Cảnh vật, nhà cửa, phố xá đã khang trang hơn xưa, nhưng con người nơi đây vẫn vậy: vẫn chân chất, phóng khoáng và đặc biệt là "lòng người không bao giờ đóng cửa"… Ðó chính là nét đẹp của đất và người không chỉ ở Cà Mau mà còn là điểm chung của các tỉnh miền Tây sông nước, nơi những hạt bùn dẫu có trôi vạn dặm vẫn sáng lấp lánh trong ký ức, trong tâm hồn của cư dân miền Tây.

Bởi nơi đây luôn có những đặc trưng riêng về cuộc sống, về văn hóa. Ðó là những mùa nước nổi ngập trắng đồng suốt nhiều tháng liền, nhưng cũng mang đến cho con người nơi đây cuộc sống sung túc với bao la tôm cá, sản vật. Nơi "con cá làm ra con mắm" với những loại mắm thơm ngon, nổi tiếng khắp các tỉnh, thành; nơi những cánh đồng rộng lớn sau mùa gặt là chốn mưu sinh cho những hộ dân làm nghề vịt chạy đồng. Hay những hàng ba, chòi lá ven sông được người dân để sẵn lu nước, cái ghế, chiếc võng cho người đi đường nghỉ chân. Là những chiếc ghe hàng xuôi dọc, len lỏi các kinh rạch, mang tất tần tật những thứ cần thiết để bán cho bà con ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Có lúc là giây phút lắng đọng khi nhắc về xóm Bà Cậu, nơi những người dân sống lênh đênh trên những chiếc ghe nhỏ với nghề lặn sông… 

Nỗi nhớ, niềm thương là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm, kết nối những câu chuyện một cách liền mạch. Bởi làm sao quên được những dề lục bình xuôi ngược trên sông nước; những chiếc vó của bà con được cất dọc con rạch trước nhà; những "mùa cá ra sông" giúp bao nhiêu gia đình ăn nên làm ra trên xứ sở đồng nước mênh mông; những bánh trái, giỗ quải rất đặc trưng… Cứ thế, ký ức của tác giả và người dân miền Tây được trải dài, mời gọi mọi người cùng ôn lại chuyện xưa, nói chuyện nay, tìm hiểu về Tết trâu, về cúng việc lề, về lễ Tống ôn hay món kiểm thân thương… Ðặc biệt, có những điều khắc sâu vào trong tâm khảm, trong nhớ thương của người dân sông nước dẫu có rời xa quê hương. Ðiển hình như ông nội của chàng trai từ Cà Mau lên TP Hồ Chí Minh sống với con cháu, khi gần đất xa trời thèm ăn món chè làm từ trái mắm. Chàng trai về quê tìm mua chè mắm cho ông nhưng không tìm được người bán. Lúc định bỏ cuộc, anh chợt nhớ ông cụ đi cùng chuyến xe với mình và tìm đến nhà ông. Ðể sau đó, anh được thưởng thức món chè mắm công phu do ông cụ nấu và mang về cho ông của mình. Chén chè ấy không chỉ đậm vị ngọt của quê hương mà còn đậm đà tình người (bài "Cây mắm quê hương").

Khép trang sách, độc giả nhận ra: những hạt bùn ở vùng châu thổ Cửu Long không chỉ đi xa vạn dặm để bồi đắp nên miền đất phù sa trù phú mà còn lưu mãi trong đời sống của người dân nơi đây, trong những trang viết lấp lánh của Lê Quang Trạng.

CÁT ÐẰNG

Chia sẻ bài viết