03/01/2011 - 08:46

Ngày 1-1-2011, Nghị định 109/2010/NĐ-CP có hiệu lực

Lập lại trật tự kinh doanh xuất khẩu gạo

* GIA BẢO - THÀNH NGUYỄN

Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 4-11-2010 về kinh doanh xuất khẩu thóc, gạo (gọi chung là gạo) quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, một cơ sở xay xát công suất 10 tấn lúa/giờ và có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Bộ Công thương cấp… Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 109 sẽ lập lại trật tự kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam, nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo.

Sàng lọc doanh nghiệp?

 Thương lái ở Đồng Tháp tổ chức mua lúa ướt và thuê sân phơi tại chỗ. Ảnh: T.N.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, nói: “Một doanh nghiệp (DN) không có kho tàng, vùng nguyên liệu sẽ khó khăn trong đàm phán hợp đồng với đối tác, không chủ động giá bán. Bởi khi ký được hợp đồng, DN mới tiến hành thu gom gạo của hàng xáo, nông dân. Nghị định 109 buộc DN phải đầu tư kho tàng, xay xát. Từ đó sàng lọc DN là điều cần thiết, bởi cả nước hiện có trên 200 đầu mối xuất khẩu gạo, cần phải lọc lại để tránh tình trạng cạnh tranh lẫn nhau”. Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, gạo Việt Nam xuất khẩu đứng tốp đầu thế giới, nhưng chưa có thương hiệu, chỉ có gạo 5% tấm, 10% tấm, 25% tấm... Việc tranh mua - tranh bán của một số DN xuất khẩu gạo thời gian qua đã làm yếu thế cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường. Thái Lan làm tốt công tác thị trường, dự báo tốt và có kho tàng trữ lúa, nên giá trị xuất khẩu luôn cao. Còn Việt Nam xuất khẩu năm sau đã ký hợp đồng từ năm trước, DN không định được giá bán trên thị trường, trong khi ta đủ tiềm lực làm điều này.

Theo các chuyên gia, Nghị định 109 sẽ lập lại trật tự trong kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam. Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN nội địa trước áp lực cạnh tranh khi mở cửa thị trường kinh doanh lúa gạo cho thương nhân nước ngoài vào đầu năm 2011. Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của phần lớn các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, chiếm tỷ trọng khá cao trong kim ngạch. Thống kê của ngành công thương các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, năm 2010, lượng gạo xay xát và lau bóng toàn vùng đạt trên 13,8 triệu tấn (năm 2005 hơn 12 triệu tấn), tốc độ tăng bình quân chỉ 2,86%/năm. Do đa phần DN kinh doanh ngành hàng này quy mô nhỏ, hầu hết các DN có kho tàng đều trữ gạo chứ không trữ lúa. Các chuyên gia cho rằng, muốn nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo, các DN phải trữ lúa mới bảo quản lâu.

Ông Trần Phước Thuấn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ, cho biết: “Nghị định 109 có hiệu lực là điều rất cần thiết cho ngành lúa gạo hiện nay. Quá nhiều đầu mối dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh của một số DN. Do vậy, Nghị định 109 sẽ tổ chức lại giúp DN làm ăn bài bản, xây dựng thương hiệu”. Theo ông Thuấn, làm gạo phải vựa lúa, chứ không thể vựa gạo, vậy mới đủ khả năng đàm phán hợp đồng, định giá bán tùy từng thời điểm trên thị trường. DN đầu tư kho để nông dân gửi lúa vào, nông dân cũng an tâm sản xuất, không lo đầu ra, hạt gạo sẽ vận hành thông suốt hơn. Hiện nay, giá gạo Việt Nam rẻ, nên không chịu áp lực cạnh tranh, hay bị áp thuế chống bán phá giá như mặt hàng tôm, cá tra... Lẽ đó, cần đầu tư bài bản, xây dựng thương hiệu hạt gạo để không bị áp lực khi vấp phải rào cản thương mại ở các nước nhập khẩu, khi ngành sản xuất của họ lớn mạnh.

Chưa ràng buộc trách nhiệm DN với nông dân

Ông Trương Văn Bảy, Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Mỹ Thành, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Nếu DN thực hiện đúng tinh thần Nghị định 109 thì đầu ra hạt lúa ổn định, nông dân sẽ an tâm sản xuất và áp dụng kỹ thuật nâng cao chất lượng hạt gạo, xây dựng thương hiệu. Tôi nghĩ tới đây, địa phương nào không xây dựng được vùng nguyên liệu, gắn với xây dựng thương hiệu cho hạt gạo thì khó mà xuất khẩu”. Theo ông Bảy, HTX Mỹ Thành vừa được tái chứng nhận lần 2 Global GAP do Công ty TNHH ADC hỗ trợ 50% kinh phí cho vùng sản xuất 96,5ha làm giống OM 6162 (gạo tứ quý). Trong năm 2011, HTX dự kiến mở rộng thêm 100- 200ha nữa, đến giữa năm 2011 sẽ làm thủ tục xin tái chứng nhận lần 3 và HTX chịu kinh phí hoàn toàn, nhưng không đáng ngại. Bởi mô hình đã mang lại lợi ích thiết thực, nên xã viên rất sẵn lòng. Song, mô hình tồn tại bền vững hay không thì phụ thuộc rất lớn vào DN. Đầu ra ổn định, DN bao tiêu cho nông dân, sự liên kết chặt chẽ mới phát triển hạt gạo bền vững.

Ông Trần Phước Thuấn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ, cho rằng, thực hiện Nghị định 109, nhiều DN vừa và nhỏ sẽ khó, do khả năng tài chính hạn chế, đầu tư xây dựng kho chứa lúa thời gian thu hồi vốn chậm, trong khi việc tiếp cận vốn ngân hàng rất nhiêu khê. Ngoài ra, nếu hàng loạt DN cùng đầu tư kho trong lúc này thì giá đất sẽ tăng vọt, giá thiết bị cũng tăng, có thể xảy ra cuộc cạnh tranh giữa DN lớn và DN nhỏ. Do vậy, các DN lớn cần tập hợp hàng xáo, DN nhỏ lại để cung ứng lúa gạo cho DN. Chị Nguyễn Thị Thu, hàng xáo thu mua lúa gạo vùng Kiên Giang, An Giang, cho biết: “Từ trước đến nay, hàng xáo chỉ thu gom lúa trong dân để cung ứng cho DN, nhà máy chứ không đầu tư kho. Nếu quy định có điều kiện này thì hàng xáo có thể liên kết với DN xuất khẩu. Tôi nghĩ rằng, với đặc thù mua bán lúa gạo vùng ĐBSCL, Nhà nước cần hỗ trợ cho vay vốn để DN đầu tư kho, còn hàng xáo chỉ đóng vai trò trung gian giữa DN và nông dân, bởi vốn của hàng xáo chỉ đủ đầu tư phương tiện, tổ chức thu mua. Nếu buộc phải đầu tư kho chứa lúa thì toàn vùng ĐBSCL chỉ có vài hàng xáo đủ điều kiện này. Chúng tôi có thể ghi chép nguồn gốc lúa thu mua và phân loại lúa theo yêu cầu của DN nếu có yêu cầu”...

Nghị định 109 chỉ tập trung giải quyết khâu kinh doanh xuất khẩu gạo, mà chưa đề cập đến khâu sản xuất, bao tiêu sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu và quyền lợi của người nông dân cũng chưa rõ. Theo lãnh đạo một DN xuất khẩu gạo tại TP Cần Thơ thừa nhận: “Các DN xuất khẩu gạo hiện nay lấy ngọn chứ không làm từ gốc”, việc đầu tư vùng nguyên liệu chưa được quan tâm. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, một DN không có kho tàng sẽ đối phó Nghị định bằng cách liên kết với thương lái (có kho chứa lúa) để hợp thức hóa kho tàng thuộc sở hữu của DN. Nghị định 109 quy định DN phải thông báo giá thu mua lúa cho địa phương, phải dự trữ lưu kho 10% lượng gạo đã xuất khẩu 6 tháng trước đó là điều phi thực tế, bởi giá cả phải theo quy luật cung - cầu thị trường, còn dự trữ đã có Cục Dự trữ quốc gia lo, DN cần vốn quay vòng, nên để họ tự chủ. Ngành lúa gạo phát triển bền vững phải dựa trên liên kết “4 nhà”, các DN phải đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu giống lúa đang có giá trên thị trường để đưa nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đi một vòng khép kín như vậy vừa tăng khả năng cạnh tranh của DN trên thị trường, vừa hài hòa lợi ích các bên.

GIA BẢO- THÀNH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết