02/05/2011 - 14:30

Lắng nghe "Tiếng quê"

Ảnh: sotfvnn.com

Nhân dịp kỷ niệm 36 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nhạc sĩ quân đội Nguyễn Tiến vừa ra mắt album “Tiếng quê”. Album do Công ty cổ phần nghe nhìn Thăng Long sản xuất và phát hành. Dù tác giả là người lính, nhưng các bài hát không nói về đạn bom, chiến tranh hay mất mát, đau thương mà ca ngợi vẻ đẹp yên ả, đằm sâu của quê hương, đất nước trong cảnh thanh bình.

Nhạc sĩ, Đại tá, NSƯT Nguyễn Tiến còn có biệt danh “Tiến Bầu” vì ông có ngón đàn bầu sâu lắng, thiết tha, được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Nguyễn Tiến còn được người yêu nhạc biết đến qua các ca khúc như: “Hoa cau vườn trầu”, “Chuyện tình lá diêu bông”, “Hoa cỏ may”... Năm 2009, nhạc sĩ Nguyễn Tiến đã giành giải Nhất giải thưởng Âm nhạc thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam với bài hợp xướng “Dời đô ngàn năm vang mãi”.

Các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Tiến đều mang âm hưởng của dân ca ba miền, giai điệu ngọt ngào, đằm thắm. Ngay cả ca từ trong các bài hát cũng mang cách nói trong ca dao, dân ca hay phương ngữ nên tạo cho người nghe cảm giác gần gũi, thân quen. Nguyễn Tiến đã mang vào nhạc hình ảnh đồng quê mà ai nghe cũng như thấy quê hương mình trong đó.

13 ca khúc trong album như: “Hoa cau vườn trầu”, “Nhịp cầu duyên quê”, “Tìm em câu hát dân ca”, “Quê ngoại”, “Tiến quê”, “Hoa nắng”... đều êm đềm, trầm mặc tựa như dòng sông quê nhẹ trôi, như sóng lúa rì rào...

Điểm góp phần làm nên thành công cho album phải kể đến những giọng hát hàng đầu của Việt Nam hiện nay như: NSND Thu Hiền, Trọng Tấn, Anh Thơ, Hương Mơ, Vân Khánh... thể hiện đầy cảm xúc.

Album “Tiếng quê” cảm nhận sâu sắc về hạnh phúc thời bình: “Tiếng ai gọi đò khuya trong không gian lặng sâu. Con đò lẻ bạn nằm chờ bến quê. Như tiếng chim kêu gọi bạn, khi gió khuya giao mùa” (“Tiếng quê”). Hai bờ kênh quê đã nối được nhịp cầu: “Cây cầu nối hai bờ sông, đẹp như một sợi tơ hồng. Trai làng từng tốp thôn Đông chiều chiều lại cứ kéo sang bên thôn Đoài. Làng bên sông ở bên thôn Đoài đẹp lúa đẹp khoai. Tay em dệt lụa lại tài thêu ren. Cứ để người thương... ơi... thương nhớ nhớ...” (“Nhịp cầu duyên quê”).

Lắng nghe “Tiếng quê” để thêm yêu đất nước, lắng đọng sự thủy chung: “Người ơi, câu hát trao duyên... rồi... Quan họ về. Em trao yếm đào anh nhận để làm tin. Em trao nón ba tằm mặc trời mưa ướt áo. Là người ơi, câu hát thương nhau. Người ơi xin đừng về” (“Nhớ đêm giã bạn”).

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết