 |
Một phụ nữ Chăm đang thực hiện công đoạn thêu rua. |
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, làng nghề thêu rua của đồng bào dân tộc Chăm ở xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân (An Giang) bắt đầu ổn định. Những người thợ thêu ở đây đã làm ra các sản phẩm hết sức đặc trưng, không những thu hút thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước Campuchia, Malaysia... Theo thời gian, đến nay nghề thêu rua của đồng bào dân tộc Chăm xã Phú Hiệp ngày càng chiếm được ưu thế cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Ông Haji Châu Ka Đưa, một vị cao niên trong làng nghề thêu rua của đồng bào dân tộc Chăm ở xã Phú Hiệp, cho biết: Nghề thêu rua của đồng bào Chăm ra đời sau nghề dệt vải khoảng 40 năm. Năm 1900, nghề dệt vải lụa tơ tằm bằng thủ công của đồng bào Chăm ra đời, sản phẩm được nhiều người biết đến. Nhưng về sau thị trường lại đi xuống, do dây chuyền công nghệ dệt vải bằng máy ngày càng phát triển. Cũng từ đó, một số chị em phụ nữ Chăm chuyển sang nghề thêu rua và chủ yếu là thêu thủ công (thêu tay) như thêu khăn choàng cổ, thêu áo gối trong mùa lễ hội hoặc cưới hỏi. Lúc đầu, chỉ sản xuất tự cung cầu trong xóm, nhưng từ năm 1990 trở đi, do nhu cầu sử dụng các sản phẩm này trên thị trường ngày càng cao, nghề thêu rua lại rất phù hợp với tay nghề của các cô gái Chăm và đem lại thu nhập khá nên số hộ làm nghề này tăng nhanh. Ban đầu chỉ từ vài hộ, về sau đã nhân lên hàng chục và đến nay đã có trên 150 hộ làm nghề thêu rua, giải quyết việc làm cho hơn 200 phụ nữ Chăm trên địa bàn.
Trong mỗi gia đình đồng bào Chăm ở đây có đến 2, 3 phụ nữ biết thêu rua. Nghề thêu rua của chị em có thể xem là nghề truyền thống mang lại thu nhập chính trong gia đình. Mẫu mã thêu cũng rất phong phú và đa dạng, tùy vào yêu cầu và sở thích của nhiều người đặt hàng mà các nghệ nhân nơi đây đáp ứng. Không dừng lại ở đó, chị em còn mạnh dạn sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng được thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng theo mùa vụ. Những sản phẩm đặc thù như thêu khăn tay, khăn đội đầu đi lễ hội, đám tiệc, áo gối..., đặc biệt là bộ đồ cúng trong những dịp lễ hội truyền thống của người Chăm, được bán sang các tỉnh trong nước như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long...và các nước lân cận.
Thêu rua là những nét văn hoa rất cầu kỳ trên các loại vải catê siêu, xà ru, vải so...với nhiều gam màu óng ánh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Chăm. Các loại vải được mua từ TP Hồ Chí Minh, có khi đặt hàng từ Malaysia đem về, vì loại này có độ bóng mượt hơn so với các loại vải thông thường khác. Nếu thêu máy cho một bộ đồ cúng, các phụ nữ Chăm chỉ thêu xong trong ngày, mỗi bộ trị giá 150.000 đồng, trừ chi phí còn lời khoảng 30.000 - 40.000 đồng/ngày. Hàng thêu tay, phải mất gấp đôi thời gian so với thêu máy, nhưng nhờ mặt hàng này được nhiều người ưa chuộng, nên thêu tay một bộ đồ cúng hay chiếc khăn trừ chi phí còn lời trên 25.000 đồng/ngày.
Ông Mou Ha Mad Ka Riêm, một người dân ở xã Phú Hiệp, vui vẻ nói: “Gia đình tui có 3 đứa con gái đều làm nghề thêu hơn chục năm rồi. Ban đầu chỉ thêu tay nhưng quá cực, có lúc hàng bán chạy phải thức trắng đêm thêu luôn để kịp giao cho người ta. Thời gian sau, nhu cầu của người dân ngày càng nhiều nên tui mua 3 dàn máy thêu cho con nó đỡ cực. Mỗi ngày, gia đình tui lãnh thêu cho người ta 3 bộ đồ cúng, bỏ các khoản chi phí còn lời được hơn 100 ngàn. Các con tui một phần ít học, cộng với cái nghèo nhưng nhờ có cái nghề này mà cuộc sống gia đình tui tạm ổn định và khỏe hơn đi làm mướn, làm thuê rất nhiều”.
Nghề thêu rua đòi hỏi người thợ phải thật sự công phu, khéo léo vì trên vải có vẽ sẵn những hoa văn, đường cong uốn lượn. Đôi khi chỉ cần lệch một canh chỉ theo quy định mẫu mã của khách hàng, sản phẩm bị trả về thì sửa lại cực vô cùng. Thế nhưng, với bàn tay chăm chỉ, khéo léo của mình, cuộc sống của một số gia đình đồng bào Chăm ăn nên làm ra cũng nhờ vào nghề thêu rua truyền thống này. Chị To Hi Rol rất tâm đắc với nghề này, chị cho biết nhờ có nghề này nên gia đình chị mới sắm đầy đủ tiện nghi, lo cho các con ăn học như người ta. Chị nói: “Tuy rất cực nhưng thu nhập cũng khả quan, dễ làm lắm, chịu khó một chút là được. Mình không có vốn thì chủ các cơ sở thêu trong xóm đem đồ đến thuê, thu nhập thấp hơn một chút cũng không sao”.
Ông Đo Ro Mang, Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Phú Hiệp, cho biết: “Toàn xã có hơn 150 hộ làm nghề thêu rua, trong đó có 50 hộ thêu rua thủ công truyền thống và 100 hộ thêu rua bằng máy. Thu nhập bình quân của mỗi người thợ thêu ở đây cũng gần 1 triệu đồng/tháng. Hướng tới, những hộ khó khăn sẽ được hỗ trợ vốn sản xuất, đồng thời, tỉnh đang kêu gọi các cơ sở trong nước đầu tư, quảng bá du lịch, đẩy mạnh xuất khẩu hàng thêu rua của đồng bào Chăm sang các nước ASEAN”.
HOÀNG DI