29/01/2011 - 09:11

Làng nghề Tết được mùa

Hơn 2 tháng nay, các làng nghề truyền thống, sản xuất sản phẩm phục vụ Tết thật rộn rịp, tất bật. Năm nay, sản phẩm của dân làng nghề làm ra theo đơn đặt hàng nhiều hơn. Đây là một tín hiệu vui, dự báo bà con sẽ đón một mùa xuân mới thật sung túc và đầm ấm, góp phần tạo nên diện mạo mới ở vùng quê vốn trước đây còn nhiều khó khăn…

Đặc sản dân dã

 Chú Đoàn Hữu Bốn đang chăm sóc những luống hoa vạn thọ tươi tốt.  

Gần 30 năm gắn bó với nghề bán bánh tét, vợ chồng cô Huỳnh Thị Đẹp, chú Nguyễn Văn Bền (cô Tư Đẹp, ngụ khu vực 1, phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đã mang hương vị ngày Tết cổ truyền đến với nhiều gia đình ở TP Cần Thơ, các tỉnh lân cận và cả những người con xa xứ. Cũng được làm bằng gạo nếp, dừa, muối, đường, đậu và chuối hay thịt mỡ, nhưng sản phẩm do cô Tư Đẹp làm ra lại mang một hương vị rất riêng, đậm chất dân dã, mộc mạc của cư dân Nam Bộ...

Từ lúc mới chân ướt, chân ráo về nhà chồng, cô Tư Đẹp được cha mẹ chồng truyền nghề gói bánh tét. Hằng ngày, cô ngồi bán bánh ở góc đường Hai Bà Trưng, thuộc phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Bánh tét của cô có đủ loại: nhưn thập cẩm, nhưn chuối, nhưn đậu mỡ và đậu ngọt, giá bán 20.000 đồng/đòn loại thường và 40.000 đồng/đòn loại đặc biệt... Cứ vào khoảng 20 tháng Chạp, chị Nguyễn Thị Nga, công chức làm việc tại quận Ninh Kiều, tìm đến cô Tư Đẹp đặt bánh, làm quà mang về quê cúng ông bà và biếu bà con họ hàng. Chị Nga nhận xét: “Bánh tét của cô Tư Đẹp gói nhìn bề ngoài trông đẹp mắt, chất lượng bên trong thì không chê vào đâu được. Ba mẹ chồng tôi rất ưa chuộng loại bánh tét này”. Tết đến, mọi người tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thì cũng là lúc vợ chồng cô Tư Đẹp tất bật gói bánh. Năm nay, lượng khách hàng tăng, đặt bánh nhiều hơn năm rồi, mỗi ngày cô chú phải gói khoảng 400-500 đòn bánh tét. Gần 30 năm gắn bó với nghề, đến nay, đời sống của gia đình cô chú dần được cải thiện. Cô Tư Đẹp bộc bạch: “Niềm hạnh phúc nhất của vợ chồng tôi là hai đứa con là Nguyễn Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Ngọc Đức học hành đến nơi đến chốn, có việc làm, thu nhập ổn định”...

Bên cạnh bánh tét, bánh tráng là món ăn bình dân và không thể thiếu trong những ngày Tết. Từ cầu Thơm Rơm, men theo con lộ bê tông chạy dọc kinh Thơm Rơm khoảng 20 phút là đến làng nghề bánh tráng, thuộc phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Dọc đường, cứ cách năm, mười căn nhà là có một hộ sống bằng nghề làm bánh tráng. Hơn 2 tháng nay, làng nghề ở đây nhộn nhịp hẳn. Tờ mờ sáng, các chủ lò bánh đã thổi lửa, bắt đầu tráng bánh để kịp giao hàng cho thương lái.

Chị Thái Thị Lệ Hồng, 50 tuổi, ngụ khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng, là một trong những người lâu năm trong nghề, chuyên làm bánh tráng mặn, được thương lái tìm đến tận nhà thu mua sản phẩm. Gần nửa đời gắn bó với nghề làm bánh tráng, giờ đây, cuộc sống của vợ chồng chị khấm khá. Chị Hồng cho biết: “Hồi trước, vợ chồng tôi nghèo lắm, nhà không ruộng đất. Rất may, chúng tôi được ba mẹ truyền cho nghề tráng bánh. Công việc tuy không nặng nhọc nhưng đòi hỏi phải cần mẫn, khéo tay. Nhà tôi có 2 lò tráng bánh, ngày thường, chúng tôi làm khoảng 50kg gạo; dịp lễ Tết, số lượng tăng lên gấp đôi nhưng vẫn không đủ bánh giao cho bạn hàng. Trừ đi chi phí, tôi kiếm lời khoảng 100.000 đồng/ngày, dịp lễ Tết tăng hơn. Tuy tiền lời không nhiều, nhưng thu nhập thường xuyên, quanh năm...”. Hiện nay, 2 người con của chị Hồng là Nguyễn Thái Vũ và Nguyễn Thị Bé Thùy cũng nối nghiệp cha mẹ.

Mỗi lò tráng bánh cần từ 4 đến 5 lao động: 1 thợ chính, 1 thợ phụ, 3 người phơi, gỡ và xếp bánh, vô bọc. Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng đã góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi ở địa phương, giúp nhiều người có công ăn việc làm ổn định. Chị Nguyễn Thị Trúc Ly, ở khu vực Tân An, cho biết: “Trước đây, tôi học đến lớp 11, gia cảnh khó khăn, đành nghỉ học, đi phụ tráng bánh cho một gia đình trong xóm. Ban đầu, tôi được trả công 60.000 đồng/ngày; nay thì được 70.000 đồng/ngày. Năm nay, gia đình tôi đón Tết cũng khá tươm tất”... Ông Nguyễn Thanh Hưởng, Chủ tịch UBND phường Thuận Hưng, cho biết: “Trên địa bàn có 104 hộ dân sống bằng nghề tráng bánh, tập trung ở 3 khu vực Tân Phú, Tân An và Tân Thạnh. Đầu ra của sản phẩm khá ổn định, thương lái tìm đến tận nơi để thu mua, rồi mang đi tiêu thụ ở các tỉnh lân cận như: An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau... Đời sống của dân làng nghề dần khá giả. Sắp tới, chúng tôi sẽ kết hợp các ngành chức năng ở quận và thành phố để tìm giải pháp hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho bà con, từng bước xây dựng thương hiệu bánh tráng Thuận Hưng, để có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho làng nghề phát triển bền vững”...

Khấm khá nhờ trồng hoa kiểng

 Bánh tét, hương vị Tết cổ truyền của người dân Nam bộ. Ảnh: N.D

Đời sống vật chất của người dân ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng hoa kiểng để trưng bày, trang trí nhà cửa trong những ngày Tết càng cao. Đi từ quốc lộ 91B, qua cầu Bà Bộ khoảng 50m, vào rạch Bà Bộ, thuộc phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, là đến Hợp tác xã Hoa kiểng Bình An. Những ngày giáp Tết, chú Đoàn Hữu Bốn tất bật tưới nước, chăm sóc các chậu hoa vạn thọ vừa hé nụ, vàng ươm để giao cho thương lái.

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Tiền Giang, quanh năm chú Bốn sống bằng nghề ruộng vườn. Năm 1985, chú cưới cô Đỗ Thị Hoa, ở xã Long Hòa, TP Cần Thơ (cũ), nay thuộc phường Long Hòa, quận Bình Thủy, rồi về sinh sống ở quê vợ và lập nghiệp bằng nghề trồng hoa kiểng. Chú Bốn nói: “Khi đó, ba mẹ vợ cho vợ chồng tôi được 3 công rưỡi đất. Chịu khó học hỏi, vợ chồng tôi khấm khá lên với nghề trồng hoa kiểng. Thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Nhờ chi tiêu vén khéo nên giờ tôi mua thêm được 3 công đất nữa”. Với 4,5 công đất trồng hoa, Tết năm nay, chú Bốn dự tính sẽ thu về khoảng 50 triệu đồng, cao hơn năm trước 20 triệu đồng. Chú Bốn nói: “Số tiền kiếm được từ bán hoa đợt Tết này, tôi dùng sửa lại nhà; số còn lại thì sắm sửa đồ đạc, chuẩn bị cưới vợ cho con trai”. Theo ông Hồ Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hòa, Hợp tác xã Hoa kiểng Bình An được thành lập năm 2008, có 14 xã viên. Năm 2010, diện tích trồng hoa trên địa bàn (gồm các xã viên của hợp tác xã và các hộ dân) tổng cộng hơn 12ha. Các xã viên tự lo đầu ra, còn Ban Quản trị hợp tác xã Hoa kiểng Bình An tìm giống mới, giá rẻ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con. Từ đó, sản lượng và chất lượng đều nâng cao, giúp xã viên có thu nhập khá so với trước.

* * *

Các làng nghề năng động tìm hướng đi lên, phát triển để xây dựng thương hiệu. Đó là tín hiệu khởi đầu một năm mới với những thành công mới, thúc đẩy phát triển dịch vụ, thương mại và sản xuất thủ công nghiệp của thành phố Cần Thơ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

CHẤN HƯNG – PHƯƠNG DUNG

Chia sẻ bài viết