25/08/2024 - 22:34

Lan tỏa nghệ thuật truyền thống qua mạng xã hội 

Quảng bá nghệ thuật truyền thống thông qua mạng xã hội là cách làm đang được nhiều đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ thực hiện và mang lại hiệu quả tốt.

Trang YouTube “HUỲNH LONG Entertainment” đạt nút bạc, hiện có 101.000 lượt đăng ký. Trong ảnh: Video tuồng “Tứ trạng tân khoa” của tác giả Bạch Mai thu hút 46.000 lượt xem. Ảnh chụp màn hình.

Nghệ sĩ Bình Tinh, chủ đoàn Tuồng cổ Huỳnh Long (TP Hồ Chí Minh), vừa đăng tải trên trang YouTube “HUỲNH LONG Entertainment” việc kênh được nhận nút bạc khi cán mốc 100.000 lượt đăng ký. Câu chuyện này cho thấy cải lương tuồng cổ có sức hút không nhỏ trên mạng xã hội.

Trên kênh YouTube, đoàn đăng tải nhiều video tuồng mới và đạt được lượt xem rất ấn tượng. Những vở tuồng được quay chỉn chu, chuyên nghiệp không chỉ giúp quảng bá hình ảnh của đoàn mà còn giúp nghệ thuật hát bội, tuồng cổ đến gần hơn với công chúng.

Một điển hình khác là trang YouTube “Bạc Liêu Quê Mình”, thường phát trực tiếp các vở tuồng do Đoàn tuồng cổ Thái Bình biểu diễn ở các đình, miếu, chùa… Mỗi lần phát như vậy, có hàng ngàn người xem và con số ấy tăng dần theo thời gian. Những vở tuồng kinh điển như “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ”, “Nữ tướng Tiêu Anh Phụng, “Địch Nhân Kiệt đoạt trân châu kỳ”… hay nghệ thuật múa bóng rỗi, hát xây chầu đại bội… được giới thiệu nhanh chóng đến khán giả. Nhiều bình luận của khán giả chia sẻ cảm xúc khi xem tuồng cổ, được gợi lại ký ức xem hát bội cúng đình thông qua mạng xã hội.

Dùng mạng xã hội để quảng bá nghệ thuật truyền thống là cách làm được nhiều đoàn nghệ thuật từ công lập đến ngoài công lập chọn. Nhiều đoàn cải lương công lập như Nhà hát Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật hát bội (TP Hồ Chí Minh), Đoàn Cải lương Hương Tràm (tỉnh Cà Mau), Nhà hát Tây Đô (TP Cần Thơ)… đều có kênh YouTube, trang Facebook dành cho người hâm mộ (Fanpage), và thường xuyên đăng tải các video hoạt động, sản phẩm nghệ thuật. Cũng nhờ vậy mà Nhà hát Tây Đô thực hiện khá thành công chương trình định kỳ “Dạ cổ Cầm Thi”, phát trên các nền tảng mạng xã hội, thời điểm ứng phó với dịch COVID-19. Hay với việc thường xuyên cập nhật các thông tin về điểm diễn, thời gian diễn, quảng bá các vở diễn… trên Fanpage, Nhà hát Trần Hữu Trang dễ dàng chuyển tải thông tin, giới thiệu sản phẩm nghệ thuật đến khán giả.

Không chỉ là kênh tuyên truyền cho đơn vị, việc ứng dụng mạng xã hội còn tỏ rõ nhiều lợi ích. Đơn vị nghệ thuật không phải tốn nhiều công sức, thời giờ để in ấn tờ rơi, áp-phích, đi phát loa quảng bá. Thông qua mạng xã hội, hình ảnh của đơn vị lại được nhiều khán giả biết đến hơn. Việc làm này còn giúp khơi gợi tình yêu nghệ thuật trong lòng khán giả, nhất là người trẻ, vì dễ dàng tiếp cận, thưởng thức. Lại thêm, khi đạt các yêu cầu, đơn vị sẽ có doanh thu từ mạng xã hội hoặc các giao dịch, thỏa thuận quảng cáo, bán hàng… Những lợi ích này sẽ là động lực để các đơn vị nghệ thuật truyền thống an tâm làm nghề, giữ nghề và lan tỏa đến với mọi người.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết