05/02/2014 - 16:02

Làn gió mới!

THU HOÀI

Đó là câu ca truyền miệng của khách thương hồ khi nói về Phong Điền. Khí hậu ôn hòa, hệ thống sông rạch đan xen chằng chịt… tạo nên một bản sắc rất riêng cho Phong Điền. Cam mật, dâu Hạ Châu, vú sữa…. Phong Điền từ lâu đã làm nức lòng khách gần xa mỗi lần đến đây. Từ những nét đặc trưng này mà Phong Điền được mệnh danh là “lá phổi xanh” của Tây Đô. Đây cũng là cơ sở để thành phố quyết định chọn Phong Điền thí điểm xây dựng mô hình đô thị sinh thái. Dù đích đến của một đô thị sinh thái còn rất xa, nhưng những nỗ lực của lãnh đạo và người dân huyện đã tạo nên làn gió mới, đưa Phong Điền tiến về phía trước.


Gió mới

Nằm ở phía Tây Nam của TP Cần Thơ, cách trung tâm thành phố chừng 16km, nét đặc trưng của Phong Điền là chợ nổi trên sông, làng nghề truyền thống, nhiều điểm tham quan, du lịch miệt vườn- nét văn hóa độc đáo của vùng sông nước. Với diện tích tự nhiên trên 12.525ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 10.500ha (trên 5.700ha diện tích trồng cây ăn trái, gồm các loại: cây có múi, sầu riêng, xoài, vú sữa, nhãn, dâu... với tổng sản lượng thu hoạch đạt trên 58.250 tấn/năm). Những vườn cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch miệt vườn luôn “níu” chân khách du lịch xa gần mỗi lần đến Cần Thơ. Giờ đây, diện mạo đô thị của huyện thay đổi từng ngày, nhưng vẫn duy trì yếu tố làng xã, bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa của làng Việt xưa... Đây là nét đặc sắc riêng mà không quận, huyện nào của thành phố có được.

Tâm đắc về sự chuyển mình mạnh mẽ của Phong Điền, anh Phạm Minh Sáng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Mỹ Khánh (huyện Phong Điền), nói: “Thời gian qua, huyện tập trung xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông, đường sá được mở rộng, giao thương phát triển. Là doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn huyện, chúng tôi được thụ hưởng khá nhiều từ sự đầu tư của huyện. Du khách xa gần đến Khu Du lịch sinh thái Mỹ Khánh đều rất ấn tượng bởi nét hoang sơ, điền dã nơi đây. Chúng tôi cũng chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của miệt sông nước. Từ tâm huyết này, anh Sáng cho biết công ty đang phối hợp cùng chính quyền địa phương hỗ trợ nhà vườn trong huyện đầu tư phát triển mô hình du lịch homestay để giữ chân khách du lịch. Anh Sáng cho rằng, các tiêu chí đô thị sinh thái cần được xây dựng sao cho phù hợp với văn hóa, nhằm giữ gìn, phát huy những di sản kiến trúc đô thị của địa phương và người dân phải đồng tình.

Còn nhớ cách đây một năm, trong lần về Cần Thơ công tác, Tiến sĩ Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), đã chia sẻ với tôi về diện mạo mới của đô thị Cần Thơ. “Cách đây 10 năm, tôi đến Cần Thơ công tác, hạ tầng giao thông chưa phát triển như bây giờ. Cần Thơ được định hướng là đô thị sông nước và Phong Điền là huyện sở hữu dáng dấp đó” - Tiến sĩ Hòa khẳng định. Theo Tiến sĩ Hòa, đến nay, nước ta chưa xây dựng được bộ tiêu chí về đô thị sinh thái và chưa có văn bản nào của Nhà nước xác định rõ những tiêu chí cụ thể của loại đô thị sinh thái tại Việt Nam. Song, ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… có các khu đô thị mới được quy hoạch và xây dựng theo hướng tiệm cận với mô hình đô thị sinh thái. Một đô thị sinh thái cần đáp ứng các tiêu chí cơ bản như: điều kiện sống và phát triển kinh tế- xã hội; quy hoạch đô thị; sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; đa dạng sinh học trong đô thị; giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng… phải đảm bảo thân thiện với môi trường.

Phong Điền có nhiều điểm phù hợp để xây dựng một đô thị sinh thái, nhưng để có một đô thị sinh thái đúng nghĩa vẫn là trăn trở lớn của lãnh đạo địa phương. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch huyện Phong Điền, nói: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015 của huyện Phong Điền đã xác định phát triển theo định hướng “thương mại-dịch vụ-du lịch-nông nghiệp sinh thái chất lượng cao-công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp”. Xây dựng mô hình đô thị sinh thái còn quá mới mẻ đối với huyện, cả bộ máy lãnh đạo rất lúng túng trong việc triển khai và chưa xác định phải bắt đầu từ đâu”. Để có những bước đi thận trọng, cuối năm 2012, huyện tổ chức hội thảo khoa học “Phong Điền xây dựng và phát triển đô thị sinh thái từ nay đến năm 2025”, ghi nhận những hiến kế quý báu của các nhà khoa học, các chuyên gia về xây dựng đô thị sinh thái. Các chuyên gia đề nghị Phong Điền cần xem lại các đồ án quy hoạch, phân tích thế mạnh và hạn chế của địa phương; xây dựng và nghiên cứu những giải pháp về quản lý, khai thác sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý. Đặc biệt, nếp sống đô thị, chất lượng nguồn nhân lực, thị dân đô thị phải đáp ứng các tiêu chí mới và yêu cầu phát triển mới để hoàn thành sứ mệnh xây dựng đô thị sinh thái phát triển đồng bộ nhiều mặt. Theo ông Thắng, một đô thị xanh, bền vững về thời gian không chỉ sự nỗ lực của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân huyện mà cần sự trợ lực lớn từ thành phố và Trung ương. Hiện huyện đang tập trung nguồn lực, vật lực để hoàn chỉnh Kế hoạch xây dựng đô thị sinh thái với rất nhiều kỳ vọng.

Những kỳ vọng

  Hệ thống giao thông Phong Điền được đầu tư khá hoàn chỉnh, bộ mặt đô thị huyện giờ như khoác lên mình chiếc áo mới khang trang, sáng – đẹp hơn!. Ảnh: THU HOÀI 

Rõ ràng, việc xây dựng và phát triển đô thị sinh thái huyện Phong Điền có nhiều vấn đề đặt ra và cần lý giải về mặt lý luận, khoa học và thực tiễn. Đây chính là những thách thức mà huyện phải đối mặt, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Phong Điền lột xác nếu có hướng đi đúng, phù hợp. Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Trương Công Mỹ, trăn trở: “Ý tưởng xây dựng Phong Điền thành đô thị sinh thái đã có từ lâu, nhưng việc xây dựng và phát triển đô thị sinh thái không đơn giản chỉ là đầu tư xây dựng một lần, mà phải thực hiện cả một quá trình, chia thành từng giai đoạn để đảm bảo tính thích ứng và đồng bộ của đô thị sinh thái với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường, văn hóa… hiện có và nhu cầu phát triển trong tương lai”.

Dù còn nhiều ngổn ngang trong quá trình cụ thể hóa mô hình đô thị sinh thái, song lãnh đạo địa phương và người dân nơi đây luôn kỳ vọng vào một tương lai xán lạn. Bộ mặt đô thị của Phong Điền đang ngày một thay đổi qua những công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật. Khu Du lịch Mỹ Khánh, Vườn Du lịch Giáo Dương, Trung tâm Thương mại huyện... hoạt động khá sầm uất, tạo nên điểm nhấn đặc trưng về một huyện đô thị sinh thái của vùng đất Tây Đô hiền hòa, mến khách. Huyện đang tập trung sức lực để hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của xã Mỹ Khánh. Những tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Mỹ Khánh giờ đã thông thoáng, nhiều căn nhà mới mọc lên nhưng vẫn giữ được những gam màu xanh tươi, một vẻ đẹp thanh bình, mộc mạc của một vùng quê trù phú. Đây là điểm son đầu tiên để Phong Điền tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí của đô thị sinh thái.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, hồ hởi khoe: “Với 25 cây cầu giao thông được xây mới, hơn 68km đường được xây dựng nâng cấp, sửa chữa từ sự chung tay góp sức của người dân địa phương và tiếp sức của thành phố, nông thôn Phong Điền đang đổi thay từng ngày. Đây vừa là niềm tự hào của người dân địa phương vừa tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách gần xa khi đến với vùng đất cây lành trái ngọt. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi cuối năm 2013, bà con nơi đây được thỏa sức mua sắm với một trung tâm mua sắm khang trang, nhộn nhịp. Hiện Phong Điền đang dồn sức hoàn tất việc thành lập Trung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch của huyện. Đây sẽ là đơn vị tham mưu giúp lãnh đạo huyện điều hành, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phát triển du lịch sinh thái, xây dựng huyện Phong Điền sớm trở thành đô thị sinh thái trong tương lai. Chúng tôi phấn đấu thực hiện nhiệm vụ quan trọng này bằng tất cả tâm huyết”.

Ngày cuối năm, đi trên những con đường mới trong không khí rộn ràng sắc xuân, tôi thầm nghĩ: Năm nay, Phong Điền đón mùa xuân với nhiều niềm vui mới và tương lai Phong Điền sẽ là một đô thị xanh. Bác Võ Văn Phước, ngụ ở xã Mỹ Khánh vừa chăm sóc những chậu kiểng đón Tết, khoe với tôi: “Phong Điền bây giờ khác xưa nhiều lắm! Những con đường rộng mở đi đã lắm cô, trường học, nhà cửa lại khang trang, đời sống bà con ngày càng khấm khá… Vui vì quê mình đang đổi thay”. Trở lại quê hương đón Tết sau nhiều năm đi làm ăn xa, anh Phan Quốc Khánh - một người con đất Phong Điền, nói đầy phấn khởi: “Không thể tin quê mình lại thay đổi lớn như vậy. Lúc nhỏ đi học, đường sá nhỏ hẹp, lầy lội, mưa xuống hay đến mùa nước nổi phải xắn quần lội bộ mấy cây số, tới trường rất vất vả. Bây giờ, con đường lầy lội đã được bê tông, thảm nhựa rộng rãi, khang trang, đường thông thoáng, bà con làm ăn thuận lợi, đời sống phất lên thấy rõ. Tôi đang tính quay về Cần Thơ làm ăn”. Chị Thanh Trà, sinh sống ở TP Hà Nội dừng chân tại điểm du lịch sinh thái Ba Xinh (huyện Phong Điền) thưởng lãm cảnh sông nước hữu tình, thăm vườn cây ăn trái đặc sản của huyện, chị Trà tranh thủ chụp ảnh lưu niệm và miệng tấm tắc khen: “Tôi rất thích phong cảnh thiên nhiên nơi đây, Phong Điền có nét đẹp thôn quê thanh bình. Sông nước miệt vườn là nơi lý tưởng để thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi. Sự hào hiệp, mến khách của người dân Phong Điền sẽ ghi dấu ấn mãi trong tôi, nhất định tôi sẽ trở lại nơi đây khi có dịp”.

Với những nỗ lực của địa phương và người dân nơi đây, tin rằng đô thị sinh thái tương lai rồi sẽ đưa Phong Điền vươn lên tầm cao mới, sáng- xanh giữa vùng đất Tây Đô.

Chia sẻ bài viết