25/07/2010 - 20:17

Làm thế nào để nâng cao hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ?

Quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở nhằm đảm bảo cho người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trực tiếp ở cơ sở nơi cư trú và cơ quan, đơn vị công tác. Thời gian qua, tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng về mở rộng dân chủ, dân chủ trực tiếp được cụ thể hóa và đưa vào khá nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của các tổ chức chính trị - xã hội và được các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố quan tâm triển khai thực hiện.

Mới đây, Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện QCDC TP Cần Thơ đã có cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện QCDC trên địa bàn. Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên trong BCĐ cũng đã chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém và đưa ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện QCDC trên các loại hình...

* Phát huy hiệu quả...

Chính quyền và nhân dân cùng giám sát chất lượng công trình tuyến đường bờ trái sông Xáng Thốt Nốt, ấp Thạnh Hòa, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ.  

Theo đánh giá của BCĐ thực hiện QCDC thành phố, việc triển khai, thực hiện QCDC trên địa bàn thành phố thời gian qua tiếp tục có chuyển biến tích cực. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm lãnh đạo và tổ chức thực hiện, phát huy quyền làm chủ trong tổ chức đảng, chính quyền và nhân dân ngày càng được nâng lên, thấy rõ việc thực hiện QCDC là động lực, điều kiện để huy động mọi nguồn lực trong nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, thông qua tập trung chỉ đạo đại hội Đảng cấp cơ sở và cấp trên cơ sở (đảng bộ các quận, huyện và tương đương), Thành ủy luôn lưu ý các cấp ủy đảng đánh giá tình hình thực hiện QCDC ở địa phương, đơn vị mình, từ đó rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn trong nhiệm kỳ tiếp theo. Qua tổ chức đại hội Đảng các cấp, việc phát huy dân chủ trong Đảng và nhân dân đã có bước chuyển biến rõ nét. Đồng chí Lê Thanh Hài, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, cho biết: “Thông qua vai trò đại diện của mình, hệ thống dân vận, Mặt trận và các đoàn thể đã phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân trong việc lấy ý kiến đóng góp xây dựng các văn kiện đại hội Đảng các cấp. Trong công tác chuẩn bị nhân sự, các cấp ủy đảng cũng tập trung thực hiện đúng quy trình từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhân sự, tổ chức lấy ý kiến và công tác bầu cử tại đại hội cũng được thực hiện chu đáo, đảm bảo tính dân chủ, nhất là ở những nơi được chọn tổ chức thí điểm bầu trực tiếp bí thư tại các đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở”.

Theo BCĐ thực hiện QCDC thành phố, thời gian qua, UBND thành phố cũng tăng cường chỉ đạo việc thực hiện dân chủ theo Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, thường xuyên chỉ đạo các ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phải đảm bảo tính dân chủ, nhất là trong công tác quy hoạch, thực hiện các dự án; quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân; đồng thời, chỉ đạo tổ chức đoàn kiểm tra việc thực hiện các công trình, dự án, trong đó có kiểm tra việc thực hiện dân chủ trong công tác bồi hoàn, giải tỏa, tái định cư cho nhân dân. Chính quyền các cấp cũng tập trung thực hiện những nội dung công khai để dân biết, dân bàn và quyết định, nhất là khi thực hiện các công trình xây dựng mở rộng hẻm, bắc cầu, làm đường giao thông, làm đê bao, thủy lợi nội đồng... đều công khai các quy trình, thành lập Ban Giám sát công trình do dân bầu ra, công khai các khoản thu, chi để nhân dân cùng giám sát trong quá trình thực hiện... Việc thực hiện QCDC trong các cơ quan hành chính nhà nước ngày càng đi vào nề nếp, các cấp ủy và thủ trưởng cơ quan ngày càng thấy rõ trách nhiệm trong thực hiện QCDC ở cơ sở. Thông qua hội nghị cán bộ công chức, các cuộc họp cơ quan, đơn vị đã công khai trong cán bộ công chức việc sử dụng kinh phí cơ quan, công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ, tuyển dụng, nâng lương... nhờ đó đã tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Việc thực hiện QCDC theo Nghị định 71 của Chính phủ trong các doanh nghiệp nhà nước được duy trì khá tốt. Đa số doanh nghiệp tổ chức hội nghị công nhân viên chức - lao động đúng thời hạn; quyền lợi và nghĩa vụ công nhân lao động được bảo đảm thông qua trao đổi, bàn bạc thỏa ước lao động tập thể; vai trò của cấp ủy đảng, các đoàn thể được phát huy, thường xuyên giám sát việc thực hiện QCDC trong quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp...

Ban Giám đốc công an thành phố đã triển khai và tổ chức thực hiện tốt 12 QCDC trong lực lượng công an thành phố gắn với việc thực hiện cải cách hành chính; chỉ đạo công an quận Ninh Kiều và huyện Vĩnh Thạnh tổ chức diễn đàn công an lắng nghe ý kiến của nhân dân. Về tình hình thực hiện QCDC trong lực lượng vũ trang, Đại tá Huỳnh Thanh Phương, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, cho biết: “Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chỉ đạo thực hiện tốt QCDC trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ tại các quận, huyện, nhất là trong các bước bình nghị công khai ra dân, đảm bảo được công bằng trong xã hội. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện QCDC trong thực hiện các quy định về chính sách đối với người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước; giám sát việc công khai thu chi quỹ an ninh quốc phòng trong dân, đảm bảo sử dụng đúng nguyên tắc”.

* Nhiều hạn chế cần khắc phục...

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của BCĐ thực hiện QCDC thành phố, nhìn chung việc thực hiện QCDC ở các loại hình vẫn còn những mặt hạn chế, yếu kém cần khắc phục như: vai trò, trách nhiệm của BCĐ cấp cơ sở một số nơi chưa phát huy đúng mức, chưa tham mưu cho cấp ủy trong việc lãnh đạo thực hiện QCDC; BCĐ thiếu xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị trực thuộc; việc thông tin, báo cáo về tình hình thực hiện, kết quả kiểm tra, giám sát chưa kịp thời, đầy đủ. Việc thực hiện dân chủ ra dân theo Pháp lệnh 34 chưa đạt yêu cầu. Trong lĩnh vực quy hoạch và thực hiện một số công trình, dự án cũng còn biểu hiện mất dân chủ, thiếu công khai minh bạch. Một bộ phận nhân dân lợi dụng việc thực hiện dân chủ để khiếu kiện, yêu sách, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện các công trình, dự án. Đồng chí Lê Thanh Hài, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, đề nghị: “Nhà nước cần xem lại chính sách bồi hoàn, nhất là giá cả có phù hợp thực tế hay không? Bên cạnh việc đề ra các chủ trương, chính sách phù hợp, lãnh đạo các cấp cũng cần xem lại quy trình thực hiện dân chủ, nhất là những người trực tiếp thực hiện công tác bồi hoàn, giải tỏa có dân chủ, đúng theo quy định không?”. Cùng quan điểm trên, đồng chí Trần Thành Nghiệp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố, bày tỏ: Trong quá trình thực hiện quy hoạch cần quan tâm bố trí tái định cư cho dân trước khi thực hiện các công trình, dự án. Phải có chính sách an dân tốt thì mới tạo được sự đồng thuận trong dân và các công trình, dự án triển khai thực hiện nhanh hơn. Khi mở rộng các tuyến đường cần quy hoạch một lần, có đất dự trữ cho tương lai, xây dựng từ hai bên vào sẽ thuận tiện hơn so với việc thực hiện quy hoạch như hiện nay. Đây cũng là giải pháp nhằm hạn chế tình trạng người dân xây cất lấn chiếm...

Một số thành viên trong BCĐ cho rằng: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg (QĐ 80) về việc ban hành quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ), tuy nhiên vai trò của Ban GSĐTCCĐ thời gian qua vẫn còn mờ nhạt. Thực tế cho thấy, những dự án buông lỏng công tác GSĐTCCĐ cũng là những dự án có nhiều vấn đề tồn tại khiến người dân bức xúc... Theo đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP Cần Thơ, mặc dù trong QĐ 80 quy định cụ thể nội dung giám sát tất cả các dự án đầu tư, nhưng thực tế ở nhiều nơi, Ban GSĐTCCĐ chỉ tham gia giám sát các dự án đầu tư của xã, phường, thị trấn (có sự đóng góp tiền, công sức của nhân dân), còn các dự án đầu tư còn lại thì không dám giám sát, vì nhiều lý do, trong đó có lý do các chủ đầu tư, các nhà thầu không hợp tác; các ngành, các cấp liên quan cũng chưa tích cực phối hợp, tạo điều kiện cho lực lượng giám sát của cộng đồng phát huy vai trò. Đại diện UBMTTQVN TP cũng cho rằng, qua triển khai thực hiện Quyết định 03/2010/QĐ-UBND của UBND thành phố, một số nơi giảm bớt một đồng chí Phó Chủ tịch UBMTTQVN xã, phường, thị trấn cũng ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của UBMTTQVN ở cơ sở trong giám sát công tác này.

Về tình hình thực hiện QCDC trong các doanh nghiệp, một số thành viên BCĐ thực hiện QCDC thành phố cho rằng: việc triển khai thực hiện Nghị định 87/NĐ-CP của Chính phủ trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển biến còn chậm. Qua khảo sát của BCĐ thực hiện QCDC ở một số doanh nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp cho rằng chưa nắm rõ nội dung Nghị định và chưa thấy hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Tình trạng vi phạm Luật Lao động, thiếu dân chủ vẫn còn xảy ra. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 8 vụ lãn công, ngừng việc tập thể tại 5 doanh nghiệp, có khoảng 1.600 lượt công nhân lao động tham gia ngừng việc tập thể. Nguyên nhân chủ yếu là đòi tăng tiền lương, tiền thưởng và các quyền lợi khác; hầu hết các trường hợp trên đều xảy ra ở những nơi chưa tổ chức hội nghị người lao động hoặc tổ chức không đúng hướng dẫn. Theo đồng chí Nguyễn Trọng Tấn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, ở một số doanh nghiệp không có tổ chức Đảng, đoàn thể thì chủ doanh nghiệp tự quyết định. Ở một số nơi thì vai trò của các đoàn thể chưa được phát huy, thực hiện tốt chức năng đại diện cho người lao động; có tổ chức hội nghị người lao động nhưng chỉ mang tính chất đối phó, nên những nơi đó dễ xảy ra tình trạng thực hiện chưa tốt QCDC. Tại cuộc họp các thành viên BCĐ thực hiện QCDC thành phố, đồng chí Trọng Tấn đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu ban hành các văn bản tăng cường các biện pháp xử lý chế tài đối với các doanh nghiệp không thực hiện Nghị định 87, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Đánh giá việc thực hiện QCDC thời gian qua trên địa bàn, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban BCĐ thực hiện QCDC thành phố, ghi nhận việc thực hiện tốt QCDC thời gian qua ở các đơn vị, địa phương, đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng chí cũng nhắc nhở các thành viên trong BCĐ thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát để thực hiện tốt hơn nữa QCDC ở từng loại hình, trong đó, tập trung vào công tác triển khai các văn bản thực hiện QCDC, các lĩnh vực bức xúc hiện nay; nhất là thực hiện đầy đủ quy trình dân chủ trong triển khai các dự án. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện QCDC trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Khen thưởng và nhân rộng các mô hình, điển hình trong thực hiện QCDC, đồng thời xử lý các đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm trong thực hiện QCDC để xảy ra các hiện tượng tiêu cực mất dân chủ trong cơ quan, đơn vị. Mặt trận và các đoàn thể tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC và phản biện xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban Thanh tra Nhân dân, Ban GSĐTCCĐ. Đi đôi với tập trung củng cố, bổ sung nhân sự BCĐ thực hiện QCDC từ thành phố đến cơ sở đúng theo quy định, trong đó nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác này. BCĐ thực hiện QCDC các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế nhằm giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy thành phố phát triển.

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết