27/03/2018 - 07:15
Làm giàu từ mô hình thanh long ruột đỏ
 
Mấy năm gần đây, nhiều nông dân ấp Trường Khương A và ấp Trường Khương B, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/ năm, từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Hiện nay, chính quyền địa phương đang tập trung hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, mở rộng quy mô vùng trồng thanh long ruột đỏ nhằm tăng thu nhập cho người dân.
Hai năm nay, bà Nguyễn Thị Sáu, ấp Trường Khương B thu lời từ trồng thanh long ruột đỏ 300 triệu đồng/năm. Ảnh: ANH DŨNG
Thời điểm này, nông dân ấp Trường Khương A và ấp Trường Khương B đang tập trung bón phân, chăm sóc những thửa thanh long ruột đỏ. Ông Nguyễn Văn Oanh, nông dân ấp Trường Khương B, phấn khởi nói: “Hơn 2,5 công đất này trước đây là ruộng lúa. Năm 2014, tôi lên bờ trồng gần 400 gốc thanh long ruột đỏ. Từ năm 2016 đến nay, bình quân lời hơn 250 triệu đồng/năm. Năm 2016, tôi tiếp tục chuyển 3,5 công ruộng lên bờ trồng gần 600 gốc thanh long ruột đỏ, đến nay đã thu hoạch 2 lứa trái, lời 50 triệu đồng và năm 2017 chuyển thêm 4,5 công ruộng lên bờ trồng gần 700 gốc thanh long ruột đỏ, hiện nay đang ra trái chiếng”.
Trò chuyện với nhiều người dân, chúng tôi được biết, người đầu tiên đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng trên đất này chính ông Đinh Văn Son, nông dân ấp Trường Khương A, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ của xã. Theo ông Son, lúc đầu ông đưa cây về trồng 50 gốc thử nghiệm và đã thành công. Ông Son nói: “Thấy 50 gốc cho trái nhiều, chất lượng tốt, giá bán cao, năm 2014 tôi đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân (HND) xã hỗ trợ vay 40 triệu đồng để cải tạo 3 công vườn tạp, trồng 450 gốc. Năm 2016, tôi vay 300 triệu đồng từ Ngân hàng Quân đội để chuyển 11 công ruộng lên bờ trồng hơn 1.500 gốc. 3 năm nay, tùy từng thời điểm, giá bán thanh long dao động từ 19-50 ngàn đồng/ ký, riêng dịp Tết Mậu Tuất vừa qua giá 59 ngàn đồng/ ký. Năm 2017, tổng cộng tôi thu được hơn 1,3 tỉ đồng, trừ chi phí còn lời 1 tỉ đồng”.
Theo ông Nguyễn Văn Thượng, Chủ tịch HND xã Trường Xuân B, từ sự thành công của ông Đinh Văn Son, hiện nay có 13 hộ ở ấp Trường Khương A, 6 hộ ấp Trường Khương B và 4 hộ ở các ấp khác cải tạo vườn tạp, chuyển ruộng lên bờ được 25ha, trồng hơn 37.500 gốc thanh long ruột đỏ. Nhằm giúp nông dân phát triển mô hình, HND xã đã đề nghị HND thành phố và Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây; hỗ trợ những hộ khó khăn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội, vận động các hộ thành lập tổ hợp tác để giúp nhau trong chăm sóc, thu hoạch. Nhờ vậy, thanh long của nông dân trái to, đẹp, ngon, được đưa vào các siêu thị, được thương lái đến tận xã thu mua để xuất khẩu... Bà Nguyễn Thị Sáu ở ấp Trường Khương B nói: “Trước đây, gia đình tôi có 3 công vườn và 26 công ruộng chủ yếu cây tạp, ruộng trồng lúa. Năm 2015, gia đình đã đốn bỏ 3 công vườn tạp, trồng hơn 450 gốc thanh long ruột đỏ. Hai năm nay, 3 công thanh long ruột đỏ cho gia đình lời 300 triệu đồng/năm. Năm 2016, gia đình quyết định chuyển 26 công ruộng lên bờ trồng gần 4.000 gốc, hiện tại cây đã ra bông, dự kiến tháng 6 cho thu hoạch gia đình sẽ có thêm nguồn thu lớn”.
Tuy nhiên, qua trao đổi ý kiến với chúng tôi, nhiều nông dân nơi đây cho biết, bên cạnh những mặt thuận lợi, việc phát triển mô hình thanh long ruột đỏ vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Đinh Văn Son, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ xã, nói: “Thời gian 3 tháng cuối năm, cây cho thu hoạch vụ chính kết thúc. Chúng tôi cần nguồn điện bảo đảm cho xông đèn để cây ra trái nghịch mùa, bán giá cao hơn. Nhưng do nguồn điện sử dụng yếu gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã đề nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ kéo đường điện trung thế để thuận lợi hơn trong sản xuất, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”. Còn ông Nguyễn Văn Oanh, nông dân ấp Trường Khương B, cho biết, hiện nay, ông cần vay 200 triệu đồng để trồng thêm 9 công thanh long ruột đỏ, nhưng vẫn còn gặp khó khăn...
Ông Nguyễn Việt Triều, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Thực tế, thời gian qua, mô hình thanh long ruột đỏ đã mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao cho nông dân. Tới đây, Đảng ủy chỉ đạo các ngành, đoàn thể xã xây dựng đề án sản xuất cụ thể để hỗ trợ nông dân vay vốn ngân hàng được nhiều hơn. Đồng thời, tiếp tục đề nghị các cấp có thẩm quyền và các ngành chức năng quan tâm kéo điện, tập huấn kỹ thuật để nông dân thuận lợi trong sản xuất và mở rộng diện tích.
ANH DŨNG
Chia sẻ bài viết |
|
Tổng biên tập: TRƯƠNG VĂN CHUYỂN
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thanh Tuấn - Dương Hồ Vũ
Giấy phép số 789/GP-BTTTT, do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 02-12-2021
24 Trần Văn Hoài, P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, Tp.Cần Thơ - Điện thoại: (0292) 3830098 - Fax: (0292) 3830561
Email: toasoan@baocantho.com.vn
Liên hệ giao dịch quảng cáo, rao vặt: quangcao@baocantho.com.vn
Ghi rõ nguồn "Báo điện tử Cần Thơ" khi phát hành lại thông tin từ website này