16/03/2011 - 14:19

Làm giàu từ cây vú sữa

Chú thím Âu và cháu nội.

Nhờ chuyển đổi cây trồng, từ cây cam sang cây vú sữa, cuộc sống gia đình chú Cao Văn Âu và thím Trương Cẩm Y, tuổi ngoài 60, ngụ ấp Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, đã hoàn toàn thay đổi. Từ cảnh nợ nần chồng chất, chú thím Âu đã thoát nợ, xây dựng được một cơ ngơi khá khang trang. Các con của chú thím đều có cuộc sống ổn định. Điều đáng quý là chú Âu rất tích cực tham gia hoạt động xã hội, sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt cho nông dân...

8 năm nay, gia đình chú Âu trồng 6 công vú sữa lò rèn, mỗi năm thu hoạch được 16-25 tấn trái, trừ chi phí lời khoảng 200-400 triệu đồng. Ngoài ra, chú còn trồng 3 công chôm chôm, mỗi năm lời khoảng 40 triệu đồng. Chú Âu còn chiết nhánh vú sữa bán cho người dân ở địa phương và ngoài tỉnh. Bình quân mỗi năm bán khoảng 4.000 nhánh chiết, giá từ 20.000-25.000 đồng/nhánh. Nhờ ăn nên làm ra, cách đây 2 năm, gia đình chú Âu đã cất được căn nhà tường khang trang, trị giá 300 triệu đồng, thay cho căn nhà bị mối mọt ăn sắp sụp.

Có được cuộc sống sung túc như vậy, gia đình chú Âu đã trải qua những năm tháng đầy gian lao, vất vả. Năm 23 tuổi, chú Âu lập gia đình. Hai vợ chồng cùng nhau chăm sóc 9 công ruộng, nhưng trồng lúa lại không có lời. Năm 1975, thấy cây cam thịnh hành trong địa phương, nên gia đình chuyển sang trồng cam mật. Vừa làm vườn, vợ chồng chú Âu vừa đi thu mua trái cây trên địa bàn huyện Phong Điền để bán lại cho các thương lái. Cuộc sống tưởng chừng đã ổn định khi mỗi năm thu hoạch cam lời khoảng 40 triệu đồng, nhưng không ngờ cây cam bị bệnh thất mùa, lại thêm bị các chủ vườn, chủ vựa bỏ trốn, không trả tiền, gia đình chú Âu lâm vào cảnh nợ nần. Lúc này, cả nhà chú ăn uống kham khổ, chú thím Âu gần như không còn sức lực để làm ăn. Là trụ cột trong gia đình, chú vẫn gắng gượng đi thu mua trái cây ở Phong Điền đem bán ở Tiền Giang. Khi đó, chú Âu thấy vú sữa được mua với giá cao, rồi được bạn bè thương lái động viên, chú quyết định tìm đến một số hộ trồng vú sữa trúng mùa ở Tiền Giang để mua cây giống và học hỏi kỹ thuật trồng.

Trong thời gian chờ thu hoạch vú sữa, chôm chôm, chú Âu áp dụng kỹ thuật trồng xen 9 công ổi. Rồi thời gian thu hoạch vú sữa cũng đến, năm đầu chú Âu bán vú sữa được khoảng 8 triệu đồng, những năm sau lên dần từ 70 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Thím Y tâm sự: “Thiếu nợ đến 300 triệu đồng thật là kinh khủng đối với một gia đình nông dân. Chúng tôi sống trong phập phồng lo lắng không biết kiếm đâu ra tiền để trả nợ. Cũng may nhờ trồng vú sữa liên tục trúng mùa nên gia đình tôi trả hết nợ, cuộc sống gia đình mới được vui vẻ như hôm nay”.

Vợ chồng chú Âu có 5 người con (4 gái và 1 trai), đều có gia đình riêng. Các con của chú sống bằng các nghề: buôn bán tạp hóa, thu mua giấy vụn, mua bán trái cây... cuộc sống đều ổn định. Hiện vợ chồng người con trai - Cao Ngọc Luận sống với chú thím Âu. Giờ sức khỏe đã yếu, chú Âu giao hết công việc vườn tược cho vợ chồng anh Luận. Niềm vui của chú thím giờ là chăm sóc cháu nội để vợ chồng anh Luận lo làm ăn. Chú Âu bộc bạch: “Tôi lớn tuổi rồi nên giao cho con trai quán xuyến 9 công vườn. Đồng thời, Luận còn đi thu mua giấy vụn tại các tiệm tạp hóa, sau đó bán lại cho đầu mối và thu mua trái cây của các nhà vườn tại huyện Phong Điền, rồi bán cho đầu mối ở Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh”.

Công việc hằng ngày cả nhà làm không xuể, chú Âu thường thuê thêm 4 nhân công phụ anh Luận chiết nhánh vú sữa và chăm sóc vườn. Vợ chồng chị Bùi Thị Phụng, tuổi ngoài 40, ngụ cùng ấp với chú Âu, có hai người con trai (tuổi 17 và 19) đều làm thuê cho gia đình chú Âu trên 10 năm nay. Mỗi ngày thu nhập từ việc làm thuê của 4 người trong gia đình chị Phụng được khoảng 350.000 đồng. Gia đình chị Phụng trước đây rất khó khăn, nhà cửa lụp xụp, cả nhà sống nhờ vào 1 công nhãn nhưng thường bị bệnh, thất mùa. Chị Phụng bộc bạch: “Nhiều năm qua, gia đình tôi được dượng Hai (chú Âu) thuê chăm sóc vườn, được bao ăn uống. Vợ chồng tôi tiết kiệm, dành dụm tiền nên giờ cất được căn nhà với diện tích 55m2, mái tol, nền gạch men, với khá đầy đủ tiện nghi. Chúng tôi còn mua được 1 chiếc xe gắn máy. Gia đình dượng Hai đối xử rất tốt với người làm công, xem chúng tôi như con cháu trong gia đình. Mỗi khi có đồ ăn ngon, gia đình dượng Hai đều kêu cả nhà tôi đến ăn chung”.

Khi không còn lo gánh nặng gia đình, chú Âu thấy cần phải tham gia các hoạt động xã hội, để giúp đỡ những ai còn gặp khó khăn trong cuộc sống. Từ tháng 7-2010 đến nay, chú Âu là chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) làm vườn thu mua hàng nông sản, với gần 15 thành viên. Mỗi tháng, CLB này họp mặt 1 lần để trao đổi kinh nghiệm trồng vú sữa, báo giá trái cây, góp vốn xoay vòng giúp nhau làm ăn... Do có quan hệ giao tiếp rộng, có đầu mối tiêu thụ nên chú Âu đứng ra thu mua vú sữa của các thành viên trong CLB, sau đó bán lại cho chủ vựa ở TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Văn Mừng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, cho biết: “Gia đình anh Âu đã trải qua một thời gian dài gặp khó khăn về kinh tế, nhưng bằng ý chí và nghị lực, anh đã có được cơ ngơi như hôm nay. Trong CLB, anh Âu luôn động viên các anh em lo làm ăn, ai gặp khó khăn gì đều được anh giúp đỡ, đặc biệt là luôn hỗ trợ về cây giống, sẵn sàng bán chịu khi nào có tiền thì trả... Ngoài ra, anh Âu rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, như đóng góp tiền cho quỹ Vì người nghèo, xây dựng cầu đường...”.

Bài, ảnh: LÊ NGỌC

Chia sẻ bài viết