20/01/2008 - 22:28

Ngành thương mại - dịch vụ TP Cần Thơ

Làm gì để tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao?

Năm 2007, dù gặp nhiều khó khăn, ngành thương mại - dịch vụ TP Cần Thơ vẫn đạt được mức tăng trưởng cao. Để tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2008, theo ngành thương mại, vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua...

BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI

Với áp lực cạnh tranh gay gắt sau khi Việt Nam gia nhập WTO, giá hàng hóa tăng mạnh..., nhưng năm 2007, ngành thương mại - dịch vụ thành phố vẫn đạt được mức tăng trưởng khá cao, trên 19,5%, vượt kế hoạch năm 2,72%. Ngoài các siêu thị, các doanh nghiệp (DN) đã đến thành phố mở nhiều điểm phân phối, bán lẻ hàng, cơ sở hạ tầng ở nhiều chợ cũng được nâng cấp để nâng khả năng cạnh tranh. Năm qua, tổng mức bán hàng của thành phố ước đạt 35.135 tỉ đồng, tăng 32,6 % so với năm trước.

Năm qua, tổng mức bán hàng của thành phố ước đạt 35.135 tỉ đồng, tăng 32,6% so với năm trước. Trong ảnh: Khách hàng mua quần áo may sẵn tại một cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi, quận Ninh Kiều. Ảnh: ANH KHOA

Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu và doanh thu dịch vụ của thành phố cũng đạt 566 triệu USD, tăng 19,58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 540 triệu USD, tăng 19,34%. Dù vậy, xét riêng từng nhóm hàng và từng DN thì lượng hàng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đã giảm mạnh. Tổng kim ngạch xuất khẩu chung tăng do có nhiều DN mới tham gia vào hoạt động xuất khẩu, nhất là lĩnh vực xuất khẩu thủy sản. Năm 2007, các DN tại thành phố đã xuất khoảng 98.000 tấn thủy sản các loại, đạt kim ngạch 305 triệu USD, chiếm tỷ trọng 56,48% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố, tăng 53,55% về lượng và 39% về giá trị so với năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu gạo ước đạt khoảng 475 ngàn tấn với giá trị kim ngạch 145 triệu USD; giảm 13% về lượng so với năm trước, tăng gần 3% giá trị. Mặt hàng may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, trứng các loại đều giảm về kim ngạch xuất khẩu so với năm trước.

Theo đánh giá của Sở Thương mại TP Cần Thơ, những tháng giữa năm 2007, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã ảnh hưởng đến xuất khẩu. Nhưng, trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu tăng mạnh, nhất là mặt hàng thủy sản đã lội ngược dòng và đạt tốc độ tăng trưởng cao. Riêng mặt hàng gạo trước đây đã đứng vị trí hàng đầu (từ năm 2004 về trước) nhưng hiện bị tuột xuống sau mặt hàng thủy sản, do phải xuất theo định hướng của Chính phủ nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Năm 2008, xuất khẩu mặt hàng may mặc ở cả nước tăng, nhưng ở TP Cần Thơ kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lại giảm 2% so với năm trước do năm nay các doanh nghiệp không dám làm hàng nhiều. Tương tự, xuất khẩu mặt hàng giày dép cũng thấp hơn năm trước. Tuy các DN không còn bị áp dụng hạn ngạch như trước nhưng do không chuẩn bị hàng kịp và bị hàng Trung Quốc cạnh tranh. Mặc khác, DN chưa tìm được thị trường mới và “chậm tay” hơn các đối thủ cạnh tranh.

Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Thương mại TP Cần Thơ, cho biết: “Năm 2007, TP Cần Thơ xuất khẩu đi 77 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính ra thị trường mở rộng hơn so với năm 2006 (tăng thêm 10 nước và vùng lãnh thổ). Nhưng lượng hàng xuất đi các thị trường mới chưa nhiều. Hiện tại, hàng xuất đi vẫn chủ yếu vào thị trường truyền thống là các nước châu Á. Trong khi đó, các DN ở Cần Thơ tham gia hưởng lợi từ AFTA chưa nhiều, và rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm đang ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu thủy sản”.

Năm qua, nhiều DN xuất khẩu cũng gặp phải khó khăn khi USD bị mất giá so với các ngoại tệ khác và giảm giá so với Việt Nam đồng trong 2 tháng cuối năm. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đi các nước châu Âu, do từ trước đến giờ thường nhận thanh toán tiền hàng bằng USD nên khi quy đổi ra bị mất giá. Ông Lê Ngọc Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Da Tây Đô, cho biết: “Năm qua, giá xăng dầu, điện và chi phí vận chuyển tăng mạnh, DN phải tiết kiệm đủ thứ nhưng chỉ giảm được chi phí sản xuất thêm được vài chục triệu đồng. Trong khi đó, từ quý IV-2007, tỷ giá đồng USD đã giảm khoảng 200 đồng/USD. Tính ra 2 tháng cuối năm công ty nhận tiền thanh toán hàng về bằng USD rồi quy đổi ra tiền Việt đã bị mất tới 540 triệu đồng”.

KHẮC PHỤC CẢN NGẠI

Hiện nay, một khó khăn lớn trong việc đẩy nhanh phát triển thương mại-dịch vụ tại thành phố là việc giải quyết các vấn đề nâng cấp cơ sở hạ tầng thương mại-dịch vụ và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Cho đến nay, việc triển khai các dự án xây dựng các chợ đầu mối lúa gạo, thủy sản và Trung tâm thương mại cấp vùng tại thành phố vẫn còn khá chậm. Hiện tại, chợ đầu mối lúa gạo (ở Thốt Nốt) và Chợ Thủy sản (ở quận Ninh Kiều) vẫn chưa thể khởi công xây dựng do chưa thực hiện xong việc giải tỏa bồi hoàn. Việc kêu gọi các DN tham gia đầu tư phát triển hệ thống chợ truyền thống cũng còn chậm do thủ tục hành chính còn phiền hà. Dù đã có kế hoạch từ nhiều năm, nhưng đến nay thành phố vẫn chưa thành lập được Trung tâm thông tin thương mại của Bộ Thương mại tại Cần Thơ để kịp thời cung cấp các thông tin cần thiết cho DN. Việc xuất khẩu hàng hóa của các DN hiện cũng chủ yếu xoay quanh mấy mặt hàng truyền thống. Ngoài ra, còn các khó khăn trong công tác kiểm tra và kiểm soát thị trường do lực lượng mỏng, thiếu các máy móc thiết bị chuyên dụng; công tác xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường chưa đầu tư sâu...

Theo Sở Thương mại TP Cần Thơ, định hướng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2008 của UBND thành phố, nhiệm vụ ngành thương mại - dịch vụ năm nay phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 16,5-17% và chiếm tỷ trọng 45,36%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 676 triệu USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 450 triệu USD, tăng 20% so với ước thực hiện năm 2007.

Theo đó, ngành thương mại thành phố phấn đấu tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố năm 2008 đạt 42.000 tỉ đồng (riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 18.600 tỉ đồng), tăng 19,5% so với năm 2007. Phấn đấu tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu và doanh thu dịch vụ ngoại tệ năm 2008 đạt 692 triệu USD (trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 657 triệu USD), tăng 22,26% so với ước thực hiện năm 2007; tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 486 triệu USD... Về xuất khẩu, năm 2008, thành phố tiếp tục tập trung cho các mặt hàng chủ lực như: thủy sản, gạo, may mặc, giày dép, hàng thuộc da, nông sản và thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ...

Theo Sở Thương mại TP Cần Thơ, trong thời gian tới, ngành thương mại có các giải pháp trọng tâm như: tăng cường hơn nữa công tác thông tin thị trường, xử lý thông tin nhanh và chính xác để dự báo tình hình cung - cầu và giá cả thị trường; thông tin nội dung các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, chính sách xuất nhập khẩu nhằm giúp doanh nghiệp chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế. Ngành cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công thương xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử tại thành phố giúp các DN có thêm nhiều cơ hội giao thương, giảm chi phí trung gian để nâng cao khả năng cạnh tranh. Hỗ trợ các DN nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, khuếch trương thương hiệu; đồng thời đầu tư chiều sâu để sản xuất sản phẩm chế biến tinh, nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu. Tăng cường các hoạt động liên kết, liên doanh với TP Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng ĐBSCL và cả nước, nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế để tăng tốc phát triển thương mại - dịch vụ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát buôn lậu, kinh doanh hàng gian, hàng giả, chống đầu cơ găm hàng để trục lợi... nhằm bảo vệ lợi ích của DN và người tiêu dùng. Ngoài ra, ngành thương mại cũng khẩn trương xây dựng hoàn thành chợ đầu mối thủy sản; chợ trung tâm quận, huyện; các siêu thị như: siêu thị sách Hòa Bình, siêu thị Co.op Mart giai đoạn 2; nâng cấp một số chợ truyền thống như: An Thới, An Nghiệp, Xuân Khánh, Hưng Lợi...

KHÁNH TRUNG - HỒNG BẢO

Chia sẻ bài viết