27/04/2008 - 09:26

Làm gì để giáo dục dân tộc phát triển ?

Thời gian qua, mặc dù được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhưng công tác Giáo dục dân tộc đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc dạy tiếng cho học sinh dân tộc. Làm thế nào để công tác giáo dục dân tộc phát triển mạnh hơn trong thời gian tới là vấn đề trọng tâm được đặt ra tại Hội nghị “Giáo dục dân tộc toàn quốc” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức vào giữa tháng 4-2008. Phóng viên Báo Cần Thơ đã lược ghi một số ý kiến đề xuất của các đại biểu tham gia hội nghị.

* Ông Kiên Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh: Tăng chỉ tiêu cử tuyển cho học sinh dân tộc

 

Thời gian qua, ngành giáo dục đã mở nhiều lớp đào tạo giáo viên người dân tộc Khmer đạt trình độ chuẩn để dạy tiểu học; đồng thời, có đủ trình độ dạy chữ Khmer cho học sinh dân tộc Khmer theo chương trình của Bộ GD&ĐT qui định. So với khi chia tách tỉnh Trà Vinh và tỉnh Vĩnh Long, giáo viên Khmer dạy mầm non tăng 6,2 lần, dạy tiểu học tăng 1,62 lần, dạy THCS tăng 5,87 lần, dạy THPT tăng 9,86 lần. Từ nay đến năm 2010, ngành giáo dục tỉnh Trà Vinh có kế hoạch đào tạo khoảng 15% giáo viên mầm non, 25% giáo viên tiểu học, 40% giáo viên THCS và 10% giáo viên THPT đạt và vượt chuẩn.

Để thực hiện được kế hoạch, chúng tôi đề nghị Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng Khmer liên thông giữa các bậc học; qui định biên chế cho việc dạy tiếng dân tộc, dạy ngoại ngữ ở các trường tiểu học. Đồng thời, tăng chỉ tiêu cử tuyển cho học sinh dân tộc.

* Ông Kim Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng: Sớm hoàn thành bộ sách giáo khoa dạy tiếng Khmer cho học sinh dân tộc

 

Sóc Trăng có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer chiếm 30,24% dân số toàn tỉnh và là nơi có số lượng đồng bào dân tộc Khmer đông nhất ĐBSCL. Những năm qua, Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đồng bào người dân tộc. Từ đó, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học của các địa phương được tăng cường, bổ sung, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc. Công tác chuẩn bị đội ngũ cán bộ người dân tộc Khmer phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội được các cấp ủy Đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm. Hiện nay, toàn ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng có 225 cán bộ quản lý giáo dục là người dân tộc, chiếm 21% tổng số cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh; 2.461 giáo viên là người dân tộc, chiếm 15,67% số giáo viên của tỉnh. Năm học 2007-2008 là năm thứ 3 tỉnh thực hiện thay sách giáo khoa dạy tiếng Khmer quyển 3 đối với học sinh tiểu học. 100% học sinh dân tộc các lớp 1, 2, 3 có đủ sách giáo khoa để học. Từ năm 2002 đến nay, đã có 625 học sinh được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng... Tuy nhiên, công tác giáo dục dân tộc cũng gặp nhiều khó khăn nhất là việc dạy tiếng dân tộc cho học sinh dân tộc vì chưa có bộ sách giáo khoa mới liên tục, thiếu giáo viên dạy tiếng dân tộc bậc THCS, THPT, chưa có biên chế cho giáo viên dạy tiếng nên các giáo viên phải kiêm nhiệm...

Chúng tôi đề xuất Bộ GD&ĐT sớm ban hành bộ sách giáo khoa dạy tiếng Khmer liên tục từ tiểu học đến THPT. Bên cạnh đó, khi ban hành bộ sách giáo khoa dạy tiếng Khmer cho học sinh dân tộc, Bộ cũng nên trang bị thêm đồ dùng dạy học để việc triển khai thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao hơn. Cần có kế hoạch đào tạo giáo viên dạy tiếng Khmer cho bậc THCS, THPT vì 2 bậc học này còn thiếu giáo viên dạy tiếng dân tộc. Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung biên chế giáo viên dạy tiếng Khmer cho các trường; mở rộng chế độ cử tuyển đối với học sinh người dân tộc Khmer...

* Ông Sơn Phước Hoan, Vụ trưởng vụ Địa phương 3, Ủy ban dân tộc: Nên có một giáo trình chuẩn cho học sinh dân tộc

 

Theo kế hoạch đến năm 2020, một trong những nhiệm vụ của giáo dục dân tộc là huy động 70% trẻ 3-5 tuổi đến lớp mẫu giáo; 95% trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo; 50% học sinh dân tộc qua đào tạo nghề... Tuy nhiên, với tiến độ thực hiện như hiện nay rất khó đạt những chỉ tiêu trên.

Để thực hiện tốt hơn nữa chính sách giáo dục dân tộc trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện chương trình dạy tiếng dân tộc liên thông từ tiểu học lên đến THPT và có kế hoạch chăm lo việc làm cho học sinh dân tộc được cử tuyển sau khi các em ra trường. Ngoài ra, cũng phải chú ý đến chính sách dạy nghề cho học sinh dân tộc bởi hiện nay, số lượng nghề dạy cho học sinh dân tộc rất ít, không thu hút được các em. Bên cạnh đó, phải duy trì học sinh dân tộc ở các cấp học, từ mầm non đến mẫu giáo. Hiện nay, tỷ lệ học sinh dân tộc càng thấp dần khi các bậc học, cấp học càng lên cao. Số lượng đồng bào dân tộc đang chiếm 14% dân số cả nước nhưng chỉ có 1,7% học sinh dân tộc đang học ở các trường đại học. Bộ GD&ĐT nên có một giáo trình chuẩn để dạy tiếng dân tộc hiệu quả hơn...

* Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc

 

Bộ GD&ĐT rất quan tâm đến việc dạy tiếng dân tộc cho học sinh dân tộc, trong đó có tiếng Khmer. Tuy nhiên, dạy tiếng Khmer trong trường học còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ giáo viên chưa được chuẩn bị đủ về số lượng cũng như đảm bảo về chất lượng. Học sinh dân tộc Khmer học chung trường, chung lớp với học sinh người Kinh nên việc dạy tiếng Khmer cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, việc dạy tiếng Khmer ở ĐBSCL có thuận lợi nhờ có hệ thống các trường chùa Khmer. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các trường chùa để phát huy hơn nữa việc dạy tiếng Khmer cho học sinh đồng bào dân tộc Khmer.

Chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc còn thấp có thể là do 2 nguyên nhân chính: điều kiện kinh tế còn khó khăn nên gia đình, nhà trường còn hạn chế trong việc chăm sóc học sinh; địa bàn rộng, trường có nhiều điểm lẻ, trường xa nhà, điều kiện đi lại của học sinh gặp khó khăn... Bộ GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch hướng chế độ chính sách đến cho người học. Nghĩa là học sinh dân tộc học ở các trường bán trú, nội trú hay trường bình thường nếu gặp khó khăn đều được hỗ trợ học bổng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng xây dựng lại qui mô và hình thức trường phù hợp để thuận tiện cho học sinh dân tộc.

HÀ THANH (Lược ghi)

9 GIẢI PHÁP CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TẬP TRUNG CHO GIÁO DỤC DÂN TỘC
TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020:

1- Tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của vùng dân tộc.

2- Triển khai chương trình, nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm nhận thức và điều kiện học tập của học sinh dân tộc.

3- Nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho vùng dân tộc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

4- Tổ chức các hình thức giáo dục nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

5- Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, quan tâm đời sống của đội ngũ giáo viên ở các vùng dân tộc và miền núi.

6- Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo nhu cầu dạy và học. Tăng tỷ lệ ngân sách cho giáo dục vùng dân tộc.

7- Xây dựng và bổ sung ngân sách.

8- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quản lý và nghiên cứu khoa học.

9-Đẩy mạnh công tác vận động toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc.

Chia sẻ bài viết