20/06/2020 - 09:08

Tuyến kênh Cái Sắn đi qua huyện Vĩnh Thạnh

Lại lo sạt lở mùa mưa lũ 

Vài năm trở lại đây, mỗi khi mùa mưa lũ đến, cùng với nỗi lo mưa giông gây đổ sập nhà cửa, hư hỏng tài sản ảnh hưởng sản xuất… huyện đầu nguồn Vĩnh Thạnh còn có thêm nỗi lo về tình trạng sạt lở bờ sông…

Hiện trường vụ sạt lở xảy ra vào ngày 13-6 vừa qua.

Rạng sáng ngày 13-6-2020, tại ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh xảy ra vụ sạt lở làm một căn nhà có 2 hộ gia đình sinh sống với 8 nhân khẩu bị cuốn ra sông Cái Sắn. Hộ bà Nguyễn Thị Kim Loan và bà Nguyễn Thị Diễm là chị em ruột cùng cất nhà theo kiểu liền kề, kết cấu nhà sàn, khung tiền chế, vách và mái lợp bằng tole, ước thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, tại điểm sạt lở có chiều dài khoảng 20m, ăn vào tuyến đường giao thông, gây nguy hiểm cho việc đi lại của người dân.

Chị Nguyễn Thị Kim Loan, cho biết: “Trước đó một ngày, nền đất có dấu hiệu sụt lún, gia đình đã di dời tài sản, các vật dụng gửi tạm nhà người quen. Dự tính ngày hôm sau sẽ tiếp tục tháo dỡ căn nhà và gia cố lại nền móng, nhưng sự cố xảy ra quá nhanh, bất ngờ, trong phút chốc toàn bộ căn nhà bị trôi ra sông,  gia đình tôi đang gặp khó khăn, không có khả năng mua đất và cất lại căn nhà khác”. Chị Nguyễn Thị Diễm, nói: “2 đứa con tôi còn nhỏ nên tôi phải ở nhà trông con, chỉ có chồng tôi đi làm, thu nhập tạm đủ sống qua ngày, mấy ngày nay, gia đình tôi dọn tạm qua nhà mẹ ruột sinh sống, chúng tôi rất mong chính quyền có chính sách hỗ trợ gia đình chị em tôi sớm ổn định cuộc sống”.

Ông Nguyễn Đông Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, cho biết: “Ngay khi xảy ra sự cố, xã đã cử lực lượng xuống hiện trường phối hợp với Đội Phòng cháy chữa cháy- Tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ Công an huyện cùng với gia đình tháo dỡ, trục vớt xác căn nhà. Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cũng kịp thời đến chỉ đạo khắc phục và hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng. Chúng tôi đã hướng dẫn 2 gia đình làm đơn gửi UBND huyện xét bố trí nền tại khu dân cư xã Thạnh Quới để các hộ sớm ổn định cuộc sống”.

Tuyến kênh Cái Sắn đi qua huyện Vĩnh Thạnh có chiều dài khoảng 25km, vài năm nay xuất hiện tình trạng sụt lún, sạt lở cả hai phía bờ kênh. Chỉ tính năm 2019 và những tháng đầu năm nay toàn huyện đã xảy ra 6 vụ sạt lở gây thiệt hại 11 căn nhà (12 hộ gia đình), trong đó có 9 căn nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 2 trường hợp có dấu hiệu lún nứt buộc di dời khẩn cấp. Ước tổng thiệt hại trên 3,5 tỉ đồng. Trong 6 vụ sạt lở bờ kênh, xã Vĩnh Trinh đã có đến 5 vụ và con số này chắc chắn sẽ không dừng lại nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Theo ngành chức năng, một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do tác động của dòng chảy, kết cấu đất dọc bờ sông yếu, trên bờ là đường giao thông và nhà dân làm gia tăng tải trọng, khi có mưa rất dễ bị sụt lún và sạt lở.

Dẫn chúng tôi đi dọc tuyến đường nông thôn phía bờ Bắc kênh Cái Sắn, ông Ngô Văn Minh, Trưởng ấp Vĩnh Lân, xã Vĩnh Trinh đã chỉ ra nhiều đoạn sạt lở đã ăn sâu sát mép đường và nhiều đoạn có dấu hiệu lún, nứt ngay giữa tim đường, nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông Ngô Văn Minh, nói: “Hằng năm chúng tôi vận động bà con đốn cây làm kè tạm nhưng do nước chảy xiết, phương tiện tàu thuyền qua lại đông nhất là vào mùa mưa lũ nên chẳng thấm vào đâu. Bà con sống dọc theo tuyến kênh này đa phần thuộc diện khó khăn, không có khả năng làm bờ kè kiên cố nên khi xảy ra sự cố ảnh hưởng rất lớn đến đời sống”.

Tuyến kênh Cái Sắn đi qua các xã Vĩnh Trinh, Thạnh Mỹ, Thạnh Quới, Thạnh Tiến và thị trấn Thạnh An, nhiều đoạn có nguy cơ sạt lở cao, trong đó, đáng chú ý là đoạn đi qua xã Vĩnh Trinh và thị trấn Thạnh An. Năm 2019, bằng nguồn kinh phí của thành phố và huyện đã đầu tư làm bờ kè được 5 đoạn với tổng chiều dài 285m, kinh phí 3,581 tỉ đồng. Trong đó, xã Vĩnh Trinh xây dựng 2 đoạn chiều dài 196m. Ông Nguyễn Đông Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, cho biết: “Năm 2020, huyện tiếp tục đầu tư cho xã làm bờ kè đoạn từ Bến đò kênh 16 đến kênh Bốn Mét với chiều dài khoảng 1,5km. Tuy nhiên, nhu cầu thì rất lớn trong khi nguồn vốn có hạn, trước mắt để giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông trên tuyến đường, xã vận động bà con dùng cây cối chống đỡ tạm”. Ông Lê Văn Cường, Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh An cũng cho biết: “Cùng với các đoạn kè do huyện đầu tư, thị trấn đã vận động nhân dân gia cố một số đoạn sạt lở với chiều dài 1.454m, kinh phí 4,885 tỉ đồng. Trước mùa mưa bão, thị trấn cũng tiếp tục vận động nhân dân gia cố một số đoạn nguy cơ sạt lở nhằm đảm bảo an toàn”.

Ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, khẳng định: “Trong những năm gần đây, huyện Vĩnh Thạnh chịu nhiều ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu, điều dễ dàng nhận thấy nhất là mỗi mùa mưa bão đến thường xảy ra tình trạng giông lốc cục bộ gây đổ sập nhà cửa và đáng lo hơn là tình trạng sạt lở bờ sông gây nguy hiểm tính mạng và tài sản của nhân dân. Để giải quyết vấn đề này, huyện đã xin chủ trương thành phố đầu tư bờ kè dọc theo tuyến kênh Cái Sắn, ưu tiên bố trí vốn những đoạn bị sạt lở và nguy cơ sạt lở. Trước mắt, đối với những hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở huyện đã bố trí vào ở trong khu dân cư xã Thạnh Quới, huyện cũng khuyến khích các hộ dân sống dọc theo tuyến kênh Cái Sắn di dời hoặc có biện pháp đảm bảo an toàn, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra”.

Bài, ảnh: MINH HẢI

Chia sẻ bài viết