27/09/2020 - 07:01

Kỳ vọng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau 

Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa bàn các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Đây là tuyến trục dọc vùng ĐBSCL, đóng vai trò kết nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong vùng. 

Nhu cầu cấp thiết

Hướng tuyến phương án 1 có điểm đầu dự án tại điểm cuối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ,  kết nối cầu Cần Thơ 2, tuyến đi thẳng đến vị trí giao với đường cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đi trùng cao tốc trục ngang khoảng 14km, sau đó rẻ phải và đi trùng tuyến Quản Lộ Phụng Hiệp (mở rộng về bên trái tuyến) địa phận Hậu Giang, rối đến Sóc Trăng, đi thẳng qua địa phận 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau.  Hướng tuyến của phương án 2 có đoạn đầu giống hướng tuyến phương án 1, sau đó rẽ phải đi song song về phía bên trái tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp qua địa phận các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, đi thẳng qua địa phận 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau.  Hướng tuyến của phương án 3 có đoạn đầu tuyến giống hướng tuyến của phương án 1, đến vị trí giao với tuyến đường nối QL91 - Nam Sông Hậu, tuyến đi theo hướng Đông Nam, cắt qua cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đi song song về bên trái tuyến QL 61C hiện hữu (cách khoảng 10km), đến nút giao với QL 61B vào TP Vị Thanh, tuyến đi thẳng qua địa phận tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau về điểm cuối tại nút giao với đường vành đai 3 TP Cà Mau.

Đơn vị tư vấn đề xuất 3 phương án tuyến cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Hiện nay, đi Cần Thơ đến Cà Mau theo đường quốc Lộ (QL) 1, tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp và QL 61 C (đường Nam Sông Hậu), với cự ly từ 150-180km. Chưa có đường cao tốc nên việc đi lại giữa Cần Thơ - Cà Mau và các địa phương mất nhiều thời gian, nhất là khi các phương tiện giao thông phải hạn chế tốc độ qua các trung tâm đô thị và khu vực đông người. Ngoài ra, quy định về tải trọng xe lưu thông đảm bảo tương thích với điều kiện cầu, đường giao thông và hạ tầng cũng ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa trong vùng. Do vậy, việc đầu tư xây dựng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là yêu cầu cấp bách nhằm giảm chi phí và thời gian đi lại. Bởi không chỉ kết nối thông suốt tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ mà còn kết nối các cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu trong tương lai. 

Chính phủ và Thủ tướng Chính Phủ đã có các chủ trương, kết luận quan trọng về việc đầu tư thực hiện dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Giao Bộ Giao thông vận tải được giao nhiệm vụ khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo hướng điều chỉnh kỳ quy hoạch về trước năm 2030 theo đúng quy định, làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường để sớm kết nối thông suốt từ Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và cả nước; nghiên cứu đầu tư tuyến đường thành 2 dự án thành phần. Đó là dự án đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu bằng vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định của pháp luật. Dự án đoạn Bạc Liêu - Cà Mau, giao UBND tỉnh Cà Mau chủ trì chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa đầu tư giai đoạn 2021-2025 theo quy định của pháp luật về đầu tư hợp tác công tư (PPP), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9-2020.

Thúc đẩy thực hiện dự án

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị, doanh nghiệp và địa phương, nghe đơn vị tư vấn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đơn vị tư vấn đề xuất 3 phương án tuyến cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, với chiều dài tuyến từ 124,18km đến 141km.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh, cần khẩn trương triển khai tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Đồng thời yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu để có báo cáo đầy đủ, cụ thể hơn về các phương án tuyến để Bộ xem xét, lựa chọn phương án hiệu quả nhất. Thứ trưởng cũng đề nghị Tập đoàn Đèo Cả làm việc với UBND tỉnh Cà Mau để sớm nghiên cứu, đề xuất cụ thể phương án đầu tư dự án đoạn Bạc Liêu - Cà Mau theo hình thức PPP.

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, phương án 1 có chiều dài toàn tuyến gần 141km, trong đó có đoạn trùng với Quản lộ - Phụng Hiệp, tổng mức đầu tư hơn 46.000 tỉ đồng, ưu điểm phương án này là tiết kiệm tài nguyên đất do diện tích giải phóng mặt bằng chỉ ở mức 750ha và dễ thu hút lưu lượng vào đường cao tốc, cự ly kết nối đều vào các đô thị lớn (TP Sóc Trăng 24km, TP Bạc Liêu 25km, TP Vị Thanh 35km…). Phương án 2, tổng chiều dài tuyến  gần 138km, tổng mức đầu tư hơn 60.680 tỉ đồng và cần giải phóng mặt bằng gần 900ha, với cự ly kết nối khá đồng đều vào các đô thị lớn (TP Sóc Trăng 24km, TP Bạc Liêu 25km, TP Vị thanh 35km…) và có nhiều kết nối vào đường hiện hữu, dễ thu hút lưu lượng vào đường cao tốc, thuận lợi  thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư. Phương án 3, với tổng chiều dài 124,18km, tổng mức đầu tư 56.790 tỉ đồng và cần giải phóng mặt bằng gần 800ha, kết nối gần về phía TP Vị Thanh (10km) nhưng cách TP Sóc Trăng 41km và TP Bạc Liêu 46km và các đô thị khác, khó thu hút lưu lượng vào đường cao tốc hơn, hướng tuyến cũng có ít kết nối vào đường hiện hữu.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đề xuất: “Cả 3 phương án trên đều đi qua địa bàn TP Cần Thơ như nhau. Cần Thơ quan tâm vị trí cầu Cần Thơ 2, nếu đi từ hướng TP Hồ Chí Minh, dự kiến nó ở bên trái cầu Cần Thơ hiện hữu, trong khi thành phố cũng có dự án đường sắt, nên đơn vị tư vấn cần cập nhật cho phù hợp thực tế. Trong 3 phương án, tôi cho rằng phương án 3 hiệu quả hơn, vì có đoạn đường ngắn nhất và vận tốc đảm bảo. Còn phương án 1 và phương án 2 có lợi thế là phù hợp với quy hoạch và kết nối thuận lợi với nhiều địa phương, nhất là phương án 2 thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hình thức PPP”.

Trong khi đó, lãnh đạo các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau đề xuất chọn phương án 2; Hậu Giang đề xuất chọn phương án 3 vì muốn giữ lại tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp hiện hữu và làm một tuyến cao tốc hoàn toàn mới. Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, địa phương ủng hộ chọn phương án 2, do dễ kết nối với các đô thị. Ngoài ra, nếu Cảng Trần Đề được phê duyệt điều chỉnh thành cảng loại 1A sẽ dễ dàng kết nối với tuyến cao tốc này. Trong hiện tại, các địa phương vùng ĐBSCL đều kỳ vọng sớm triển khai tuyến cao tốc này để khai thác lợi thế vùng, hài hòa sự phát triển giữa các địa phương. 

Hướng tuyến phương án 1 có điểm đầu dự án tại điểm cuối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ,  kết nối cầu Cần Thơ 2, tuyến đi thẳng đến vị trí giao với đường cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đi trùng cao tốc trục ngang khoảng 14km, sau đó rẻ phải và đi trùng tuyến Quản Lộ Phụng Hiệp (mở rộng về bên trái tuyến) địa phận Hậu Giang, rối đến Sóc Trăng, đi thẳng qua địa phận 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau.
Hướng tuyến của phương án 2 có đoạn đầu giống hướng tuyến phương án 1, sau đó rẽ phải đi song song về phía bên trái tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp qua địa phận các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, đi thẳng qua địa phận 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau.
Hướng tuyến của phương án 3 có đoạn đầu tuyến giống hướng tuyến của phương án 1, đến vị trí giao với tuyến đường nối QL91 - Nam Sông Hậu, tuyến đi theo hướng Đông Nam, cắt qua cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đi song song về bên trái tuyến QL 61C hiện hữu (cách khoảng 10km), đến nút giao với QL 61B vào TP Vị Thanh, tuyến đi thẳng qua địa phận tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau về điểm cuối tại nút giao với đường vành đai 3 TP Cà Mau.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết