14/01/2015 - 20:57

Kỳ vọng giá tiêu dùng “hạ nhiệt”!

Mấy tháng qua, giá xăng dầu liên tục giảm. Xăng giảm đồng nghĩa chi phí vận tải, vận chuyển giảm, khiến chi phí nhiều mặt hàng giảm… Trước tình hình này, người dân kỳ vọng giá hàng hóa tiêu dùng, đặc biệt là những mặt hàng thiết yếu sẽ giảm theo. Điều này sẽ càng có ý nghĩa khi dịp Tết Nguyên đán 2015 đang đến gần. Tuy vậy, diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường chưa như kỳ vọng.

Niềm vui chưa trọn vẹn

Ngày 6-1, giá xăng dầu bán lẻ tiếp tục được điều chỉnh giảm nhẹ. Cụ thể: giá xăng giảm 310 đồng/lít, còn 17.570 đồng/lít; dầu diesel giảm 360 đồng/lít, còn 16.630 đồng/lítl; dầu hỏa giảm 290 đồng/lít, giá bán lẻ chỉ còn 17.110 đồng/lít. Đây lần thứ 13 kể từ đầu năm 2014 giá xăng được điều chỉnh giảm với tổng mức giảm đến 7.760 đồng/lít. Xăng dầu là một trong những yếu tố tác động mạnh đến giá cả hàng hóa tiêu dùng.

Giá xăng, dầu ở mức rẻ nhất trong vòng 4 năm qua khiến rất nhiều người tiêu dùng vui mừng. Bởi họ kỳ vọng các mặt hàng sẽ theo chân giá xăng dầu đi xuống. Tuy nhiên, trên thực tế, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn đứng im dẫn đến niềm vui của người dân chưa trọn vẹn. Đây được xem là nghịch lý ? Qua khảo sát tại một số chợ trong nội ô thành phố, phần lớn giá cả hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí nhiều mặt hàng còn tăng giá. Cụ thể, giá nhiều mặt hàng gia vị, thực phẩm khô, như: tôm khô, khô mực, nấm đông cô... vừa được điều chỉnh giá tăng. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống, như: thịt heo, bò, cá, hải sản... vẫn “đứng im”. Các loại rau, quả vận chuyển từ những Đà Lạt về giá cả vẫn như cũ, thậm chí một số loại có xu hướng tăng giá. Dạo một vòng quanh khu vực ăn uống trên địa bàn thành phố, đa phần các loại đồ ăn như: cơm, bún, phở, hủ tiếu…giá vẫn bán với mức giá như cũ. Các loại sữa giá vẫn được giữ nguyên, chưa có dấu hiệu giảm… Cụ thể, vào ngày 11-1, cà chua giá 13.000 đồng/kg, bông cải xanh 50.000 đồng/kg, bông cải trắng giá 40.000 đồng/kg, xà lách giá 30.000 đồng/kg, cà rốt Đà Lạt 20.000 đồng/kg, khoai tây, củ dền giá 30.000 đồng/kg; đường kem giá 150.000 đồng/cây, đường nhuyễn giá 152.000 đồng/cây, đường to giá 155.000 đồng/cây; dầu ăn Meizan 1lít giá 43.000 đồng/chai, nước tương Maggi giá 14.000 đồng/chai…

Người tiêu dùng đặt nhiều kỳ vọng giá các mặt hàng tiêu dùng sẽ giảm trong thời gian tới. 

Có nhiều lý do để giá cả vào thời điểm này chưa giảm. Chị Thanh Thúy, tiểu thương kinh doanh tạp hóa ở chợ Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Mỗi lần giá xăng giảm là khách hàng lại thắc mắc với chúng tôi vì sao giá hàng hóa không giảm theo. Tuy nhiên, mình buôn bán phải phụ thuộc vào nguồn hàng, họ bán cho giá cao thì làm sao chúng tôi giảm được! Gần Tết, một số mặt hàng như: bánh kẹo, nước uống, các loại nấm khô, đậu phộng… còn tăng giá thêm. Trong khi giá mặt bằng, điện không hề giảm, nếu như mình tự hạ giá bán cho khách hàng thì sao có lời trang trải các khoản khác”. Giải thích vì sao giá cả các loại rau, củ quả vẫn đứng im, thậm chí một số loại tăng giá, tiểu thương tại một số chợ trong nội ô thành phố cho biết: Giá cả của các mặt hàng rau, củ, quả thường không phụ thuộc vào giá xăng dầu mà chủ yếu là hút hàng hay không. Ví dụ như củ dền, trước đây có giá rất thấp, gần đây lúc có hàng, lúc không nên giá lên đến trên dưới 30.000 đồng/kg. Các loại khác ngày nào cũng có hàng đều đều thì giá cả vẫn vậy! Mặt khác, dù xăng đã giảm 13 lần, song mức giảm giá cước vận tải không đáng kể, đây cũng là nguyên nhân tác động đến giá tiêu dùng chưa giảm nhiều như mong đợi của người dân. Ngoài ra, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, giá cả các loại hàng hóa thường có xu hướng tăng cao theo nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng... Do đó, giá cả các mặt hàng tiêu dùng khó giảm…

Chờ mặt bằng giá hợp lý

Người tiêu dùng vẫn hy vọng về một mặt bằng giá cả “dễ chịu” hơn khi một cái Tết nữa đang cận kề. Chị Nguyễn Thị Kim Cúc ở đường 30 Tháng 4, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Các mặt hàng thiết yếu, như: gạo, dầu ăn, nước mắm, đường, muối… sử dụng hằng ngày trong gia đình, dù giá có cao vẫn phải sử dụng, chỉ là tiết kiệm hơn… Nhiều năm nay, người tiêu dùng đã quá mệt mỏi trước cảnh “leo thang” của giá cả thị trường. Do đó, người tiêu dùng chúng tôi trông chờ một mặt bằng giá mới, giảm bớt phần nào gánh nặng chi tiêu”. Cô Nguyễn Thị Phương ở đường Võ Văn Kiệt, quận Ninh Kiều, bày tỏ: “Xăng tăng, hàng tiêu dùng tăng theo ào ào. Giờ xăng giảm mà các mặt hàng đó không giảm là vô lý. Năm sắp hết, Tết sắp đến, người tiêu dùng, nhất là những gia đình có mức thu nhập thấp và trung bình đang mong chờ giá các mặt hàng thiết yếu sẽ giảm để mỗi nhà có thể tiết kiệm một khoản chi tiêu, phục vụ mua sắm khi Tết. Mong các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc bình ổn và giúp giảm giá một số mặt hàng thiết yếu”. Trần Ngọc Mai, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, bày tỏ: “Để bảo đảm chi phí hằng tháng, tụi em đều phải chắt bóp từng đồng trong chi tiêu hằng ngày. Khi nghe tin giá xăng, dầu giảm, tụi em rất vui vì tiết kiệm được một khoản tiền xăng xe hằng tháng nhưng lại thấy buồn vì hàng hóa không giảm được như mong muốn. Nếu đồ ăn thức uống hằng ngày cũng giảm mạnh hơn nữa thì tụi em chi tiêu thoải mái hơn, ba mẹ ở quê cũng đỡ vất vả hơn”. Chị Nguyễn Phương Vy ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, cho biết: Dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm và di chuyển tăng lên. Mong sao giá xăng sẽ giữ hoặc tiếp tục giảm đến qua Tết, để giá vé xe, vé tàu cũng dễ thở, giúp bà con về quê ăn Tết với người thân...

Các tiểu thương cũng kỳ vọng có mặt bằng giá hợp lý để có câu trả lời thỏa đáng và tạo lòng tin đối với “thượng đế”. Chị Thanh Thúy, tiểu thương kinh doanh tạp hóa ở chợ Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Tiểu thương chúng tôi cũng hy vọng các mặt hàng giảm giá theo xăng dầu để người tiêu dùng không phải thắc mắc, mua bán cũng tốt hơn. Hàng hóa hạ giá bán được nhiều thì mới có lời nhiều”. Chị Huỳnh Kim Chi, Chủ cửa hàng Điện máy gia dụng Quốc Chi, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, cho biết: Giá xăng giảm, cộng với cuối năm nên sức mua mặt hàng điện máy ở cửa hàng những ngày gần đây có phần cải thiện. Đời sống người dân ngoại thành còn nhiều khó khăn, nên cửa hàng luôn cân nhắc trong việc tìm nguồn cung hợp lý. Cửa hàng đã chủ động thương lượng với các nhà cung cấp giảm giá cước vận chuyển, trên cơ sở đó giảm giá bán trên mỗi sản phẩm... để ngày càng nhiều người dân tin tưởng cửa hàng trong việc có sự điều chỉnh giá một cách hợp lý.

Tết Nguyên đán 2015 ngày càng gần nhưng giá cả hàng hóa không tăng là một trong những tín hiệu đáng mừng đối với người tiêu dùng. Nhưng cũng không ít băn khoăn như chị Nguyễn Thị Kim Cúc ở đường 30 Tháng 4: “Nếu giá xăng dầu đột ngột tăng trở lại, giá cả các mặt hàng, nhất là hàng thiết yếu có “tát nước theo mưa”?!”. Dư luận đã và đang có nhiều ý kiến trái chiều. Song, phần đông người dân trông chờ những hành động mạnh mẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý về giá và thị trường nhằm đưa mặt bằng giá về mức hợp lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng…

Bài, ảnh: TUYẾT TRINH

Chia sẻ bài viết