02/07/2014 - 14:19

Kỹ thuật “siêu làm mát” tăng thời gian bảo quản nội tạng cấy ghép

Công bố trên tạp chí Khoa học Tự nhiên, các chuyên gia Mỹ cho biết đã ứng dụng thành công kỹ thuật mới giúp tăng thời gian bảo quản gan chuột trước khi cấy ghép lên gấp ba lần, mở ra hy vọng giảm bớt tình trạng thiếu hụt cơ quan cấy ghép ở người trong tương lai.

Kỹ thuật mới có thể bảo quản gan chuột 3-4 ngày. Ảnh: Harvard University. 

Hai nhà khoa học, thuộc Trung tâm Kỹ thuật Y học tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH) và Trường Y Đại học Harvard, đầu tiên sử dụng máy truyền dịch để cung cấp ôxy và chất dinh dưỡng cho mô sinh học khi chúng được tách khỏi cơ thể. Sau đó, họ tiến hành bảo quản gan chuột trong dung dịch gồm hợp chất đường glucose 3-OMG vô hại cùng olyethylene glycol (PEG-35kD), hoạt động như chất chống đông bảo vệ màng tế bào trước khi chúng được làm lạnh ở nhiệt độ -6oC. Sau khi lưu trữ từ 3 đến 4 ngày, các chuyên gia tiếp tục sử dụng máy truyền dịch cung cấp ôxy, chất dinh dưỡng và làm ấm gan bằng cách tăng nhiệt độ dần lên 4°C, chuẩn bị cho việc cấy ghép. Kết quả thử nghiệm cho thấy, tất cả các con chuột đều khỏe mạnh sau ba tháng được ghép gan. Theo nhà nghiên cứu Korkut Uygun thuộc MGH, đây là thời gian bảo quản dài nhất và đã cho kết quả cấy ghép thành công, trong khi phương pháp bảo quản nội tạng hiện hành chỉ kéo dài sự sống của chuột thêm lâu lắm là vài ngày.

Từ những năm 1980, nội tạng được hiến tặng đều được bảo quản lạnh nhằm làm giảm sự trao đổi chất và suy thoái tế bào. Tuy nhiên, công nghệ hiện tại cũng chỉ có thể bảo vệ gan người tối đa 24 giờ. Do đó, kỹ thuật này nếu được ứng dụng thành công trên người sẽ giúp giảm tình trạng thiếu nội tạng cấy ghép trên toàn thế giới.

ĐƯỜNG THẤT (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết