16/03/2019 - 11:01

Kịp thời hòa giải mâu thuẫn trong nhân dân 

Công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh ngày càng phát huy hiệu quả. Những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân được giải quyết kịp thời, góp phần hàn gắn tình làng, nghĩa xóm, phòng ngừa tội phạm, ổn định an ninh trật tự ở địa phương.

Ông Ngô Văn Đát, Phó Trưởng ấp, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Qui Lân 5 nghiên cứu, tìm hiểu những quy định pháp luật, để áp dụng vào thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở.

Khi có vụ việc phát sinh, bà con thường nhắc đến Tổ hòa giải ở ấp Qui Lân 5, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, bằng sự tin tưởng. Chẳng hạn, trường hợp ông L.V.N có phát sinh tranh chấp ranh đất với ông N.V.B, ngụ cùng ấp Qui Lân 5. Sau khi tiếp nhận vụ việc, các thành viên trong Tổ hòa giải ở ấp Qui Lân 5 kết hợp cùng thành viên của Hội đồng Tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai của UBND xã Thạnh Quới đưa ra hòa giải. Kết quả, hai bên đã thỏa thuận thống nhất được với nhau về vị trí, ranh đất, kết thúc tranh chấp. Nhắc đến chuyện cũ, ông B. bộc bạch: “Giờ đây, rắc rối phát sinh giữa hai nhà đã được chính quyền địa phương giải quyết ổn thỏa. Chẳng những vậy, những xích mích trước đây giữa chúng tôi cũng được hóa giải, tình nghĩa xóm giềng càng thêm gắn bó”. 

Vợ chồng ông H.T.H. (ở ấp Qui Lân 5) có xích mích, mâu thuẫn trong đời sống và có đơn gởi Tổ hòa giải ấp, nhờ xem xét, giải quyết về việc ly hôn. Bằng kinh nghiệm thực tiễn, các thành viên trong Tổ hòa giải ấp Qui Lân 5 đã hóa giải mâu thuẫn, giúp vợ chồng ông H. đoàn tụ, cùng nhau ra sức lao động, vun đắp, xây dựng tổ ấm.

Ông Ngô Văn Đát, Phó Trưởng ấp, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Qui Lân 5, cho biết: “Khi tiếp nhận đơn yêu cầu hòa giải của người dân, chúng tôi thường tiến hành xác minh, làm rõ nội dung khiếu nại. Sau đó, chúng tôi đối chiếu với những quy định pháp luật, để họp bàn, thống nhất với nhau về hướng giải quyết vụ việc. Khi tổ chức hòa giải, chúng tôi vận động hai bên trên cơ sở tình - lý, giúp các bên nhận ra khúc mắc của mình, hàn gắn tình làng nghĩa xóm”.

Thạnh Quới là một trong những xã, thị trấn của huyện Vĩnh Thạnh có nhiều nỗ lực trong công tác hòa giải ở cơ sở. Hằng năm, xã thực hiện hòa giải thành từ 85% vụ, việc trở lên. Xã Thạnh Quới có 7 Tổ hòa giải ở 7 ấp. Năm 2018, các Tổ hòa giải này đã tiếp nhận, thụ lý 14 vụ việc; hòa giải thành 12 vụ. Các trường hợp hòa giải thành, đến nay đã chấp hành tốt quy định pháp luật, không xảy ra khiếu kiện. Riêng các trường hợp hòa giải không thành, Tổ hòa giải cũng đã hoàn tất thủ tục, hướng dẫn các bên đương sự nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định.

Riêng Hội đồng Tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai của UBND xã Thạnh Quới đã thụ lý 10 vụ; trong đó có 6 vụ hòa giải thành. Theo ông Phạm Văn Tuyến, Công chức Địa chính - Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn, giải quyết tranh chấp đất đai của xã Thạnh Quới, cho biết: “Việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư bằng thỏa thuận, thương lượng, hòa giải là nét văn hóa truyền thống lâu đời của nhân dân ta. Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 ra đời tiếp tục thừa kế và phát huy truyền thống nên dễ dàng đi vào cuộc sống, được nhân dân, xã hội đồng tình, ủng hộ”.

Hiện nay, các xã, thị trấn của huyện Vĩnh Thạnh đã thành lập Hội đồng Tư vấn, giải quyết tranh chấp đất đai. Ngay đầu năm, Phòng Tư pháp huyện xây dựng Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH.PTP-TTBDCT giữa Phòng Tư pháp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở năm 2018 được 1 lớp, có 63 hòa giải viên tham gia. Ngoài ra, phòng còn phối hợp với UBMTTQ huyện thường xuyên hướng dẫn kiện toàn tổ chức hòa giải tại cơ sở kịp thời nếu có biến động. Năm 2018, Tổ hoà giải các ấp đã nhận và đưa ra hòa giải 112 vụ. Trong đó, hòa giải thành 93 vụ việc, đạt tỷ lệ 83,03%.

Ông Phạm Thanh Sơn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Các xã, thị trấn trên địa bàn đã phát huy tốt vai trò Hội đồng Tư vấn, giải quyết tranh chấp đất đai, góp phần tích cực trong việc hòa giải các tranh chấp về đất đai. Bên cạnh đó, huyện luôn quan tâm bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Do đó, các vụ việc được hòa giải đúng quy định pháp luật, tỷ lệ hòa giải thành từng bước được nâng lên, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn”.

Bài, ảnh: Chấn Hưng

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
hòa giải