29/01/2011 - 15:25

Kinh tế Việt Nam vượt thách thức, tạo sức bật mới

Năm qua, với những chủ trương đúng đắn và điều hành kịp thời của Chính phủ và nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã từng bước vượt qua những tác động của cơn bão tài chính thế giới và phục hồi được đà tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội... Từ đó, chúng ta đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu trong “cơn bão” khủng hoảng kinh tế, tiếp tục ổn định tình hình tài chính, kinh tế, được các định chế kinh tế tài chính quốc tế và Liên Hiệp Quốc đánh giá cao.

Tăng trưởng trong biến động

Nhìn nhận diễn biến thị trường trong năm qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng đi liền với ba điểm sáng của nền kinh tế về khả năng hồi phục tăng trưởng nhanh, thì nền kinh tế nước ta cũng đang đối mặt với ba thách thức không chỉ trong năm 2010 mà còn cả năm 2011. Ba điểm sáng đó là nhu cầu hàng hóa xuất khẩu, nhu cầu nội địa và nhu cầu lao động tăng cao; còn ba thách thức là vấn đề kiềm chế lạm phát, cải thiện thâm hụt tài khoản vãng lai và khắc phục tình trạng thiếu hụt năng lượng. Nền kinh tế cũng xuất hiện một số rủi ro tiềm ẩn liên quan đến sự biến động trên ba thị trường: vốn, ngoại hối và lao động. Đó là các vấn đề về lãi suất, tỷ giá và tiền công. Năm 2010, Việt Nam lạm phát tới 11,75%, và mục tiêu trong năm 2011 là kiểm soát ở mức 7 - 8%. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, biến động của lãi suất, tỷ giá và tiền công không tồn tại độc lập mà tương tác lẫn nhau, có khả năng tạo ra vòng xoáy về lạm phát mới.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng rủi ro lạm phát là tương đối cao khi giá vàng và USD trên thị trường tự do biến động khó lường. Giá vàng liên tiếp lập kỷ lục mới trong những ngày đầu tháng 9-2010, có lúc gần chạm ngưỡng 38 triệu đồng/lượng, ảnh hưởng đến giá cả của nhiều loại hàng hóa khác. Trong quá khứ, dầu và vàng luôn đi cùng chiều trong những giai đoạn tăng giá, như vào giữa tháng 7-2008 vàng đạt đỉnh 1.006 USD/lượng thì giá dầu cũng lập kỷ lục trên 135 USD/thùng. Thế nên, kiểm soát giá cả hai mặt hàng này là vấn đề hết sức gai góc, nhất là trong bối cảnh đồng USD dễ suy yếu như hiện nay.

Bên cạnh đó, thâm hụt tài khoản vãng lai tiếp tục gây sức ép lên thị trường ngoại hối và tỷ giá, trong lúc nguồn dự trữ ngoại tệ của nước ta còn mỏng và nợ nước ngoài tăng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai là do thâm hụt thương mại cao. Năm 2010 thâm hụt thương mại so với GDP lên đến 9,3%. Nếu tình trạng này kéo dài mà dự trữ ngoại tệ không được cải thiện, thì hệ thống tài chính và nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với rủi ro rất lớn trong tương lai. Vì vậy, mặc dù nền kinh tế nước ta đã phục hồi tăng trưởng với tỷ lệ 6,7% trong năm 2010, vượt chỉ tiêu 6,5% của chính phủ, nhưng theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chất lượng tăng trưởng của Việt Nam còn thấp.

Xuất khẩu đạt mục tiêu

Một trong những yếu tố có thể hỗ trợ kinh tế nước ta đứng vững trước sự biến động thị trường trong thời gian qua, cũng như thời gian tới, cần được tăng cường là xuất khẩu. Năm 2010, tuy đối mặt với rất nhiều thách thức về thị trường do các nước dựng lên nhiều rào cản bảo hộ sản xuất trong nước, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vẫn tăng 24%, đạt gần 71 tỉ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, nông - thủy sản... vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản... Đáng kể nhất là ngành dệt may. Thêm một năm nữa, ngành công nghiệp này dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, với 11 tỉ USD, vượt 500 triệu USD so với kế hoạch. Mặc dù còn nhiều trở ngại, nhưng các doanh nghiệp dệt may đã làm tốt công tác đàm phán giá, nâng mức tăng trung bình 15% so với năm 2009. Mức tăng này thể hiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi tiếp cận các thị trường Mỹ, Nhật Bản và EU.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (ngồi giữa) tham dự Hội nghị Đầu tư và Phát triển ĐBSCL tại TP Cần Thơ tháng 9-2010. Ảnh: T. Long 

Dưới trào lưu mậu dịch tự do tại Đông Á, đặc biệt Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (có hiệu lực đầy đủ từ ngày 1-1-2010), Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường nước láng giềng. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương năm 2010 lên tới 25 tỉ USD. Việc thực hiện các hiệp định kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các nước cũng góp phần không nhỏ vào mức tăng kim ngạch xuất khẩu. Với Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tăng đến 80% nhờ chính sách giảm thuế theo hiệp định giữa ASEAN với Hàn Quốc. Hiệp định kinh tế thương mại Việt - Nhật cũng góp phần giúp xuất khẩu sang Nhật tăng trưởng 15%. Ngoài ra, Khu mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) mở đường hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN thời gian tới là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Năm 2010, hàng Việt Nam xuất sang các nước khu vực ASEAN tăng khoảng 30%. Tất nhiên, để tận dụng được lợi thế trong quá trình tự do hóa thương mại, Việt Nam còn phải vượt qua nhiều thách thức, cạnh tranh.

Một tín hiệu lạc quan cho xuất khẩu nước ta là năm 2010, có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, tăng 3 mặt hàng so với 2009, gồm: dệt may, giày dép, dầu thô, thủy sản, gạo, đá quý kim loại quý và sản phẩm, gỗ và sản phẩm gỗ, điện tử, máy tính, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, cao su, cà phê, than đá, phương tiện vận tải và phụ tùng. Kim ngạch của “câu lạc bộ tỉ USD” đã đạt trên 41,4 tỉ USD, chiếm hơn 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Điểm sáng FDI

Trong khi đó, với chính sách nhất quán trong suốt hơn 20 năm qua, Việt Nam vẫn là một trong những điểm sáng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nguồn nhân lực giá rẻ vẫn là lợi thế của nước ta trong lĩnh vực này. Trong năm 2010, cả nước có 1.238 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư và tăng vốn, với tổng vốn đăng ký 18,6 tỉ USD. Năm qua cũng đánh dấu sự cải thiện đáng kể tốc độ giải ngân FDI, với 11 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2009.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vấn đề là chúng ta đánh giá FDI theo thành tích thu hút vốn vào các địa phương, chứ không phân tích các khoản FDI đó tạo được lợi ích gì, tác động đến môi trường và biến đổi khí hậu như thế nào. Việc thu hút FDI “bằng mọi giá” trong nhiều năm đã dẫn đến nhiều hệ lụy về sử dụng đất đai, tác động xấu đến môi trường và sinh thái. Ở khía cạnh giải quyết việc làm, suốt hàng chục năm qua hơn 10.000 doanh nghiệp FDI chỉ sử dụng 1,7 triệu lao động, tính ra mỗi năm tuyển dụng khoảng 80.000 lao động, chưa tới 10% so với nhu cầu giải quyết việc làm hàng năm từ 1,3-1,5 triệu lao động của Việt Nam. Vì vậy, theo các chuyên gia, thu hút FDI cần phải chuyển hướng tư duy, trước hết việc phân cấp cho địa phương cần thoáng nhưng không thể bằng mọi giá, tránh gây ra các hệ lụy nghiêm trọng về môi trường và kinh tế.

* * *

Sau gần 25 năm đổi mới, bộ mặt kinh tế - xã hội Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. So với 10 năm trước, đời sống của người dân hiện nay nói chung được cải thiện nhiều, vị thế của Việt Nam trên thế giới cũng tăng lên đáng kể. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế của Việt Nam cũng đạt trên 1.160 USD/năm và dự kiến tăng lên 1.300 USD trong năm tới.

Trước những thách thức đặt ra đối với nền kinh tế, Chính phủ đã xác định tiếp tục điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng và yêu cầu kiềm chế lạm phát. Tỷ giá và thị trường ngoại hối sẽ được điều hành theo hướng khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần ổn định các cân đối vĩ mô. Chính phủ cũng chủ trương phát triển thị trường nội địa, chủ động trong việc bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, đẩy mạnh việc đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo ra sức bật mới cho nền kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2011 sẽ vào khoảng 7,5% so với mức 6,5% của năm 2010.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết